18/05/2008 - 08:39

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Bảo đảm tất cả học sinh đều có sách giáo khoa cho năm học mới

* Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Học phí tương xứng với chất lượng đào tạo; trường có chất lượng cao sẽ thu học phí cao hơn

* Trong tháng 6 sẽ xem xét phương án xây dựng trường đại học quốc tế tại Cần Thơ

(TTXVN - CT)- Trong cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan về việc chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quán triệt: “Phải bảo đảm các em học sinh đến trường đều có sách giáo khoa, con em các gia đình chính sách, gia đình nghèo, thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được cấp phát miễn phí, hỗ trợ giảm giá để mua được sách...”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “ Tuân thủ cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước không bù lỗ tràn lan cho các doanh nghiệp. Việc làm này tạo ra tiền lệ xấu là khiến các doanh nghiệp dựa dẫm vào Nhà nước. Trong khi đó, chủ trương của chúng ta hướng tới việc thực hiện lộ trình giá thị trường. Hơn nữa, hiện nay, Nhà nước đang nỗ lực kiềm chế giá của 10 mặt hàng thiết yếu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Giá sách giáo khoa là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến mọi gia đình, nhưng mức độ ảnh hưởng không cao”. Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung chăm lo cho các đối tượng chính sách, học sinh nghèo, khó khăn không đủ điều kiện mua sách giáo khoa.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học 2008 - 2009 đã được tiến hành từ đầu năm và hiện là thời điểm phải đưa sách tới các địa phương trong cả nước để kịp cho các em có sách giáo khoa vào ngày khai trường. Tuy nhiên, việc chi phí đầu vào tăng trung bình từ 20 đến trên 100% đã khiến nhiều nhà in trúng thầu in sách giáo khoa năm 2008 cho NXB Giáo dục đã tạm ngừng việc in sách giáo khoa và đề nghị NXB Giáo dục điều chỉnh lại giá các gói thầu. Trước tình hình đó, NXB Giáo dục đã kịp thời giải quyết một số khó khăn trước mắt cho các nhà in, và đang cùng với các nhà in khẩn trương triển khai kế hoạch in để đảm bảo có đủ sách giáo khoa phục vụ năm học 2008-2009. Đến ngày 9-5-2008, NXB Giáo dục đã in và nhập kho được trên 50 triệu bản sách và 25 triệu bản đã được đưa về các tỉnh, thành trong cả nước. NXB Giáo dục cam kết đến ngày 15-8-2008 sẽ có đủ sách giáo khoa cho năm học mới. Để thực hiện được cam kết đó, NXB Giáo dục đã đề xuất với Chính phủ 2 phương án. Một là tiếp tục triển khai việc điều chỉnh giá bán lẻ sách giáo khoa năm học 2008-2009 với mức tăng không quá 10% như đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện từ tháng 3-2008. Theo đó giá bộ sách Tiểu học tăng trung bình 9,62%, với mức tăng thấp nhất là 3.300 đồng/bộ và cao nhất là 6.100 đồng/bộ. Mức tăng cao nhất đối với bộ sách Trung học phổ thông là 12.200/bộ và Trung học cơ sở là 9.600 đồng/bộ.

* Sáng 17-5-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị giao ban lần thứ 2 khối các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm học 2007-208 qua cầu truyền hình tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thực hiện cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, các trường đã rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo, lập kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức ký cam kết thi đua... Nhiều trường đã xây dựng kế hoạch và lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên, cán bộ quản lý. Vụ Giáo dục ĐH đã nhận được gần 4.200 chương trình đào tạo của 271/ 352 trường ĐH, CĐ trong toàn quốc. 261 giáo trình của các trường, các tổ chức, cá nhân được đưa lên website thư viện giáo trình điện tử của Bộ GD&ĐT và Bộ đang phát động phấn đấu đạt 1.000 giáo trình điện tử trong năm 2008. Hầu hết các trường chuẩn bị khá tích cực và có lộ trình cụ thể chuyển dần sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Nhiều trường ĐH và doanh nghiệp liên kết để thực hiện chủ trương đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề lớn của khối các trường ĐH, CĐ, như: chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ; xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH; đẩy mạnh đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội... Các đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có phần mềm dùng chung dành cho quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ.

Nhiều đại biểu băn khoăn trước tình trạng yêu cầu chất lượng đào tạo ngày càng cao nhưng học phí lẫn mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các trường vẫn không tăng. Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Hồng Quì đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường đưa ra những sản phẩm đào tạo đặc thù của mình- tức những chương trình đào tạo đặc thù, với những điều kiện đặc biệt- kèm theo là mức học phí tương xứng.

Đại biểu các trường ĐH, CĐ thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật rất băn khoăn trước những qui định về tuyển sinh, chuyển đổi sang học chế tín chỉ... Học chế tín chỉ phù hợp với đào tạo số đông trong khi các trường nghệ thuật tuyển sinh theo năng khiếu, số lượng sinh viên ít, có lớp chỉ vài sinh viên. Những qui định về qui trình ra đề thi, chấm thi, coi thi hiện nay cũng chưa phù hợp với các môn thi năng khiếu bởi ở những môn này, quá trình coi thi cũng là quá trình chấm thi. Vì vậy phải có những qui định chặt chẽ, đảm bảo chính xác, công bằng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, chỉ đạo Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu và trả lời những vấn đề mà đại biểu đã đóng góp. Phó Thủ tướng đề nghị cần có những biện pháp chế tài nghiêm khắc trong tuyển sinh đối với các trường không gửi chương trình đào tạo cho Bộ GD&ĐT, không thực hiện đánh giá chất lượng. Về học phí, hướng tới, học phí phải tương xứng với chất lượng đào tạo; trường có chất lượng cao sẽ được thu học phí cao hơn. Mức vay tín dụng ưu đãi cho học sinh sinh viên sẽ được điều chỉnh hằng năm cho phù hợp với thực tế. Phó Thủ tướng cho biết: Nằm trong kế hoạch xây dựng 4 trường ĐH quốc tế trên toàn quốc, tháng 9 tới, Trường Đại học Việt Đức ở TP Hồ Chí Minh có thể đi vào hoạt động. Trong tháng 6- 2008, sẽ xem xét đến việc chọn phương án xây dựng trường đại học quốc tế tại Cần Thơ.

SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết