Ẩn mình giữa đại ngàn, Đợi Chờ là ngọn thác đẹp lượt là như mái tóc của nàng con gái K’Ho. Mùa khô, thác vẫn đổ ào ạt như nỗi day dứt khôn nguôi cho câu chuyện tình buồn giữa xứ B’Lao mù sương.
B’Lao xưa là miền đất được biết đến từ rất sớm với đoàn lưu dân từ kinh thành Huế và các tỉnh lân cận đến miền đất này để khai mở. Sau đó, người Pháp mang theo cây trà, cây cà phê và loài hoa dã quỳ rực rỡ đến trồng trên những ngọn đồi. Bởi thế, vùng đất này trở nên đa sắc về văn hóa mà người Châu Mạ vẫn tin rằng đó là nơi hợp lưu của ba dòng nước. Dần dà, xứ B’Lao được phát âm khác đi và trở thành Bảo Lộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Ngày nay là thành phố trẻ của tỉnh Lâm Đồng được mệnh danh là vùng đất của trà, cà phê và lụa!
Thác Đợi Chờ hùng vĩ xứ B’Lao.
Mất non nửa tiếng để đi xe máy hoặc ô tô từ trung tâm thành phố đến với ngọn thác hùng vĩ và thi vị này. Đó là con đường quanh co qua hết phố xá đến những đồi trà, cà phê chập chùng. Thác nằm lọt thỏm dưới thung lũng sâu giữa đại ngàn. Nhưng từ cách đó rất xa đã nghe tiếng ào ào của nước đổ. Mùa mưa già, thác nước càng dữ dội, tung khói trắng xóa có thể nhìn thấy từ xa trước khi nghe tiếng nước đổ. Dòng Đa M’Bri uốn lượn quanh co giữa núi rừng tới khu rừng già này thì lao xuống một vực đá cao gần sáu mươi mét, tạo nên dòng thác có độ cao lớn nhất Tây Nguyên. Bên dưới, các bậc đá chia thành nhiều tầng nhỏ cho dòng nước chảy qua rồi xuống hồ và tạo thêm nhiều con thác khác ở các tầng cao bên dưới. Nếu tính hết chiều cao con thác, độ cao phải đến vài trăm mét. Nhưng để giữ nét hoang sơ và bảo tồn thiên nhiên khu vực này, người ta vẫn giữ nhiều đoạn thác chảy tự nhiên vốn có giữa rừng già mênh mông. Do đó, lối đi chỉ được tôn tạo ở khu vực thác chính và một đoạn sông ở thượng nguồn con thác, phục vụ du khách đi lại dễ dàng.
Du khách có thể chọn lối đi bộ theo những bậc tam cấp dẫn xuống thác. Hướng đi này, du khách quan sát và cảm nhận được nhiều góc độ khác nhau của con thác. Đặc biệt là tiếp cận ở vị trí gần thác nhất ngay tại giữa dòng đổ của nước bằng một lối dẫn vào rất an toàn, men theo vách đá luôn có những khe nước nhỏ róc rách rơi xuống. Đứng ở đây mới thấy được sự kiến tạo tài tình của thiên nhiên. Vết đứt gãy của những tầng địa chất ở đất Tây Nguyên luôn tạo nên những điều kỳ thú. Nhất là chỗ đứt gãy của những con sông lớn hình thành nên những con thác hùng vĩ. Ai đó bảo rằng, thác là nơi đỏng đảnh của dòng sông. Còn với người bản địa, đó là hiện thân của thần linh. Vì thế, những câu chuyện về những ngọn thác luôn luôn có sợi dây nối giữa người và thần linh để lý giải một hiện tượng tự nhiên. Cùng với sự bay bổng, phong phú trong đời sống tinh thần, người ta luôn liên tưởng và gán ghép vào đó một câu chuyện diễm tình thể hiện khát vọng của tình yêu, mà trên hết đó là sự hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù giữa các bộ lạc.
Đồi trà nhỏ trên cung đường lên xứ trà B’Lao.
Khu vực chân thác rộng hơn ba mươi mét và trải dài thành nhiều tầng ngoạn mục. Khu vực này quanh năm khói nước bao phủ, kể cả mùa ít nước nhất, tạo thành một màn sương mờ ảo. Lúc nước đổ mạnh, du khách phải mặc áo mưa mới đi qua được. Nắng lên, ánh sáng mặt trời và hơi nước tạo thành những chiếc cầu vồng và thay đổi vị trí liên tục cho đến khi khuất nắng. Xung quanh thác là những vách đá dựng đứng hàng chục mét, được bao phủ bởi rừng cây cổ thụ. Theo dòng thác về phía hạ nguồn là cả một hệ sinh thái phong phú và hang động với những khối gỗ hóa thạch được giữ nguyên hiện trạng. Nếu di chuyển bằng thang máy từ đỉnh thác, du khách được chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục của dòng thác theo chiều dòng chảy của nó.
Bởi câu chuyện diễm tình của chàng K’Đam và nàng B’Ri, con trai, con gái người K’Ho, Châu Mạ bản địa tin vào tình yêu bền chặt nên chọn thác làm chốn “thề non hẹn biển”, xem thác như thần linh minh chứng cho lời thề đôi lứa. Du khách biết được điều này, các đôi uyên ương cũng tìm đến thác trong hành trình lên cao nguyên làm nơi thề hẹn. Có người mượn thác làm quang cảnh cầu hôn đầy lãng mạn. Đambri hay Đợi Chờ là tình yêu vĩnh cửu trên đất B’Lao thơ mộng.
Đợi Chờ là nghĩa tiếng Việt trong phát âm Đambri, bắt nguồn từ dòng Đa M’bri, nằm cách thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) khoảng 18 km về hướng Tây Bắc. Như bao câu chuyện khác kể về sự tích các ngọn thác ở Tây Nguyên, Đambri cũng mang thiên tình sử đẫm nước mắt của đôi trai gái, giữa chàng K’Đam và nàng B’Ri.
Bài, ảnh: Miên Hạ