07/08/2017 - 09:24

ASEAN - nửa thế kỷ phát triển sôi động và toàn diện 

Để khởi đầu cho một tổ chức đa phương được đánh giá là thành công và năng động - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 50 năm trước, ngày 8-8-1967, trên cơ sở Tuyên bố Bangkok, 5 quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã đặt những viên gạch đầu tiên cho “mái nhà chung” ASEAN với tư cách là những thành viên ban đầu.

Với xu thế phát triển ưu việt của mình, đến năm 1999, ASEAN đã nhanh chóng hội tụ đủ 10 thành viên sau khi lần lượt kết nạp thêm Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia, trong đó Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28-7-1995.

Sáng 3-8, tại Manila (Philippines) đã diễn ra Hội thảo kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN -  “ASEAN at 50: 
The Way Forward”.  Ảnh: Báo Thế giới Việt Nam

Sau 50 năm phát triển với bao thăng trầm và thách thức, ngày nay, ASEAN được thế giới nhìn nhận như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết và năng động góp phần thúc đẩy quá trình kết nối toàn cầu. ASEAN đã tạo lập được vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương với sức mạnh của tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Một trong những yếu tố tạo dựng nên hình ảnh và vị thế ngày nay của ASEAN chính là tinh thần đoàn kết, đề cao đồng thuận, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, cùng quan tâm và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng. Đó là những nguyên tắc nền tảng của ASEAN, cũng chính là chìa khóa tạo nên uy tín và mức độ tin cậy của ASEAN ngày nay.

Nói đến những thành công trong nửa thế kỷ qua của ASEAN, trước hết phải kể đến ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển ở khu vực. Vai trò quan trọng này được thể hiện sinh động qua nỗ lực to lớn của ASEAN trong việc đẩy mạnh hợp tác chính trị - an ninh và xây dựng các quy tắc ứng xử, thông qua đó tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia ở khu vực.

ASEAN cũng đồng thời tạo dựng được quan hệ hợp tác nhiều mặt với những đối tác quan trọng trên thế giới, khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) – cơ chế khu vực duy nhất để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua đó, ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác quan trọng ngoài khu vực Đông Nam Á tham gia và đóng góp xây dựng vào việc xử lý những thách thức an ninh chung, góp phần củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực.

Có thể dễ dàng nhận thấy, ngày nay nhiều cường quốc lớn trên thế giới đã quan tâm đặc biệt đến khu vực Đông Nam Á, tạo nên dòng chuyển dịch địa-chính trị mà ASEAN nằm ở vị trí trung tâm của khu vực đang định hình. Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) do ASEAN khởi xướng năm 1976, đến nay đã có tới 35 quốc gia ngoài khu vực ASEAN tham gia. Hiệp ước chính là nền tảng để ASEAN và các nước cùng nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định cho khu vực thông qua cơ chế đối thoại, sự tôn trọng và hợp tác giữa các thể chế.

ASEAN có vai trò động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á, nhất là về kinh tế - thương mại, thể hiện bằng việc khởi xướng và làm nòng cốt tạo dựng khuôn khổ phù hợp để thúc đẩy hợp tác Đông Á thông qua các cơ chế ASEAN và các đối tác, Cấp cao Đông Á (EAS)… Ngoài ra, ASEAN còn là lực lượng sáng lập và đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác liên khu vực.

Tăng trưởng kinh tế là một trong những thành công của ASEAN, góp phần tăng thu nhập và sự thịnh vượng của các quốc gia thành viên, đồng thời khiến ASEAN đã và đang trở thành một trong những động lực tăng trưởng toàn cầu. Kinh tế toàn khối tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, kinh tế ASEAN vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập kỷ tới, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới.

Với tổng GDP năm 2015 đạt 2,43 nghìn tỉ USD, ASEAN đã vươn lên là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế dự báo vị trí này sẽ được nâng lên hàng thứ 4 vào năm 2025. ASEAN cũng đã nhanh chóng trở thành bên tham gia chính vào chuỗi giá trị toàn cầu, vị thế và vai trò của khu vực trong thương mại toàn cầu ngày càng được củng cố.

Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN là sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào thời điểm 31-12-2015 với 3 trụ cột gồm Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội.  Dấu mốc này là sự chuyển mình mang tính bước ngoặt, tạo cho ASEAN những bước phát triển quan trọng khác. ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, được nâng cao cả về hình thức và cấp độ hợp tác, là sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho ASEAN xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.

ĐỖ QUYÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết