15/07/2019 - 15:01

"Sức sống xanh" trường tồn nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa

Bài 3: Thắp sáng "quần đảo bão tố" bằng năng lượng sạch 

Với sự hỗ trợ của đất liền, Trường Sa giờ đây đã thực sự “thay da đổi thịt,” là “quần đảo ánh sáng” được tạo ra bởi nguồn năng lượng sạch bằng tua-bin gió và pin mặt trời.

Những hàng cột quạt gió cao ngạo nghễ quay tít trên đảo Sinh Tồn Đông. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Ít ai biết rằng, để có những “vườn rau thanh niên,” từng khối nước ngọt hay những hàng cây bàng vuông, phong ba xanh tốt tươi trên khắp “quần đảo bão tố,” một phần là nhờ có mạng lưới điện dùng để vận hành hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt, giúp quân và dân trên đảo sử dụng vào hoạt động tăng gia sản xuất, tưới tiêu, tô thêm màu xanh, sức sống cho biển đảo Trường Sa thân yêu.

Đến nay, giữa trùng khơi, điện mặt trời và điện gió đã thắp sáng 33 điểm đảo và Nhà giàn ở quần đảo Trường Sa, qua đó cung cấp tới 90% nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động an ninh quốc phòng và sinh hoạt trên vùng biển, đảo quê hương.

Điện sạch “phủ” khắp Trường Sa

Trường Sa mùa biển lặng, bầu trời xanh vời vợi. Biển thân thiện đến lạ kỳ. Bao quanh là bãi cát trắng dài mềm mại nối với biển khơi xanh thẳm. Nơi đây, quanh năm nắng gió thất thường với vô số những điều kỳ thú. Nhưng chính sự hoang sơ của tự nhiên như năng lượng gió, bức xạ mặt trời là điều kiện lý tưởng để nơi đây đầu tư hệ thống năng lượng sạch quy mô, đồng bộ.

Ngay khi bước lên đảo Trường Sa lớn, người viết vô cùng ấn tượng trước những hàng cột quạt gió cao ngạo nghễ quay tít. Đâu đâu trên những mái nhà ngói đỏ cũng được phủ thêm một màu xanh bóng nhoáng của tấm pin mặt trời để khai thác tối đa nguồn năng lượng sạch từ Mẹ thiên nhiên.

Chia sẻ về việc khai thác và sử dụng nguồn điện sạch trên đảo, Thượng tá Đinh Trọng Thắm, Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn cho biết, những năm trước đây, nguồn điện ở Trường Sa là bài toán nan giải.

“Những năm đầu mới giải phóng, điện trên đảo chỉ đủ để sử dụng trong khoảng thời gian từ 1-2 tiếng đồng hồ. Phần lớn nguồn điện này được mang từ đất liền ra bằng những bình ắc-quy tích trữ điện hay phát bằng máy nổ chạy dầu diesel nên vừa tốn kém vừa ô nhiễm,” Thượng tá Thắm chia sẻ.

Nhấp ngụm trà đặc quánh vừa pha mời khách, Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn nở nụ cười giòn tan nói: “Giờ thì đảo gần như được cấp điện 24/24 giờ từ nguồn năng lượng gió và mặt trời. Đảo được thắp sáng mỗi đêm, các chiến sỹ được xem thời sự, được nghe đài đều đặn. Điện được sử dụng cho mọi sinh hoạt hàng ngày. Nhiều sinh hoạt tập thể của người dân, cán bộ chiến sỹ, cũng như công tác khám chữa bệnh, dạy học trên đảo đã thuận tiện hơn rất nhiều.”

Theo lời Thượng tá Thắm, sở dĩ nguồn điện sạch trên đảo hiện đã được sử dụng 24/24 giờ là bởi toàn đảo hiện có hàng chục tua-bin năng lượng gió và hàng trăm tấm pin năng lượng mặt trời, trung bình mỗi giờ gom được hơn 130 KW điện. Nhờ đó, sau 10 năm kể từ khi lắp hệ thống điện, Trường Sa lớn luôn rực sáng ánh đèn.

Là cư dân trên đảo Trường Sa lớn, anh Lâm Ngọc Huynh chia sẻ, từ ngày ra sinh sống tại đảo, gia đình anh luôn được bảo đảm đầy đủ nguồn điện thắp sáng và sinh hoạt hàng ngày. Các cháu có đèn để học, được xem tivi, tham gia các hoạt động cộng đồng vào các buổi tối để chia sẻ, gắn bó nghĩa tình quân, dân.

