13/07/2008 - 20:23

Báo động nạn ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi

Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ hỗ trợ thuốc BVTV và tập huấn nông dân ở xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt phun thuốc đúng kỹ thuật, tránh ô nhiễm môi trường.

Nếu ở một số đô thị bị ảnh hưởng bởi môi trường bụi bẩn, tiếng ồn thì ở nông thôn lại phải đối đầu với nạn ô nhiễm môi trường từ các nguồn phân, thuốc hóa học độc hại. Đó là hậu quả của việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thiếu hiểu biết, vứt bỏ bao, vỏ thuốc bừa bãi. Tình trạng này đang báo động ở vùng nông thôn.

* Ô NHIỄM DO VỎ THUỐC BVTV

Một lần, đi ngang qua cánh đồng lúa thuộc xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt, tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều bao bì đựng thuốc BVTV nằm rải rác khắp bờ ruộng, trên lối đi, dưới mương nước, ao hồ nhỏ giữa đồng ruộng... Đó là những bao bì do nông dân vứt bỏ khi sử dụng hết thuốc BVTV. Bác Nguyễn Văn Đại, một lão nông ở xã Trung Thạnh, cho biết: “Mấy năm nay, rầu nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh lúa von, đạo ôn, ốc bươu vàng... xuất hiện trên lúa nhiều quá nên nông dân chúng tôi xài nhiều thuốc BVTV để tiêu diệt. Tôi có 10 công (10.000m2) ruộng, mỗi vụ sử dụng trên cả chục ký thuốc BVTV diệt trừ rầy nâu, bệnh hại. So với 3 năm trước, ruộng lúa của tôi sử dụng thuốc BVTV gấp 3 đến 4 lần. Còn bao, chai thuốc thì để đại trên bờ ruộng chứ đâu còn chỗ nào để bỏ”.

Hiện nay, ở nông thôn, nhiều bà con nông dân vẫn còn xem bao, vỏ chai đựng thuốc BVTV là một loại rác thải thông thường như bao thứ rác thải khác nên tự nhiên vứt bỏ bừa bãi xuống kênh rạch, bờ sông, bờ ruộng... không hề nghĩ đến hậu quả tính độc hại của nó gây ra đối với môi trường. Anh Nguyễn Văn Thành (37 tuổi), ở xã Trung An, huyện Thốt Nốt đang canh tác gần 2ha lúa, cho biết: “Mỗi vụ sản xuất, gia đình tôi mua về hàng trăm ký phân, thuốc BVTV các loại để bón, phun xịt cho lúa. Sau khi phun xong, gia đình tôi cứ nhìn thấy gò đất nào trống, khuất là vứt thành đống, chứ bây giờ biết xử lý thế nào”.

Đặc biệt vào mùa nắng, lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các vỏ chai, bao bì bốc lên mùi hôi nồng nặc rồi phát tán trong không khí, một phần ngấm sâu vào lòng đất... Đây là nguyên nhân chính nhanh chóng làm hoang hóa tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và chất lượng hàng hóa sản xuất...

Hiện nay, vẫn còn có một số nông dân cho rằng khi phun thuốc nhiều lần cho một vụ với liều lượng phun cao (vượt mức khuyến cáo ghi trên nhãn chai) sẽ giúp ngăn ngừa dịch hại tốt hơn. Khi dùng thuốc có độc tính cao thì sâu bệnh sẽ chết nhiều hơn và sản phẩm thu hoạch cũng sẽ nhiều hơn, mẫu mã, màu sắc đẹp hơn. Đây là những quan niệm không đúng vì lượng thuốc BVTV sử dụng quá liều sẽ chảy ra sông rạch, làm ô nhiễm nguồn nước và việc dùng thuốc không đúng chức năng còn dẫn đến hậu quả khôn lường. Điển hình như trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Tùng (Ba Tùng) ở xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt đã bị tổn thất hàng tỉ đồng do sử dụng thuốc BVTV bừa bãi. Tháng 6-2007, ông đã sử dụng thuốc Dipterex (là loại thuốc sâu nhưng diệt khuẩn rất tốt) thuộc danh mục cấm sử dụng của Bộ Thủy sản để trị bệnh cho cá tra. Kết quả, cả ao cá của ông Tùng đến thời kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng trên 100 tấn đã chết sạch. Sự kiện trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trình trạng sử dụng hóa chất một cách tùy tiện trong nuôi thủy sản ở huyện Thốt Nốt.

Chị Nguyễn Thị Anh, nhà cặp kênh Bà Ót thuộc xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, cho biết: “Con kênh này lúc trước tụi nhỏ xuống tắm rửa, lặn hụp vui đùa mỗi ngày. Nhưng, nay cảnh này không còn nữa do dòng kênh bị ô nhiễm bởi thuốc BVTV từ trên đồng đổ ra, nếu tắm dưới kênh sẽ bị ngứa, nổi mận đỏ”.

* LÀM GÌ ĐỂ NGĂN CHẶN?

Thuốc BVTV không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đặc tính độc hại, thuốc BVTV sẽ gây tác hại rất lớn đến sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái nếu sử dụng không đúng quy cách. Hiện, Cần Thơ có hàng trăm cơ sở kinh doanh, buôn bán, cung ứng thuốc BVTV. Trong 6 tháng đầu năm 2008, Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ kết hợp cùng Thanh tra Sở NN-PTNT và ngành nông nghiệp các quận, huyện đã kiểm tra 65 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Qua đó phát hiện 35 cửa hàng vi phạm, gồm các hành vi như: Bán thuốc quá hạn sử dụng, không giấy phép kinh doanh, không giấy chứng nhận bảo vệ môi trường, không có chứng chỉ hành nghề kinh doanh...

Để nâng cao ý thức của nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV, 6 tháng đầu năm nay Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ cũng tăng cường tập huấn, tuyên truyền biện pháp phòng trị rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cho nông dân, với 410 lớp, gần 20.000 nông dân tham dự. Trong đó, chú trọng từ biện pháp phòng trị đến kỹ thuật phun thuốc, liều lượng sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Chi cục cũng cấp thuốc BVTV trị rầy và hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật phun thuốc cho nông dân, tránh ô nhiễm môi trường xung quanh; hỗ trợ nông dân sản xuất theo biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm sử dụng thuốc BVTV... đảm bảo môi trường sinh thái ở nông thôn.

Theo các nhà khoa học thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, một trong những biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường từ thuốc BVTV cần thực hiện là: Nhà nước từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã) cần quan tâm, chú trọng và dành kinh phí riêng để làm tốt công tác quản lý dịch vụ phòng, trừ sâu bệnh, nhất là cấp huyện và xã. Chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên và hướng dẫn nông dân sử dụng an toàn thuốc BVTV, khắc phục nhanh tình trạng không kiểm soát được việc sử dụng thuốc BVTV, trong khi nông dân còn chưa tự giác thực hiện các quy định về an toàn sử dụng thuốc. Gắn trách nhiệm của chính quyền cấp xã với việc bảo đảm an toàn sử dụng thuốc BVTV, vì xã có đủ điều kiện để kiểm soát và là nơi gần gũi và gắn bó với nông dân.

Đồng thời, ngành chức năng cần rà soát lại các loại thuốc BVTV đang sử dụng trong nước để thay thế dần bằng các loại thuốc có hàm lượng độc tố thấp hơn, nhưng vẫn bảo đảm có hiệu quả khi sử dụng; loại bỏ thuốc có độc tố mạnh, nghiên cứu và ban hành tên các loại thuốc BVTV được phép sử dụng ở nước ta phù hợp khả năng quản lý và trình độ dân trí; đẩy mạnh thanh tra ngành dọc về kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, tăng cường quản lý sử dụng thuốc, ngăn chặn kịp thời việc nhập lậu thuốc từ các cửa khẩu và thuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng.

Việc sử dụng quá mức nhiều loại hóa chất độc hại vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện đang là nguyên nhân chính làm môi trường nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thiết nghĩ, các cơ quan, ban ngành hữu quan của TP Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL cần có những đợt kiểm tra, nắm rõ hiện trạng sử dụng thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn, để sớm đưa ra các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm kiểm soát tình hình, ngăn chặn và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường hiện nay.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

    Bà Nguyễn Thị Mỹ Sơn, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ, cho biết: “Để hạn chế ô nhiễm môi trường ở nông thôn, một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh sai qui định, kinh doanh thuốc BVTV cấm sử dụng, có độc tính cao. Ngăn chặn thuốc BVTV nằm trong danh mục cấm sử dụng tung ra thị trường và nông dân có ý thức không sử dụng loại thuốc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn”.

Chia sẻ bài viết