05/04/2008 - 10:30

Thực phẩm chức năng

Bản chất và sự cường điệu

Từ năm 1980, khi Nhật Bản là nước đầu tiên cho phép sản xuất loại “thực phẩm chức năng” (Functional food), đến nay có cả chục ngàn sản phẩm dạng này xuất hiện ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc, các nước châu Âu, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc... Trào lưu trên còn mở rộng ở dạng dinh dưỡng bổ sung (nutritional supplement), thuốc - dinh dưỡng (neutraceuticals), thực phẩm hỗ trợ sức khỏe (alternative food)... Trên thực tế, doanh số các sản phẩm này ngày càng phát triển mạnh. Ước tính, mỗi năm một người Mỹ tiêu tốn 68 USD; người Nhật 126 USD; người châu Âu 52 USD cho các sản phẩm chức năng. Vậy giá trị thực sự của thực phẩm chức năng là gì?

Các yếu tố giúp thực phẩm chức năng phát triển

- Nhiều người cho rằng các loại dược phẩm chính thống, phần lớn các hoạt chất cũng được điều chế qua nguồn gốc cây cỏ (phytochemical) hoặc qua con đường bán tổng hợp. Gần đây, một số nguyên liệu thuốc cũng được chiết xuất từ các mô động vật. Vậy thì “thực phẩm chức năng” cũng có cùng bản chất, và công dụng về mặt hỗ trợ sức khỏe là lẽ đương nhiên.

Một loại thực phẩm chức năng  ở dạng viên nang. 

- Về mặt lịch sử: Qua hàng ngàn năm phát triển, tổ tiên con người chống chọi với bệnh tật cũng dựa vào cây, cỏ trong tự nhiên. Thực tế các nước còn thu thập, lưu truyền những bài thuốc quí, có giá trị về mặt lâm sàng như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, các nước Nam Mỹ, Trung Đông...

- Về kinh tế - xã hội: Một phần không nhỏ người lớn tuổi có sự chọn lựa theo bối cảnh kinh tế và tâm lý: Thực phẩm chức năng tương đối rẻ tiền so với dịch vụ chữa bệnh, dễ mua (không nhất thiết phải cần bác sĩ ra toa), sự hấp dẫn bởi thông tin quảng cáo (phần nhiều là cường điệu). Nhiều người tin rằng các sản phẩm này cũng ít tác dụng phụ (?).

Nhận biết và sử dụng

Trong thời gian qua, có nhiều thông tin về sự lạm dụng thực phẩm chức năng, đưa đến các tác dụng phụ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do sự tương tác với dược phẩm chính thống, hoặc do dùng sai chỉ định (đặc biệt là dạng có tác dụng giảm béo, tăng cường khả năng tình dục). Chính vì vậy, gần đây, các tổ chức quản lý lĩnh vực này đã ban hành các qui chế về sản xuất, lưu hành, nội dung quảng cáo, phương thức xuất - nhập khẩu... để xiết lại sự tự do hoạt động, tránh trường hợp “lợi bất cập hại” do người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về loại sản phẩm này.

Tại Việt Nam, khoảng năm 2001, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thực phẩm “đa chức năng”, phần lớn là sản phẩm nước ngoài. Hiện nay, theo thống kê có gần 3.000 loại, hoạt động dưới hình thức “truyền tiêu đa cấp”- bán hàng trực tiếp không thông qua cửa hàng bán lẻ hoặc bán tự do. Phong trào này đã rầm rộ thời gian đầu tại nhiều tỉnh, thành, sau đó lan rộng đến vùng nông thôn, làm cho người tiêu thụ cuối cùng (cũng là nạn nhân) phải mua sản phẩm với giá cả rất cao. Ngoài ra, do cách ghi công dụng của sản phẩm quá nhiêu khê (người dùng khó nhận biết đâu là công dụng chính, công dụng phụ), nên hầu hết người sử dụng không thể tự mình chẩn đoán đúng tình trạng sức khỏe hiện tại, hoặc người giới thiệu sản phẩm này không thể có đủ kiến thức y học để “ra toa” cho từng đối tượng. Nếu là thành viên của vòng “truyền tiêu đa cấp”, có lẽ mục đích chính là họ cố gắng sang tay cho thành viên khác càng sớm càng tốt để được hưởng lợi! Tại nước ta cũng từng có nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng do dùng một số loại thực phẩm chức năng của các công ty “truyền tiêu đa cấp”.

