05/05/2011 - 09:59

Đọc “Hôm nay tóc tôi màu vàng”

Bài học về sự lạc quan

“Hôm nay tóc tôi màu vàng” là tự truyện của Sophie van der Stap, một bệnh nhân ung thư, về những trải nghiệm của cô trong quá trình chống chọi căn bệnh nan y. Sách do NXB Phụ nữ phát hành vào tháng 3 năm 2011.

Tự truyện mở đầu trong hiệu tóc giả tại Trung tâm Y học Amsterdam. Sophie, một cô gái 21 tuổi, ngồi trước gương. Sau những đợt hóa trị, tóc của Sophie rụng dần. Một cô gái từng yêu đời, quyến rũ với gương mặt xinh xắn và mái tóc đẹp giờ đây tiều tụy, xơ xác. “Tôi ngồi đó, miệng há hốc. Tôi nằm lăn ra đất khóc lóc. Tôi thu mình dưới gầm bàn làm việc vì choáng váng. Không thể nào là sự thật. Nhưng đồng thời nó lại là một sự thật hiển nhiên” (trang 20). Nhưng cánh cửa cuộc sống không khép lại với cô gái trẻ. Tình yêu của người thân, bạn bè và tấm gương chiến thắng bệnh tật của vận động viên Lance Armstrong, đã giúp Sophie can đảm sống.

Các đợt điều trị đã làm mòn đi sức lực, nhưng Sophie vẫn cố sống mạnh mẽ. Quá trình chống chọi với những cơn đau hành hạ, giúp Sophie nhận ra rằng đau buồn chỉ khiến con người dễ dàng gục ngã và trở nên sợ hãi chính mình. Cô đến cửa hàng tóc giả chọn những bộ tóc đẹp rồi đặt cho chúng những cái tên rất yêu kiều “Stella, Oema, Plantina, Daisy, Pam, Lydia, Bebe, Sue, Blondie”. Mỗi khi ra đường, Sophie lựa chọn một kiểu tóc, kẻ lại đôi chân mày đã rụng, mặc quần áo đẹp... và sải bước tự tin đi gặp những người bạn. Sophie bắt đầu tập viết văn, chơi Sudoku, nghiên cứu về Yoga, cộng tác với tờ báo NL20... Đặc biệt, sau khi được mời tham gia chương trình “Thế giới chuyển động” Sophie nhận rất nhiều thư chia sẻ của mọi người. Có người đã trở thành bạn của Sophie...

“Hôm nay tóc tôi màu vàng” tràn ngập lòng can đảm và suy nghĩ tích cực của Sophie trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Những trải nghiệm của cô không chỉ mang lại niềm tin cho chính mình, mà còn cho nhiều cuộc đời bất hạnh: “Tôi phải chỉ cho người ta thấy rằng sống với bệnh ung thư là điều có thể, rằng tôi có thể cười nói và vui sống như trước kia... rằng người ta có thể sống chung với ung thư trên một cơ thể héo mòn bị tra tấn bởi những trận đau đớn, những lần ói mửa triền miên” (trang 225).

Tự truyện còn ấm lòng người về tình cảm gia đình qua cách bố, mẹ và chị gái Zus chăm sóc cho Sophie. Tình người giữa các bệnh nhân ung thư, thông qua việc Sophie chia sẻ và bên cạnh Chatal- người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối. Tình bạn chân thành của Jur giúp Sophie yêu đời. Trách nhiệm cao quý của người thầy thuốc qua tấm lòng của bác sĩ K, bác sĩ L...

Văn phong của cô gái trẻ đang mang bệnh tật không rơi vào giọng điệu sầu não trái lại đầy sức sống, có khi hóm hỉnh với những định nghĩa vui về bệnh tật và cái chết. Tự truyện của Sophie thật sự là liều thuốc tinh thần cho những người đang kiệt quệ trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.

HÀ DƯƠNG

Chia sẻ bài viết