20/02/2008 - 23:04

Sản xuất sơ ri xuất khẩu

Bài học cộng đồng

Sau hơn 6 tháng thử nghiệm, đến nay nhóm nông hộ tham gia chương trình sản xuất sơ ri an toàn cho xuất khẩu tại thị xã Gò Công (Tiền Giang) đã thực sự hiểu rõ giá trị của “phương thuốc” Sofri protein để loại trừ nguy cơ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Sau khi diệt ruồi đục trái bằng bả thuốc Sofri protein, có lúc giá thu mua trái sơ ri xuất khẩu đạt mức kỷ lục 5.000 đồng/kg, làm nhà vườn rất phấn khởi.

Tập huấn cho nông dân sản xuất sơ ri an toàn tại Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI).
Ảnh: MINH TUẤN 

Nhà vườn trồng sơ ri ở Gò Công (2 huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và TX Gò Công) hẳn không bao giờ quên cảnh giá thu mua trái sơ ri bấp bênh: từ 3.000 đồng /kg hạ xuống mức 500 đồng/kg và cuối cùng là doanh nghiệp “dừng thu mua tạm thời”. Thảm cảnh này làm trái sơ ri rụng đầy sân vườn, nhà vườn không dám tiếp tục đầu tư chăm sóc, vì sợ khi trổ bông kết trái thì không có tiền mướn công hái trái... bỏ! Doanh nghiệp lại “xấc bấc xang bang” bởi vấn nạn mức tồn dư hóa chất trong trái sơ ri cao vượt ngưỡng mà hợp đồng giao hàng đã ký với đối tác nước ngoài.

Những vườn sơ ri Gò Công trước đây gánh chịu nhiều áp lực: sự hiện diện của ruồi đục trái làm cho trái có dấu kim châm xì nước và thối, ảnh hưởng dây chuyền sang các vườn khác. Mục đích diệt ruồi đục trái “bằng mọi giá” đã để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV - hóa chất) trong trái sơ ri. Còn doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp hạ giá thu mua để bù cho các chi phí “không đáng có” hoặc hủy lô hàng nhiễm hóa chất do dư lượng thuốc BVTV. Có doanh nghiệp “chữa cháy” bằng cách lựa chọn ra những trái sơ ri không có dấu ruồi đục trái “chích” để có sản phẩm giao cho khách theo thế “5 ăn 5 thua”. Một bức xúc nữa là doanh nghiệp phải chi phí cho công việc xét nghiệm tồn dư hóa chất trong sản phẩm trước và sau sơ chế hoặc chế biến sơ ri xuất khẩu. Quản đốc một doanh nghiệp thu mua- chế biến sơ ri đã phân trần: “Chi phí một mẫu thử - xét nghiệm tốn ngót khoảng 300.000 đồng, chưa tính tiền xe cộ hay các chi phí phát sinh và phải chờ mấy ngày mới có kết quả. Đã thế, phải xét nghiệm nhiều gốc hóa chất trong các loại thuốc BVTV nhà vườn đang xài, nên rất tốn kém. Nếu xét nghiệm cho kết quả một mẫu thử ở tình trạng quá mức cho phép là phải hủy cả lô hàng”.

Để chống lại sự tàn phá của ruồi đục quả, nhà vườn trồng sơ ri ở Gò Công đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng đều không mang lại hiệu quả mong muốn. Việc phòng trừ đơn lẻ từng nông hộ làm vườn sơ ri vẫn tiếp tục bị ruồi đục trái tàn phá, khi có trái nào đẹp là rất dễ đoán rằng bị nhiễm thuốc trừ sâu.

Trước bức xúc của nhà vườn, nhà khoa học đã vào cuộc. Biện pháp có hiệu quả để cứu vườn sơ ri xuất khẩu là dẫn dụ, diệt ruồi đục quả “không chọn lọc” và cộng đồng đồng thuận. Thực nghiệm diệt ruồi đục trái do Thạc sĩ Lê Quốc Điền - Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và cộng tác viên triển khai trên vùng trồng sơ ri xã Bình Ân có sự cộng tác của nhà vườn và chính quyền địa phương đã cho kết quả ngoài mong đợi của nhà vườn. Cũng từ đây, Nhóm hợp tác trồng sơ ri an toàn ra đời một cách tự nguyện trên nền một công bố giá sàn thu mua sơ ri an toàn của doanh nghiệp. Nhóm áp dụng diệt ruồi bằng Sofri protein do SOFRI khuyến cáo (giai đoạn đầu cho tặng thuốc) và thành lập tổ phun bả thuốc chung cho cả cộng đồng. Kết quả đạt được đã làm cho doanh nghiệp xuất khẩu sơ ri hết sức phấn khởi, giá thu mua dần nâng cao đến mức 5.000 đồng/kg do không phải mất những chi phí “không cần chi”.

Bả diệt ruồi đục trái tên thương phẩm Sofri protein là sản phẩm sau dự án do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc và Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Viện Bảo vệ thực vật  thực hiện. Bả Sofri protein được các chuyên gia Úc đánh giá là “một sản phẩm sáng tạo” của nghiên cứu khoa học chuyển giao vào sản xuất sản phẩm rau quả và trái cây. Sản phẩm bảo vệ rau quả và trái cây an toàn đối với ruồi đục quả và ít gây ô nhiễm môi trường.

Số lượng sơ ri của Nhóm hợp tác trồng sơ ri an toàn được tổ thu mua gom toàn bộ giao cho doanh nghiệp xuất khẩu. Số sơ ri này được kiểm tra nghiêm ngặt, tránh không để 1 trái từ vườn ngoài lọt vào do cảnh giác nhiễm hóa chất BVTV. Các nhà vườn ngoài nhóm vận động đầu tiên muốn tham gia nhóm sản xuất sơ ri an toàn đang phải trải qua quá trình thử thách nghiêm ngặt và phải được sự đồng thuận của mọi thành viên trong nhóm trồng sơ ri an toàn cho xuất khẩu.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có sự liên kết giữa các nhà khoa học, được chính quyền và các doanh nghiệp đồng thuận và ủng hộ, các nhà vườn sản xuất sơ ri ở Tiền Giang đang phấn khởi bước vào mùa sản xuất mới đầy hứa hẹn.

MINH TUẤN - QUỐC ĐIỀN

Chia sẻ bài viết