Theo ý kiến cá nhân, nhìn vào công thức của từng loại sản phẩm này, đúng là một số hoạt chất có tác dụng tích cực đến sức khỏe người sử dụng, thậm chí là có tác dụng hỗ trợ điều trị. Tất nhiên, chỉ định và liều lượng cần hướng dẫn rõ ràng, khi cần thiết có thể yêu cầu bác sĩ ra toa.

Thực tế, nước ta có nhiều lợi thế và tiềm lực để sản xuất các dạng thực phẩm chức năng, do chúng ta kế thừa nền y học cổ truyền có giá trị, nguồn nguyên liệu dồi dào từ thiên nhiên. Xem qua các công thức và thành phần hoạt chất của sản phẩm nhập khẩu, rõ ràng chúng ta không thiếu, từ các loại rau, quả, cây cỏ như: trái nhàu, gừng, nghệ, bạch quả, nấm linh chi, ngưu tất, bạch truật, tảo biển, gấc, măng cụt, củ bình vôi, lô hội, ngãi cứu, đảng sâm, đinh lăng... cho tới các hoạt chất từ động vật như nhung hươu, hổ cốt, mật gấu, hải sâm, hải mã, yến sào...

Giải pháp kiểm soát và quản lý

Từ năm 2004, Bộ Y tế đã giao cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chịu trách nhiệm thẩm định. Đây được xem là biện pháp đúng và tích cực để kiểm soát lại tình trạng xô bồ của các dạng thực phẩm chức năng. Điều hợp lý và cốt lõi là qui định của Bộ Y tế khi đưa ra định nghĩa (Thông tư 08/2004/ TT-BYT): Thực phẩm chức năng là sản phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”. Và yêu cầu trên nhãn sản phẩm phải ghi rõ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Quy định này nhằm giúp người dân không mơ hồ đây là loại thuốc điều trị đủ thứ bệnh, từ đau dạ dày, thấp khớp, giảm béo, phòng chống các hội chứng tim mạch, tăng cường sinh lý... cho tới ung thư các loại!

Phải nhìn nhận rằng, nếu sản phẩm này được các công ty thực phẩm chức năng (hoặc công ty dược phẩm) trong nước điều chế theo đúng qui trình, đảm bảo tính khoa học, được sự thẩm định của ngành chức năng... sản xuất ra những chế phẩm tốt, sẽ tạo được niềm tin đối với người sử dụng, góp phần tăng cường sức khỏe người dân và giúp làm hạ giá thành sản phẩm (do cơ chế cạnh tranh và ít cửa trung gian). Cơ quan chức năng rất bức xúc khi kiểm tra một vài sản phẩm nhập khẩu, chỉ với nguyên liệu chính như trái nhàu, bạch quả, củ tỏi, hoạt chất chống oxy hóa... có giá từ 100.000 đồng đến hơn 600.000 đồng/hộp (tùy loại và hộp lớn, nhỏ 20 viên, 60 viên hoặc 100 viên...). Nếu sản phẩm trên được sản xuất nội địa có lẽ giá bán sẽ thấp hơn nhiều lần!

Trong xu thế hội nhập hiện nay, chúng ta không thể cấm các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng nếu làm tốt các sản phẩm dạng này trong nước, tin rằng chúng ta sẽ sớm giành lại thế chủ động trên “sân nhà”. Song song đó, các ngành chức năng (y tế, thương mại, quản lý thị trường...) cần tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện các trường hợp lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để quảng bá những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm siêu công dụng... hầu đánh lừa họ.

Thiết nghĩ, đối với thực phẩm chức năng, khi xét thấy cần thiết (và đáng tin), chúng ta mới nên mua sử dụng. Người tiêu dùng không nên quá “mê tín” vào sản phẩm này, để rồi quên đi các yếu tố cần thiết khác, như duy trì lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Nếu lỡ mang chứng bệnh cụ thể, thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị.

CNYK ĐÀM HỒNG HẢI (Sở Y tế TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết