07/01/2020 - 08:23

Bác sĩ bỏ lương hàng chục triệu về bệnh viện công cống hiến 

Thời gian qua, trên địa bàn Cà Mau tình trạng bác sĩ (BS) rời bệnh viện công diễn ra phổ biến, nguyên nhân chủ yếu do lương thấp. Nhưng cũng ở Cà Mau, có một lương y tâm huyết, sẵn sàng bỏ danh vọng cùng thu nhập hàng chục triệu đồng từ bệnh viện tư về bệnh viện công nhận lương vài triệu đồng. Đó là BS Lê Văn Khen đang công tác tại Bệnh viện Sản nhi Cà Mau.

BS Lê Văn Khen đã mang lại niềm vui cho nhiều gia đình bệnh nhân.

Giỏi chuyên môn

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Phạm Thị Thương (phường 6, TP Cà Mau, Cà Mau) nở nụ cười thật tươi. Nụ cười đó thể hiện cho niềm vui vì đứa con trai chưa tròn 3 tuổi - Trần Hoàng Huy của gia đình chị không còn khóc hoài, ăn uống được bình thường và sức khỏe đã phục hồi. Cháu Huy nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội và được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, tuy nhiên sau khi điều trị vài ngày bé vẫn không bớt. BS Khen đã phải “ra tay”, dùng phương pháp nội soi để kiểm tra ruột của cháu và phát hiện cháu bị túi thừa meckel. Thông thường các BS sẽ chuyển qua mổ hở để cắt túi thừa này nhưng BS Khen thì không, anh thực hiện cắt bỏ túi thừa liền sau đó. Việc phẫu thuật cắt túi thừa meckel 100% bằng phương pháp nội soi chỉ có những người chuyên môn rất cao mới dám thực hiện. “Cắt túi thừa bằng phương pháp nội soi rất khó nhưng theo xu hướng vận dụng phương pháp xâm lấn tối thiểu đối với trẻ em, tôi đã luôn cố gắng trau dồi, rèn luyện kỹ năng và tự tin thực hiện được. Nâng cao tay nghề để mang lại niềm vui cho gia đình bệnh nhân như cháu Huy là trách nhiệm của chúng tôi” - BS Khen tâm sự.

Thời gian qua, BS Khen đã có nhiều sáng tạo, tự tin áp dụng các phương pháp, kỹ thuật khó để chữa trị cho trẻ. Mới mấy tháng trước, anh vinh dự đứng trong hội nghị của toàn ngành nhi khoa cả nước báo cáo về việc, dùng sợi chỉ may thông thường, có giá 15.000 đồng thay cho sợi chỉ nhập mắc hơn hàng chục lần để giảm chi phí phẫu thuật cho gia đình bệnh nhân. Các BS khác dùng sợi chỉ nhập may 1 vòng còn bị biến chứng nhưng anh dùng chỉ rẻ tiền may 2 vòng mà vẫn thành công.

Cống hiến cho nơi cần mình

Cách nay hơn 4 năm, BS Khen đã là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải, với mức đãi ngộ vài chục triệu đồng mỗi tháng. Trong một lần ngồi trò chuyện, BS Võ Thành Lợi, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Cà Mau, than thở: “Đa số trường hợp ngoại nhi của tỉnh đều phải chuyển tuyến, thiệt thòi cho gia đình bệnh nhân nên bệnh viện sản nhi muốn thành lập khoa ngoại nhưng thiếu người có chuyên môn”.

“Em về thành lập được không” - BS Khen đã hỏi như vậy và sau đó anh từ bỏ chức vụ, danh vọng về ký hợp đồng lao động với Bệnh viện Sản nhi Cà Mau và nhận mức lương chỉ bằng 1/10 trước đó. “Đối với tôi, nơi nào cần, tạo điều kiện để mình phát huy hết khả năng trong chuyên môn thì nơi đó mới là thực chất, đúng nghĩa. Tư hay công không quan trọng, quan trọng là vị trí nào mình phục vụ được nhiều cho xã hội, giúp ích được nhiều cho người bệnh, người dân ở quê hương thì mình làm” - BS Khen chia sẻ về lý do về với bệnh viện công.

Hiện nay, có những bệnh viện trả mức đãi ngộ lên tới 100 triệu đồng mỗi tháng để có được sự phục vụ của BS Khen nhưng vẫn chỉ nhận được từ anh cái lắc đầu. Bởi, với anh “nụ cười của các bé là niềm vui” và “đóng góp cho nơi cần mình là hạnh phúc”, chế độ thấp hơn nhiều lần không sao.

BS Võ Anh Hoang, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, hiện là Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải, nói về người học trò kiên quyết trở về bệnh viện công: “BS Khen là người rất mê chuyên môn. Sau khi về Hoàn Mỹ thì Khen đi học thêm về thực hành ngoại tổng quát và học cả về vi phẫu. Phải nói là cậu ấy rất say sưa chuyên môn, say sưa lĩnh vực phẫu thuật. Mong muốn của Khen là về bên công lập để thực hành chuyên môn. Chúng tôi muốn giữ cậu ấy nhưng bên đây thì Khen vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý nên không phát huy hết được khả năng của mình”.

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, từ năm 2015 - 2019, ngành y tế tỉnh đã có gần 150 BS nghỉ việc ở bệnh viện công. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, đã có khoảng 20 BS nghỉ việc ở bệnh viện công, ra ngoài làm cho các bệnh viện, phòng khám tư nhân. “Lý do chính và thuyết phục nhất là do vật chất. Xét về thu nhập thì bệnh viện công thấp hơn tư nhân nhiều. Ai cũng có quyền lựa chọn điều kiện tốt hơn để phát triển. Tuy nhiên, có nhiều BS được hỗ trợ cho đi học bằng tiền ngân sách, về đóng góp chưa được bao lâu đã ra đi thì quá thiếu trách nhiệm. Trước khi ra đi hãy nhớ lại “lời hứa trách nhiệm”, đừng cứ nói “tôi sẽ hoàn trả lại chi phí đào tạo” là đi. Không phải sống không nổi với lương đó đâu mà chỉ là khó khăn thôi” - một nguyên lãnh đạo ngành y tỉnh Cà Mau cho biết.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết