27/10/2014 - 20:32

Bám biển mưu sinh

Người dân vùng biển, đời này nối tiếp đời kia, dựa vào biển để mưu sinh. Không chỉ vậy, gắn bó với biển như góp phần bảo vệ một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Một trong những gia đình chúng tôi muốn nhắc tới là gia đình ông Trần Xảm, ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) - có bốn thế hệ vươn khơi, mưu sinh trên biển Gò Công.

Đa số người dân ở ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông đều gắn bó với nghề biển - nghề gia truyền từ đời này qua đời khác. Gia đình ông Trần Xảm, có đến 4 thế hệ gắn bó với nghề đi biển. Kinh nghiệm đánh bắt được gia đình ông truyền từ đời này qua đời khác. Đã hơn 40 năm mưu sinh, gắn bó với biển đã giúp ông xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái khôn lớn, nên người.

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc ông Trần Xảm cùng 5- 6 ngư dân vừa có chuyến ra khơi trở về, tất bật khâu vá lưới chuẩn bị cho kịp ra khơi vào con nước sau. Vừa làm, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về nghiệp đi biển. Lúc nhỏ, lên 5, lên 6, cứ mỗi khi nước lớn, tàu cá ra khơi lại về, ông cùng đám bạn hay ra cảng cá Đèn Đỏ leo lên các thuyền lựa lấy những con mực, con nghêu, con tôm tích... về nướng ăn. Lâu ngày quen dần, rồi có những lúc ông được cha mẹ cho theo đánh bắt gần bờ, cảm giác ngắm mặt trời mọc, rồi lặn, những đợt sóng biển rì rào... đã ngấm vào da thịt, tâm hồn ông. Dần dần, ông thạo nghề đánh bắt từ lúc nào không hay.

Ông Trần Xảm (người đứng) cùng ngư dân đang kiểm tra, vá lưới chuẩn bị chuyến ra khơi.

Trung bình mỗi tháng thuyền ông ra khơi 2 đợt, tùy theo con nước, mỗi đợt từ 7-8 ngày. Do thuyền không lớn nên ông cùng bà con ngư dân chỉ đánh bắt cách bờ khoảng 20km. Nếu khuya đi đến chiều hôm sau lại về cặp bến. Đợt nào trúng mùa, biển yên thì 1 con nước kiếm lời cũng khoảng 20 triệu đồng, biển động xem như không có lời, đôi lúc thiếu tiền trả nhân công. Nhưng ông Xảm vẫn ngày đêm kiên cường vươn khơi. Bởi, ông nghĩ biển là chỗ dựa tinh thần giúp người dân nơi đây vượt qua bão tố của tự nhiên và của cuộc sống.

Hơn 40 năm lăn lộn với sóng biển, ông Trần Xảm đã thuộc làu từng luồng cá, từng dòng hải lưu ở vùng biển Gò Công. Vì thế, ông tích lũy được một khối kinh nghiệm thả lưới, đánh bắt để có những chuyến thuyền về đầy ắp cá tôm. Ông nói: "Vùng biển này gần như tôi đã quen rồi. Nơi nào có chướng ngại vật, nơi nào không thể thả lưới đánh bắt... tôi đều biết cả. Cứ hễ thấy dòng hải lưu mà nước quá trong, một màu xanh thì rất ít cá tôm, không nên thả lưới. Còn nơi nào nước có màu đục, vàng vàng thì nơi đó có thể thả lưới để đánh bắt...".

"Nhiều lần, đang đánh bắt ngoài khơi, bão ập đến, cướp đi sinh mạng của nhiều người, hư hỏng tàu thuyền... Thời tiết trên biển, chẳng ai có thể đoán trước được. Những lúc đó, tàu thuyền về không là chuyện thường tình mà người dân đi biển gặp phải" - ông Trần Xảm kể. Tôi hỏi: "Đi biển đôi lúc rất nguy hiểm, giống như đánh cược số phận, tính mạng cho biển, sao ông không chọn một công việc khác trên đất liền để mưu sinh?". Ông trả lời: "Ngư dân như chúng tôi luôn gắn phận mình với sóng, gió ngoài biển khơi. Biển nuôi nấng, che chở cho chúng tôi với những mùa về tôm cá đầy khoang. Nhưng biển cũng lấy đi cuộc sống của không ít ngư dân. Dù vậy, bám biển để mưu sinh - là nghề gia truyền, đâu ai muốn bỏ!".

Bài, ảnh: Văn Minh

Chia sẻ bài viết