18/02/2024 - 17:02

Ầu ơ, ví dầu... qua miền ca dao 

Những trang sách của nhà giáo Vương Thị Nguyệt Quế đưa người đọc “Qua miền ca dao” cùng âm hưởng những tiếng ru “ầu ơ”, “ví dầu” ngân vang trong ký ức. Miền ca dao ấy được kể lại bằng sự trải nghiệm qua tháng năm đời người, cùng sự nặng lòng với di sản cha ông.

Sách “Qua miền ca dao”.

Đầu năm, tôi được nhà giáo Vương Thị Nguyệt Quế tặng quyển “Qua miền ca dao” (NXB Hội Nhà văn), với lời đề tặng “Tặng đồng hương Ngan Dừa”. Bởi, khi biết tôi quê Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), bà mừng lắm vì đó là cố hương. Khi nhắc đến địa danh ấy, mắt bà sáng rực lúc kể về tuổi thơ, phiên chợ ngày cũ, cây cầu ngày xưa…

Nhắc lại điều này để thấy, nhà giáo Vương Thị Nguyệt Quế vẫn luôn nặng lòng với ký ức, với quê hương, dù đằng đẵng thời gian. Có lẽ vậy, trong “Qua miền ca dao”, bà mở đầu bằng ký ức thuở xưa, trên chiếc võng, bà được má đưa ngủ bằng những câu ca dao đằm thắm: “Chợ Bến Thành dời đổi/ Người sao khỏi hiệp tan/ Xa gần giữ ngãi tào khang/ Chớ tham phú quý phụ phàng nghĩa xưa”. Bà tâm sự rằng, bây giờ bà thuộc nhiều ca dao, có lẽ do bà được học từ rất sớm, từ thuở nằm nôi ngày xưa ấy.

Từ chia sẻ chân tình đó, tác giả đưa người đọc về với hai phần thật minh định. Phần đầu, đó là những bài khảo luận về ca dao gắn bó với đời sống con người. Đơn cử như ca dao về giao thông đường thủy ở ĐBSCL; bánh quê qua ca dao; ca dao về chủ đề hôn nhân; hay là những chuyên đề có tựa đề dễ thương: “Tay em tay bạc tay vàng”, “Thương lắm con mắm đồng bằng”, “Bớ chiếc ghe sau”… Trong “Thương lắm con mắm đồng bằng”, tác giả đã cố công sưu tầm, tổng hợp, phân loại và phân tích các câu ca dao có hình ảnh con mắm. Từ những cảm hứng ẩm thực như “Muốn ăn mắm sặt mắm linh/ Lấy chồng Châu Đốc thì mình được ăn”; đến những cảm hứng thế sự: “Kèo nèo mà gặp mắm tươi/ Như nơi đất khách gặp người cố tri”. Hay là, ca dao mượn hình ảnh con mắm để nói lên tình cảm gia đình chân chất, mộc mạc: “Con cá làm nên con mắm/ Vợ chồng già thương lắm mình ơi!”.

Qua phần hai, đúng thật “Qua miền ca dao”, tác giả đưa người đọc đến với đặc trưng ca dao vùng miền. Bình Thuận có vè các lái, Cam Ranh, Bảy Núi… cũng có đặc trưng riêng. Về với Tây Đô, trong bài “Ấn tượng Ninh Kiều”, tác giả không chỉ giới thiệu về ca dao gắn với Cần Thơ mà còn lý giải về nguồn gốc địa danh Ninh Kiều, cồn Ấu, cồn Khương… và đúc kết bằng câu ca dao trứ danh: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Tác giả Vương Thị Nguyệt Quế năm nay 67 tuổi, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ. Nhắc đến bà, nhiều người hay nói đến sự chịu khó, tận tụy, khiêm nhường trong nghiên cứu, sáng tác và hiền lành, tử tế trong đối nhân xử thế. Những bài viết của bà trong “Qua miền ca dao” cho thấy sự kỹ lưỡng, thận trọng và giàu tư liệu, với những dòng viết đầy xúc cảm.

Có lẽ vậy chăng mà đọc “Qua miền ca dao”, sao cứ nghe văng vẳng tiếng “ầu ơ”, “ví dầu” dội lại từ ký ức? Ký ức qua miền ca dao!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết