19/11/2009 - 10:15

Ba thế hệ "đưa đò"

Người ta ví những giáo viên là “những người đưa đò thầm lặng”, bởi mỗi năm lại có một thế hệ học sinh đến rồi đi. “Qua sông” có người nhớ, có người quên nhưng những thầy cô vẫn yêu mến nghề và lặng thầm cống hiến. Có những gia đình cha mẹ, vợ chồng con cái chọn nghề giáo như lẽ sống của cuộc đời. Gia đình của cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu, giáo viên về hưu ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn là một trường hợp...

Hơn 40 năm trước, ở quận Ô Môn ai cũng biết ông giáo Tỷ, bà giáo Tiếng bởi hai vợ chồng đều là giáo viên. Thầy Tỷ, cô Tiếng không chỉ được phụ huynh tin tưởng, học sinh kính trọng mà được cả xóm giềng nể nang bởi lối sống thanh cao và sự tận tụy với nghề nghiệp của mình.

 Cô Mã Phương Uyên - Giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ cùng sinh viên của mình. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Và tâm huyết với bảng đen, phấn trắng của hai vợ chồng nhà giáo Nguyễn Văn Tỷ và Đào Thị Tiếng đã truyền cho các con. Gia đình thầy Tỷ có 4 người con thì có đến 3 người theo nghề của cha mẹ. Cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu, con gái út, kể: “Ngay từ nhỏ cô đã quyết tâm đi dạy học. Hôm nhận được tin thi đậu vào Trường Sư phạm Vĩnh Long tôi mừng lắm, ba mẹ cũng rất vui”. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô về dạy tại trường Bà Sự (phường Thới An). Giống như ba mẹ, cô Nguyệt Thu là một nhà giáo tâm huyết. Đối với cô, quan tâm hàng đầu là học sinh thân yêu: làm thế nào để học sinh học giỏi, hiểu bài, làm thế nào để các em có điều kiện đến trường... Chị Nguyễn Thị Hạnh, một phụ huynh học sinh ở phường Châu Văn Liêm, nói: “Hai con tôi khi lên đến lớp 5 học lớp cô Thu dạy. Tôi hồi nhỏ được học cô Thu, hiểu cô yêu nghề, yêu học sinh như thế nào. Học trò cô không chỉ đảm bảo kiến thức về mặt văn hóa mà cô còn dạy cách làm người”. Hầu hết học sinh ngán cô Thu “khó” nhưng yêu mến cô vì lòng yêu nghề, yêu học sinh. Bà Đặng Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 phường Châu Văn Liêm, nơi cô Thu công tác nhiều năm, nhận xét: “Cô Thu là một nhà giáo yêu nghề sâu sắc. Dạy học dường như là lẽ sống của cô vậy. Cô luôn làm tốt tất cả các công việc của trường giao, thậm chí còn dành nhiều thời gian hỗ trợ giáo viên trẻ, hỗ trợ các hoạt động đoàn thể của trường. Lớp nào được cô dạy là khỏi lo về chất lượng”.

Một qui tắc bất biến ở gia đình nhà giáo này xưa đến nay là không dạy thêm. Cô Thu dạy giỏi, yêu nghề, tâm huyết lại ở ngay trung tâm chợ nên nhiều phụ huynh tìm đến xin gởi con. Có phụ huynh còn tình nguyện trang bị bàn ghế tại nhà cho cô dạy học thêm nhưng cô Nguyệt Thu tâm sự: “Mình là nhà giáo thì phải làm tốt chức danh của nhà giáo, nhận tiền của phụ huynh tôi không làm được, vì học sinh cần học thêm nghĩa là nhà giáo đã dạy không đủ cho các em rồi”. Cô Thu tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu khi cô cảm thấy học sinh mình học chưa đủ, bồi dưỡng cho học sinh giỏi khi thấy học sinh của mình chưa thật giỏi, nhưng đều không nhận học phí. Chồng cô là thầy Mã Quốc Thái, giáo viên dạy môn Lý, Giáo dục Công dân, Trường THCS phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, hiểu và cũng đồng quan điểm với vợ. Thầy nói: “Học sinh có em giàu có em nghèo, mình dạy thêm, nhận tiền của các em là đã tạo ra sự không công bằng rồi”.

Vợ chồng thầy Thái, cô Thu vẫn ở cùng ba mẹ và sống thanh đạm bằng đồng lương eo hẹp của mình. Khi hai con gái lớn lên, đi học xa, cần tiền, vợ chồng thầy tranh thủ nhận đánh máy các văn bản, báo cáo vào buổi tối. Hai vợ chồng qui ước: chỉ làm thêm sau khi đã soạn xong giáo án, làm xong hồ sơ sổ sách và chấm xong bài của học sinh. Dù khó khăn, cô Nguyệt Thu thường tiết kiệm những khoản chi tiêu để giúp học sinh nghèo. Cứ Tết đến hay đầu năm học là thấy hai vợ chồng cô Thu khệ nệ chở từng bao dép, quần áo về để tặng học sinh nghèo. Thầy Thái nói: “Giờ về hưu rồi mà vợ tôi vẫn cố gắng giúp học sinh. Không có điều kiện gặp trực tiếp các em nên vợ tôi yêu cầu con gái chọn học sinh của mình để mẹ giúp quần áo, bánh trái... mỗi năm vào dịp Tết”.

Thế hệ thứ ba theo nghề giáo của gia đình này Mã Phương Uyên- con gái lớn của thầy Thái, cô Thu - đang là giảng viên dạy Ngoại ngữ tại Trường Cao đẳng Cần Thơ. Cô con gái út, Mã Phương Thanh cũng là giáo viên Anh văn, hiện đang dạy tại Trường THCS Thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai. Dù có 2 con bận rộn nhưng Phương Uyên vẫn sắp xếp học cao học, bởi: “Tôi học được ở ba mẹ sự yêu nghề một cách mãnh liệt, việc học lên cao học của tôi cũng nhằm dạy tốt hơn giúp sinh viên dễ hiểu bài hơn”. Lúc mới tốt nghiệp đại học, Phương Uyên đã xin đi làm được một thời gian nhưng Uyên nhận ra mình thích nghề giáo. Thế là cô quyết định nối tiếp truyền thống của gia đình. Cô Phương Uyên nói rằng có đi dạy học cô mới hiểu được vì sao ba mẹ yêu nghề giáo đến vậy. Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, nhận xét: “Cô Uyên là một giáo viên tâm huyết, hết lòng vì sinh viên”.

Ông giáo Nguyễn Văn Tỷ và bà giáo Đào Thị Tiếng đã truyền nhiệt huyết của mình qua ba thế hệ với 3 người con và 5 người cháu là giáo viên. Và có thể truyền thống này sẽ còn nối dài thêm....

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết