09/03/2021 - 06:53

Bài học kinh nghiệm từ Bi sắt, Cầu lông, Cầu mây 

Theo kế hoạch kiện toàn và phát triển Thể thao thành tích cao Cần Thơ giai đoạn 2021-2026, từ cuối năm 2020, các môn Bi sắt, Cầu lông, Cầu mây không tiếp tục được đầu tư. Việc giải tán 3 môn này để lại sự ngậm ngùi và nhiều bài học kinh nghiệm trong giới thể thao Cần Thơ. Bởi vì đây là những môn từng có thời gian dài xây dựng, đào tạo lực lượng, có VĐV từng đoạt huy chương quốc gia, Đông Nam Á...

Hai trụ cột Thanh Thảo và Lan Anh của đội tuyển Bi sắt Cần Thơ trước khi giải tán.

Hai trụ cột Thanh Thảo và Lan Anh của đội tuyển Bi sắt Cần Thơ trước khi giải tán.

Từ năm 2008, phong trào tập luyện Bi sắt nở rộ ở Cần Thơ với CLB đầu tiên được thành lập ở quận Bình Thủy. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2010, đội Bi sắt Cần Thơ được thành lập và tham dự lần đầu tiên. Với thành tích 1 HCB, Bi sắt mở ra giai đoạn vàng son từ đó đến năm 2014. Các bi thủ Cần Thơ được xem là đối thủ đáng ngại ở các nội dung đồng đội nữ tại các giải quốc gia. Cặp VĐV Thanh Thảo - Lan Anh cũng được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, tham dự các giải Bi sắt khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ sau khi Bi sắt không hoàn thành chỉ tiêu HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014, bộ môn cũng dần bị suy yếu, không có thêm VĐV năng khiếu. Việc duy trì các VĐV đội tuyển của Bi sắt chỉ còn là hình thức, nên thất bại của bộ môn ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 và 2 kỳ Đại hội thể thao ĐBSCL gần đây, là điều không có gì bất ngờ.

Cũng giống như Bi sắt, Cầu lông cũng giải tán sau gần 10 năm xây dựng lực lượng. Cũng có phong trào tập luyện khá rộng rãi và đội tuyển Cầu lông Cần Thơ từng có VĐV thi đấu đoạt huy chương ở giải vô địch quốc gia, nhưng liên tục sa sút trong gần 1 thập niên qua. Đáng nói là liên tiếp 3 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2010, 2014, 2018, Cầu lông Cần Thơ đều trắng tay. Những năm qua, việc xây dựng lực lượng VĐV của bộ môn cũng không có kết quả, dù phong trào ngày càng phát triển rộng.

Năm 2013, Cần Thơ thành lập đội năng khiếu đầu tiên của môn Cầu mây. Trong gần 8 năm xây dựng, lực lượng Cầu mây vẫn loay hoay giậm chân tại chỗ, với chỉ gương mặt duy nhất đáng chú ý là Đặng Thị Mỹ Linh được khoác áo đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, giữa năm 2020, VĐV Mỹ Linh giã từ sự nghiệp thi đấu vì việc gia đình, khiến Cầu mây Cần Thơ không còn nhân tố triển vọng. Cầu mây Cần Thơ vất vả ở các cuộc tranh tài, thành tích không có sự bứt phá, chỉ dừng lại ở HCB, HCĐ. 

Theo các HLV đã nhiều năm gắn bó với thể thao Cần Thơ, việc giải tán hoàn toàn các môn Cầu lông, Bi sắt, Cầu mây để lại nhiều nuối tiếc. Các bộ môn đều trải qua thời gian dài xây dựng lực lượng, từng có được những nhân tố điển hình. Tuy nhiên, trong thi đấu thể thao, thành tích được xem là thước đo quan trọng nhất. Cho nên dù các môn rất nỗ lực tập luyện, nhưng không xây dựng được các nhân tố kế thừa và phát triển đội ngũ, thì khó có thể được đầu tư lâu dài. Theo ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, việc giải tán các môn đã được cân nhắc kỹ. Xét ở nhiều khía cạnh, nếu tiếp tục đầu tư thì phải tốn rất nhiều kinh phí nhưng cũng sẽ không đi tới đâu, vì lực lượng yếu và thiếu. Sau khi giải tán 3 môn Bi sắt, Cầu mây, Cầu lông, các VĐV được tạo điều kiện, giới thiệu chuyển đến các địa phương hiện có phong trào mạnh. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các VĐV đã có hướng đi khác. 

Theo định hướng đầu tư 17 môn thể thao thành tích cao hiện nay, trước mắt Cần Thơ cố gắng giữ vững thành tích của những môn thế mạnh như: Vovinam, Cờ vua, Karate... và vực dậy những môn tiềm năng như Boxing, Bơi, Canoeing...

Bài, ảnh: XUÂN THANH

Chia sẻ bài viết