19/03/2011 - 21:27

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI)

Ấn tượng Đồng bằng sông Cửu Long

TP Cần Thơ ngày càng thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai – Cần Thơ tại Khu công nghiệp Trà Nóc. Ảnh: THIỆN KHIÊM

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố PCI năm 2010, vùng ĐBSCL tiếp tục gây ấn tượng với nhiều tỉnh, thành nằm trong thứ hạng cao của cả nước và sự tiến bộ vượt bậc của một số địa phương ở nhiều chỉ số đánh giá, đặc biệt là chất lượng điều hành kinh tế.

Bức tranh ĐBSCL: Khởi sắc

PCI năm nay ĐBSCL có 9/22 tỉnh, thành, chiếm 41% số địa phương cả nước nằm trong nhóm được xếp hạng “rất tốt” và “tốt”; trong đó có 5 tỉnh (Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre) nằm trong “Top 10”, 8/13 tỉnh vùng ĐBSCL nằm trong nhóm khá trở lên, không có địa phương nào thuộc nhóm trung bình và tương đối thấp của bảng xếp hạng. Đặc biệt, Đồng Tháp là 1 trong 3 địa phương được xếp hạng “rất tốt” (nhóm cao nhất) với 67,22 điểm, theo sát Lào Cai xếp hạng nhì với 67,95 điểm và Đà Nẵng ở ngôi đầu bảng với 69,77 điểm. Trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ chỉ đứng sau Đà Nẵng. ĐBSCL có 8 tỉnh, thành tăng hạng. Trong nhóm 10 tỉnh, thành của cả nước có mức độ cải thiện cao nhất so năm 2009, thì ĐBSCL có 3 tỉnh, gồm: Trà Vinh, tăng 13 bậc so năm trước, vươn lên vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành với 65,80 điểm; Bạc Liêu tăng 29 bậc, từ vị trí 59 lên 30 và thoát từ nhóm trung bình lên nhóm khá; Sóc Trăng tăng 24 bậc, từ hạng 41 lên 17, thuộc nhóm tốt; TP Cần Thơ cũng tăng 8 bậc, xếp thứ 13/63.

Cơ sở hạ tầng và chất lượng điều hành

Cơ sở hạ tầng (CSHT) vẫn được các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách nhìn nhận là một rào cản lớn nhất đối với đầu tư và tăng trưởng của vùng ĐBSCL. Đây là năm thứ 3 liên tiếp có sự đánh giá và công bố xếp hạng về chất lượng CSHT. Chỉ số này gồm 4 chỉ số thành phần là khu - cụm công nghiệp, đường giao thông, các dịch vụ hạ tầng công ích, tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông. Không lạ khi TP Cần Thơ – trung tâm vùng ĐBSCL là địa phương đứng đầu trong vùng, thứ 5 cả nước về chỉ số CSHT. Nhưng chỉ có Cần Thơ nằm trong nhóm 15 địa phương của cả nước được đánh giá có CSHT tốt nhất. Điều đó cho thấy, cần tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp CSHT các tỉnh trong vùng cùng với chất lượng lao động và tính minh bạch, cũng như khả năng tiếp cận thông tin. Các thứ hạng kế tiếp của các địa phương khác trong vùng là Đồng Tháp (16), An Giang (25), Trà Vinh (26). Các tỉnh thuộc nhóm có chỉ số này còn thấp là Sóc Trăng (60), Bến Tre (58), Bạc Liêu (55), Cà Mau (53). Tuy nhiên, nếu đặt chỉ số CSHT trong mối quan hệ với chỉ số năng động trong điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, thì vùng ĐBSCL có nhiều điểm nổi trội để chọn cho mình hướng đi phù hợp.

Theo biểu đồ “Bánh Chưng” của Nhóm nghiên cứu có 4 khu vực, thì vùng ĐBSCL có 5 địa phương là điểm sáng gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh và Long An đều nằm trong “Khu vực hạ tầng phát triển, PCI cao” – là khu vực khá lý tưởng cho nhà đầu tư, vừa có CSHT thuận lợi, vừa có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao. Ngoài ra, còn có 5 tỉnh trong vùng là Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre và Sóc Trăng nằm trong khu vực “vượt khó”. Mặc dù hạn chế về CSHT, vị trí địa lý nhưng các tỉnh này có chất lượng điều hành kinh tế được các doanh nghiệp đánh giá cao. Đáng khích lệ là 5 địa phương này đã vượt lên những khó khăn từ các điều kiện truyền thống ban đầu để phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Đặc biệt, vùng ĐBSCL không có địa phương nào nằm trong “Khu vực phát triển dưới mức tiềm năng” – là những tỉnh tuy điều kiện hạ tầng phát triển, nhưng điều hành kém năng động, chỉ số PCI thấp. Chỉ có Bạc Liêu và Cà Mau còn “nằm lại” trong khu vực “Hạ tầng kém phát triển”, cần tăng tốc để thoát khỏi khu vực yếu kém; nhưng vấn đề là chọn hướng đi và cách làm như thế nào trong điều kiện căn kéo về nhu cầu đầu tư lớn mà nguồn vốn hạn chế? Qua bảng đánh giá xếp hạng dưới góc nhìn của doanh nghiệp cho thấy, các tỉnh ĐBSCL muốn thay đổi vị trí của mình để trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt của nhà đầu tư, cần dịch chuyển “định vị PCI – CSHT” vào khu vực “hạ tầng phát triển, chỉ số PCI cao”. Tuy việc cải thiện chất lượng CSHT không thể diễn ra trong “ngày một, ngày hai”, nhưng con đường ngắn nhất để đi, thuận tiện hơn và đòi hỏi ít “tốn tiền” hơn là cần cải thiện cơ sở hạ tầng chất lượng điều hành kinh tế của địa phương mình. Song, cũng cần thấy rằng, những nỗ lực cải cách của chính quyền địa phương do “độ trễ” của nó nên không phải lúc nào cũng cho kết quả tức thì, cần có thời gian để doanh nghiệp “cảm nhận” và “hấp thụ” được sự thay đổi đó. Cho nên, kết quả PCI hàng năm chưa phải là đích đến, chỉ là một “cột mốc” trên lộ trình “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền địa phương.

Làm gì để giữ vững và cải thiện thứ hạng?

Năm nay là năm thứ 6 VCCI tổ chức công bố chỉ số PCI. Tuy chỉ có giá trị tham khảo, nhưng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL rất quan tâm chỉ số này. Nhiều vị lãnh đạo tỉnh đã “đặt hàng” bộ máy tham mưu phải có giải pháp và quyết tâm cải thiện thứ hạng. Chuyện “lên, xuống” là tất nhiên, nhưng nhiều địa phương vẫn giữ được thứ hạng cao, một số nơi có bước tiến vượt bậc, còn lại một vài tỉnh tuy đã nằm trong nhóm khá, nhưng vẫn còn chậm chân ở nhóm cuối bảng xếp hạng trong vùng, cần phải có quyết tâm, giải pháp và nỗ lực nhiều hơn. PCI không phải là một loại “bằng khen kết thúc một năm phát động thi đua” mà ngày càng chứng minh là công cụ đo lường điều hành kinh tế của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cung cấp những kết quả đánh giá phân tích sâu sắc, đáng tin cậy, có giá trị hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo chính trị, quản lý điều hành và các doanh nghiệp định hướng các cải cách hiện tại và trong tương lai, cũng như hỗ trợ xác định các ưu tiên nguồn lực để giải quyết nhu cầu và vướng mắc bức thiết cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Để giải quyết được những khó khăn, thách thức về CSHT, tiêu cực, nhũng nhiễu, thủ tục hành chính, chất lượng giáo dục và đào tạo lao động mà doanh nghiệp phải đối mặt, cần tiến hành đồng bộ cải cách thể chế và điều hành năng động của chính quyền địa phương; trong đó chỉ số PCI rất đáng được xem như một “hàn thử biểu” đo lường thái độ của doanh nghiệp đối với chính quyền, để chính quyền “bốc thuốc” và “dùng thuốc” phù hợp cho những trường hợp “nóng sốt” cần điều trị và phòng ngừa giúp cơ thể - môi trường đầu tư của địa phương mình phát triển lành mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư.

“Có thể coi chỉ số PCI là “Giấy chứng nhận” công tác điều hành kinh tế của chính quyền địa phương dưới góc nhìn của khu vực tư nhân. PCI là công cụ phản ánh mong muốn của doanh nghiệp, đồng thời là kênh đối thoại giúp doanh nghiệp bày tỏ quan điểm về các trăn trở trong hoạt động kinh doanh của mình. Việc nhận thức đầy đủ thông tin và thông điệp do chỉ số PCI cung cấp giúp chính quyền địa phương điều chỉnh công tác quản lý và các hệ thống pháp lý liên quan, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của địa phương và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp”

Tiến sĩ Trần Du Lịch

Để duy trì và cải thiện chỉ số PCI, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL không chỉ “thi đua” nhau giành thứ hạng cao trong bảng xếp hạng mà còn liên kết chặt chẽ để cùng tiến, phải nhìn rộng ra không gian vùng để vừa liên kết vùng, liên vùng – mà trọng điểm là TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, đồng thời với việc mở rộng kết nối với các nước ASEAN. Vùng ĐBSCL cần tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác liên kết giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là với TPHCM; giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với nhau tạo ra tiếng nói chung và thế mạnh từng vùng như: liên kết hợp tác để phát triển nông nghiệp toàn diện, nhất là nông nghiệp kỹ thuật cao; liên kết hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu tập trung (lúa gạo, cá tra, basa, tôm, trái cây...); liên kết hợp tác để xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù riêng của vùng, của tiểu vùng từng tỉnh, thành để thu hút đầu tư vào ĐBSCL; liên kết giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL để mở rộng quan hệ hợp tác thương mại – du lịch qua biên giới Campuchia-Thái Lan và các nước trong khu vực.

Theo nhận định của ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh ASEAN của Việt Nam – thế mạnh địa kinh tế đặc biệt của khu vực phía Nam so với miền Trung và phía Bắc là quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện với cộng đồng ASEAN. Theo đó, trong buổi làm việc mới đây với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, người giữ vai trò kết nối doanh nghiệp này đề xuất thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư ASEAN tại TP Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ – trung tâm ĐBSCL, để tăng cường xúc tiến đầu tư, mời thêm một số doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp các nước ASEAN, đại sứ ASEAN tham gia các diễn đàn khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, Chương trình liên kết vùng ĐBSCL. Qua đó, chỉ số PCI các tỉnh khu vực ĐBSCL không chỉ “đóng dấu” quốc gia mà còn vươn ra tầm khu vực và quốc tế.

TRẦN HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết