08/05/2017 - 20:12

Ảo vọng “đổi đời”!

Bài cuối: Để niềm vui trọn vẹn

Xét cho cùng, những cuộc hôn nhân xuất phát từ ước mơ đổi đời cũng không hẳn là đáng trách. Vấn đề là những phụ nữ trong cuộc cần trang bị cho mình hành trang vững chắc trên con đường tìm kiếm hạnh phúc nơi "đất khách, quê người". TP Cần Thơ đã có nhiều giải pháp, mô hình hỗ trợ chị em.

Trang bị kiến thức "làm dâu xứ lạ"

Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ (hàng đầu, bên phải) ký kết thực hiện Chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam  di cư theo diện kết hôn giai đoạn 2016-2018 tại TP Cần Thơ. Ảnh: X. ĐÀO 

Theo chân Đội tuyên truyền viên thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ đến những gia đình có ý định gả con cho người nước ngoài mới thấy nhận thức về vấn đề cho con em mình lấy chồng ngoại còn rất hạn chế. Cuộc sống cơ cực, trong khi nhiều gia đình khác khấm khá hơn nhờ có con gái lấy chồng ngoại, nên nhiều bậc cha mẹ luôn có tư tưởng phải cho con "xuất ngoại" để đổi đời...

Theo bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, thời gian qua, Hội đã chỉ đạo các cấp hội trên địa bàn thành phố tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phẩm chất đạo đức và truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Đội ngũ tuyên truyền viên của Hội giúp các hộ gia đình có ý định gả con cho người nước ngoài (đặc biệt là Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc) thấy rõ những bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán. Nếu chị em vẫn quyết định kết hôn với người nước ngoài thì Hội Phụ nữ cơ sở sẽ giới thiệu đến tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi phụ nữ để chị em được tư vấn thật kỹ, thật sâu, kể cả việc cung cấp những địa chỉ, số điện thoại trong trường hợp khẩn cấp cần được trợ giúp để giải thoát khỏi hoạn nạn, hiểm nguy. Những kiến thức đó được xem như là hành trang không thể thiếu của cô dâu Việt trước khi lên đường "làm dâu xứ lạ".

Cùng chung tay trong công tác này, Thành đoàn Cần Thơ cũng tập trung tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho nữ đoàn viên thanh niên những kiến thức cơ bản về đất nước, con người, văn hóa, phong tục tập quán của nước bạn; tư vấn về chủ trương chính sách, các dịch vụ cung cấp hỗ trợ cho cô dâu Việt Nam tại nước ngoài. Bên cạnh đó, Thành đoàn còn trang bị những kiến thức hôn nhân gia đình, giúp nữ thanh niên có ý định lấy chồng nước ngoài có định hướng đúng đắn về hôn nhân và những hệ lụy khi kết hôn không dựa trên tình yêu. Qua đó làm chuyển biến nhận thức của nhiều nữ thanh niên, tránh những suy nghĩ lệch lạc trong hôn nhân.

Góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền còn có các cán bộ tư pháp. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thu, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp Sở Tư pháp thành phố, thông qua công tác làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu nước ngoài, cán bộ tư pháp có thể tuyên truyền, nhắc nhở nhằm giúp các cô gái nhận thức vấn đề và có sự chọn lựa, quyết định đúng đắn khi kết hôn với người nước ngoài.

Gỡ vướng hậu hôn nhân

Có "hành trang" cơ bản để lấy chồng ngoại, nhưng việc các cô gái có thích ứng được với gia đình, phong tục, tập quán của "bên chồng" hay không là tùy vào khả năng của mỗi người. Với trường hợp không may ly hôn, hay "ôm" con trốn về nước, các ngành chức năng đang tìm cách "gỡ rối" về thủ tục pháp lý, đồng thời, giúp chị em hòa nhập cộng đồng.

Việc thành lập Dự án “Việt – Hàn chung tay chăm sóc” giai đoạn 2016-2018, tại TP Cần Thơ, nhằm trang bị kiến thức cho các cô dâu Việt Nam (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) di cư theo diện kết hôn với chồng Hàn Quốc. Ảnh: X. ĐÀO

Theo Hội LHPN thành phố, những trường hợp bị mua bán hoặc hôn nhân không hạnh phúc trở về, Hội phối hợp cùng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trợ vốn và giới thiệu việc làm để chị em ổn định cuộc sống. Hội đã trao 60 triệu đồng hỗ trợ 10 trường hợp và các chị đã sử dụng đồng vốn này phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tiếp cận và trợ cấp khó khăn ban đầu 11 triệu đồng cho 11 trường, giới thiệu việc làm cho 1 trường hợp bị mua bán trở về ổn định cuộc sống.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ ông Đặng Văn Hùng cho biết: "Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết ly hôn, tháng 10-2016, Liên Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch và tháng 2-2017, Tòa án Nhân dân tối cao có công văn gỡ rối cho ngành tòa án đối với các vấn đề liên quan đến tương trợ tư pháp. Theo đó, đối với các trường hợp ủy thác tư pháp khi có trả lời của phía bên kia thì tòa án sẽ đưa ra xét xử. Còn nếu trường hợp đã ủy thác tư pháp lần 1 không có trả lời thì phải ủy thác tư pháp lần 2 (phải đúng địa chỉ, tống đạt hợp pháp). Trong trường hợp lần 2 cũng không nhận được trả lời của bên kia thì tòa án sẽ đưa vụ việc ra xét xử vắng mặt. Trong trường hợp cả 2 lần tống đạt đều không có địa chỉ rõ ràng (việc tống đạt chưa hợp pháp) thì phải làm thủ tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những quy định này đã mở ra hướng thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, đòi hỏi các ngành có liên tịch phải nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ".

Đối với trường hợp phụ nữ có đăng ký hết hôn với người nước ngoài, khi trở về Việt Nam sống như vợ chồng và có con với đàn ông Việt Nam, mà chưa ly hôn chồng nước ngoài, bà Nguyễn Thị Phương Thu, Trưởng phòng Hành chính tư pháp Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: Theo hướng dẫn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nếu cha đẻ của trẻ muốn nhận con hoặc mẹ đẻ muốn xác định cha cho con thì có quyền yêu cầu tòa án xác định. Trong trường hợp cha đẻ của trẻ đã yêu cầu tòa án xác định cha cho con theo thủ tục tố tụng dân sự nhưng tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án hoặc từ chối giải quyết do không có tranh chấp thì vận dụng quy định pháp luật để giải quyết việc nhận cha, mẹ, con. Việc vận dụng quy định pháp luật công nhận việc nhận cha, mẹ, con phải được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm khách quan, chính xác, tránh việc lợi dụng nhận cha, mẹ, con để nhằm mục đích vụ lợi, xuất cảnh, buôn bán người. Trong hồ sơ đề nghị công nhận việc nhận cha, mẹ, con phải có văn bản của tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hoặc từ chối giải quyết do không có tranh chấp, đồng thời phải có chứng cứ chứng minh cha, mẹ, con (kết quả xét nghiệm ADN).

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam, theo Điều 29 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định "Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam" là có thể đăng ký khai sinh cho trẻ. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp không xuất trình được giấy tờ nào có liên quan đến việc cư trú của trẻ em. Những trường hợp nêu trên, năm 2016, thành phố có văn bản đề xuất với Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ ban hành những quy định, chính sách cụ thể đối với trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được tham gia học tập và hưởng các quyền lợi như trẻ em Việt Nam. Đồng thời, phải có hướng dẫn địa phương giải quyết đối với các trường hợp khó khăn nêu trên để tạo điều kiện cho các em được đăng ký khai sinh, hòa nhập cộng đồng… 

Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Trần Thị Xuân Mai cho biết: “Trong 5 năm qua, Sở đã phối hợp với Hội LHPN thành phố mở 14 lớp dạy nghề cho 490 phụ nữ, tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.797 chị. Công tác này giúp chị em có nghề nghiệp và thu nhập góp phần hạn chế tình trạng bị dụ dỗ lấy chồng nước ngoài, hay bị lôi kéo đi làm ăn xa và trở thành nạn nhân của bọn buôn người”.  
Theo thống kê của TAND TP Cần Thơ, năm 2016 tòa án thụ lý 131 vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, đã giải quyết 92 vụ. Đến 31-3-2017, TAND thành phố thụ lý 34 vụ đã giải quyết 14 vụ. Số vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài mỗi năm mỗi tăng.

XUÂN PHƯƠNG

Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Trần Thị Xuân Mai cho biết: “Trong 5 năm qua, Sở đã phối hO

Chia sẻ bài viết