21/12/2007 - 09:20

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Bạc Liêu cần phải đầu tư chiều sâu để phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ

Ngày 20-12, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Bạc Liêu.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Anh Lộc đã báo cáo với Chủ tịch nước tình hình kinh tế - xã hội năm 2007 và công tác cải cách tư pháp của địa phương theo tinh thần nghị quyết 49 của Bộ Chính trị (Khóa IX). Năm 2007, Bạc Liêu đạt tăng trưởng kinh tế 11,94% (kế hoạch là từ 11 đến 12%); thu nhập bình quân đầu người tính theo thời giá hiện hành đạt 12 triệu 816 ngàn đồng/người; lương thực (lúa) đạt hơn 682 ngàn tấn; thủy hải sản đạt 191 ngàn tấn; 93% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia, trong đó hộ dân nông thôn chiếm hơn 85%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 181 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt 6% dự toán được giao; tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 16% (năm 2006) xuống còn dưới 14% theo tiêu chí mới... Bên cạnh đó, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao, đặc biệt là đối với các gia đình diện chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội được ổn định... Thực hiện công tác cải cách tư pháp của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ chính trị (Khóa IX), tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Bạc Liêu cũng đã làm được nhiều việc có kết quả mà nổi bật là trên lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, không để oan sai, không để sót lọt tội phạm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ sự hài lòng và vui mừng trước những thành tựu nổi bật của Bạc Liêu về phát triển kinh tế- xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong năm 2007.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với các đồng chí lãnh đạo và cán bộ chủ chốt tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TRÀNG DƯƠNG - TTXVN.

Chủ tịch nước chỉ rõ: Tuy Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhưng để địa phương phát triển ổn định, cần phải đầu tư chiều sâu để phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại. Việc hình thành các cụm công nghiệp như định hướng của Bạc Liêu đề ra là đúng đắn và cần được kiên trì thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình phát triển sản xuất cần coi trọng việc giữ gìn môi trường, tạo sự bền vững cho phát triển sản xuất lâu dài. Ngay từ bây giờ Bạc Liêu cần có một chiến lược về ‘’con người’’, đầu tư chiều sâu cho việc đào tạo đội ngũ lao động có trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp; tích cực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính theo hướng phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn. Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu cần tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu để xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức ‘’vừa hồng vừa chuyên’’ cho đất nước.

Trước đó, sáng 20-12, Chủ tịch nước đã đến thăm và có buổi nói chuyện với cán bộ công chức ngành tòa án tỉnh Bạc Liêu.

Thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về công tác cải cách tư pháp, ngành tư pháp Bạc Liêu đã ban hành quy chế phối hợp hoạt động của các cơ quan nội chính. Đội ngũ cán bộ tư pháp được đào tạo nâng cao trình độ. Năm 2007, tòa án 2 cấp đã thụ lý hơn 900 vụ án hình sự với gần 1.500 bị cáo, đã xét xử 863 vụ, đạt trên 94%; chất lượng quyền công tố được nâng lên, việc tranh luận tại phiên tòa trên tinh thần dân chủ đúng pháp luật… Vì vậy, chất lượng công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong công tác tư pháp, Bạc Liêu còn một số hạn chế như, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn chưa giảm; một số cán bộ tư pháp thiếu ý thức rèn luyện, vi phạm đạo đức, tiêu cực…

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh đội ngũ cán bộ tư pháp có nhiều nỗ lực trong thực hiện công việc; vui mừng nhận thấy cơ sở vật chất ngành tư pháp Bạc Liêu được xây dựng khang trang. Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, công tác cải cách tư pháp thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu ngành tư pháp Bạc Liêu cần tập trung nâng cao chất lượng toàn diện các cơ quan tư pháp, đặc biệt tập trung đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ tư pháp mọi mặt nhằm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, trình độ năng lực hạn chế; khắc phục những hạn chế trong thi hành án; nâng cao việc tranh tụng tại tòa để xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

TTXVN - T.TÂM

Chia sẻ bài viết