“Sau nhiều năm gắn bó, tôi thấy cuộc sống ở đây cơ bản đầy đủ, không khác ở đất liền nhiều. Cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ về đời sống vật chất lẫn tinh thần của đất liền và cán bộ chiến sỹ ở nơi đầu sóng ngọn gió này đã giúp người dân chúng tôi vững tin và sống có trách nhiệm hơn,” anh Huynh phấn khởi nói.

Không chỉ đảo nổi mới không còn “lo xa” nguồn điện, mà hầu hết các đảo chìm, nhất là đảo nhỏ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình khó khăn như Thuyền Chài B, Tốc Tan C, Đá Lớn B… hệ thống năng lượng sạch cũng được khai thác hiệu quả. Trên khắp các đảo, những cột quạt gió gắn tua-bin năng lượng cùng tấm pin mặt trời được lắp đặt kiên cố, phủ kín trên từng mái nhà, doanh trại của bộ đội.

Ấn tượng nhất là đảo Đá Lớn B. Trên đảo có hệ thống tua-bin gió hiện đại, cao hàng chục mét, cánh quạt dài đến vài mét, sơn màu trắng rất bắt mắt. Các tua-bin được bố trí xây dựng xung quanh doanh trại đón gió nhiều hướng để biến thành điện năng. Trên mái nhà, những tấm pin mặt trời cũng được lắp đặt kiên cố kết nối với “trạm năng lượng” để tạo thành lưới điện chung cung cấp cho đảo.

Tại Đảo An Bang, đâu đâu trên những mái nhà ngói đỏ cũng được phủ thêm một màu xanh bóng nhoáng của tấm pin mặt trời. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Theo Thượng úy Hoàng Văn Cảnh, Chỉ huy trưởng điểm B đảo Đá Lớn, trước đây, khi chưa có hệ thống điện sạch từ năng lượng gió và pin mặt trời, cuộc sống, sinh hoạt của anh em chiến sỹ trên đảo rất vất vả, vừa thiếu điện lại thiếu nước. Cán bộ, chiến sỹ luôn được quán triệt phải sử dụng tiết kiệm. Điện thì chủ yếu sử dụng máy nổ nhưng rất hạn chế, vì thế các hoạt động trên đảo bị ảnh hưởng rất lớn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, từ khi chủ động được nguồn điện sạch khai thác ngay ở trên đảo, cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ đã được cải thiện rõ rệt. Bộ đội được xem tivi, nghe nhạc. Ban đêm, khi trời không có gió, vẫn có quạt điện để quạt mát nhờ các bình ắc-quy tích điện ban ngày. Ngoài ra, nguồn điện này còn giúp máy lọc nước biển thành nước ngọt để cung cấp nước sinh hoạt cho cho đảo.

Nhớ lại thời điểm giải bóng đá vô địch U23 châu Á năm ngoái, Thượng úy Cảnh chia sẻ: “Nhờ có hệ thống điện khai thác từ nguồn năng lượng sạch và ăng ten tiếp sóng truyền hình, các chiến sỹ đã được theo dõi và cổ vũ trận thi đấu của đội tuyển U23 Việt Nam, cùng hòa chung niềm vui chiến thắng và lòng tự hào dân tộc với cả nước.”

Chỉ huy trưởng điểm B đảo Đá Lớn cũng lưu ý, tuy các bình ắc-quy dùng để tích trữ điện có tuổi thọ trung bình chỉ khoảng gần 4 năm nhưng do thường xuyên được quan tâm bảo dưỡng, thay mới nên việc cung ứng điện không gặp trục trặc gì. Vào mùa không có gió thì điện hạn chế hơn nhưng riêng việc cấp điện cho các phụ tải liên quan đến máy móc, thiết bị cần thiết phải vận hành thì luôn được đáp ứng.

Không để ‘quần đảo ánh sáng’ thiếu điện

Trường Sa giờ đây đã thực sự “thay da đổi thịt,” là “quần đảo ánh sáng” được tạo ra từ nguồn năng lượng sạch bằng tua-bin gió và pin mặt trời.

Vậy nhưng, đi dưới những hàng quạt gió cao ngạo nghễ quay tít, những mái nhà phủ kín tấm pin mặt trời trong xanh như màu đại dương ấy, là những trăn trở, những nỗ lực không ngừng nghỉ của những “người lính” làm nhiệm vụ bảo dưỡng thiết bị. Ngay cả trong mùa mưa bão, họ cũng luôn phải có mặt để khắc phục sự cố, đảm bảo các điểm đảo không bị “tắt” nguồn sáng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trong hải trình ra thăm Trường Sa, anh Đinh Trịnh Hoài Trung, nhân viên văn phòng Công ty điện lực Ninh Thuận (Tổng công ty điện lực miền Nam), cho biết anh được phân công ra Trường Sa để làm nhiệm vụ quản lý hệ thống, cũng như triển khai kiểm tra, sửa chữa mạng lưới điện trên các điểm đảo và nhà giàn sau khi điện mặt trời, điện gió được vận hành.

Để kịp thời khắc phục hệ thống lưới điện trên toàn quần đảo, mỗi năm chúng tôi phải luân phiên thay nhau đi 2-3 lần quanh các điểm đảo và nhà giàn, mỗi lần đi mất vài ba tháng. Dịp đầu năm, biển lặng nên anh em đi các điểm đảo bảo dưỡng, sửa chữa khá thuận lợi. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão thì việc đi lại rất khó khăn.

Nhờ khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch, Đảo Phan Vinh B đã đảm bảo nguồn điện. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

“Thông thường, vào mùa mưa bão, hệ thống lưới điện trên các đảo bị trục trặc nhiều hơn. Nếu ở đất liền, khi xảy ra sự cố, việc khắc phục sẽ không quá khó khăn. Nhưng ở giữa trùng khơi này, để khắc phục là cả vấn đề lớn bởi việc di chuyển bằng tàu thuyền khi sóng to, gió lớn gặp rất nhiều trở ngại,” anh Trung chia sẻ.

Nhưng không vì thế mà những “người lính ánh sáng” như anh Trung chùn bước trước gian khó. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến đâu, mỗi khi hệ thống lưới điện trên các điểm đảo gặp sự cố, họ vẫn phải thay nhau đi tới để khắc phục, đảm bảo “ánh sáng” trên các đảo không bị giãn đoạn kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quan trọng trên đảo.

Sự hỗ trợ từ đất liền là rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào lưới điện trên các điểm đảo gặp sự cố, những người làm công tác bảo trì, khắc phục lưới điện từ đất liền cũng có mặt kịp thời để khắc phục. Trong hoàn cảnh đó, cán bộ, chiến sỹ trên các điểm đảo và nhà giàn cũng thành… thợ điện.

Theo Đại úy Hoàng Thế Anh, Chính trị viên đảo Thuyền Chài B, thời gian qua, nguồn năng lượng điện mặt trời, điện gió cơ bản đảm bảo đủ dùng cho các hoạt động sinh hoạt tại đảo, nhất là vận hành máy lọc nước biển thành nước ngọt. Tuy nhiên, mùa mưa bão, thi thoảng hệ thống điện sạch này cũng gặp sự cố, bị hư hỏng.

“Những lúc như vậy, trong khi chờ sự hộ trợ từ đất liền, anh em chiến sỹ trên đảo cũng phải chủ động sửa chữa, khắc phục sự cố, đảm bảo nguồn điện không bị giãn đoạn kéo dài,” Chính trị viên đảo Thuyền Chài B chia sẻ.

Đã nhiều lần dẫn đầu các đoàn công tác ra thăm và làm việc tại Trường Sa nhưng trong chuyến thăm gần đây nhất tháng 5/2019, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải Quân vẫn không khỏi xúc động khi tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các điểm đảo nơi đầu sóng ngọn gió hôm nay.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện cho biết, bắt đầu ra Trường Sa từ năm 1994, mỗi lần ra lại thấy ở đây có nhiều thay đổi. Đặc biệt, thời gian qua, việc đảm bảo nguồn điện sạch cho quần đảo và nhà giàn đã được đất liền quan tâm đầu tư, lắp đặt trang thiết bị điện gió và pin mặt trời. Nhờ đó, nguồn điện đã được phủ khắp các đảo.

Tuy nhiên, điều kiện thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt, phức tạp, nên việc hỏng hỏng thiết bị là bình thường. Khi ấy, lực lượng của Tập đoàn Điện lực và lực lượng kỹ thuật của Quân chủng Hải quân theo khả năng, điều kiện cũng đã triển khai sửa chữa, khắc phục.

“Cho tới nay, nguồn điện sạch đảm bảo tương đối tốt cho người dân và cán bộ chiến sỹ trên các đảo và nhà giàn. Mong rằng thời gian tới sẽ có thêm những công nghệ tốt hơn để chống đỡ được điều kiện, khí hậu ở ngoài trùng khơi này, góp phần đảm bảo bền vững nguồn điện,” Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện nhấn mạnh.

Đến nay, hệ thống lưới điện khai thác từ nguồn năng lượng sạch đã thắp sáng 33 điểm đảo và Nhà giàn ở quần đảo Trường Sa. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết