07/07/2023 - 16:53

An toàn là hạnh phúc mọi nhà và mỗi người 

Trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố quan tâm đẩy mạnh truyền thông, giúp doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy trình, biện pháp làm việc an toàn. 

* An toàn tại nơi làm việc

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn (thứ hai từ phải sang) trao đổi với đơn vị thi công công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn. Ảnh: Phương Mai

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn (thứ hai từ phải sang) trao đổi với đơn vị thi công công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn. Ảnh: Phương Mai

Khởi công từ tháng 11-2022, công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn, tại phường Châu Văn Liêm, do liên danh Công ty Cổ phần Quốc Việt, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ thương mại Gia Thành, Công ty TNHH Thiên Tân đảm trách thi công, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và bàn giao vào tháng 4-2024. Giữa ánh nắng chói chang, oi bức những ngày đầu tháng 7, lực lượng công nhân với đầy đủ bảo hộ lao động, khẩn trương thi công các hạng mục khối nhà chính, hồ cảnh quan...

Tại công trường xây dựng, nhiều khẩu hiệu: “An toàn lao động là trên hết”, “Cẩn thận khi làm việc trên cao”... được treo cẩn thận như nhắc nhở, động viên công nhân đảm bảo an toàn mọi lúc, mọi nơi. Theo anh Phan Văn Thanh Đức, công nhân công trình, mỗi ngày trước khi làm việc, anh và các công nhân đều trang bị bảo hộ lao động, nhắc nhở nhau chú trọng đảm bảo an toàn. Đầu mỗi tuần, công nhân được huấn luyện nhanh về ATVSLĐ để thực hiện trong thời gian tham gia thi công. Anh Nguyễn Văn Hoàng, có 6 năm theo các công trình của Công ty Cổ phần Quốc Việt, cho biết: “Chúng tôi làm việc theo giờ quy định, nghỉ ngơi sau bữa ăn trưa; nhận đủ lương hằng tuần…”. Anh Nguyễn Văn Phi Nal, cán bộ quản lý công trình, nói: “Công trình có khoảng 50-70 công nhân tham gia thi công. Đặc thù nghề xây dựng thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ), nhất là khi làm việc trên cao, tiếp xúc môi trường độc hại... Vì vậy, Công ty Cổ phần Quốc Việt đặc biệt quan tâm công tác ATVSLĐ. Hằng tháng, công ty phối hợp tổ chức tập huấn ATVSLĐ để anh em nắm bắt, thực hiện”.

Lực lượng công nhân tập trung xây dựng các hạng mục công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn. Ảnh: Phương Mai

Lực lượng công nhân tập trung xây dựng các hạng mục công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn. Ảnh: Phương Mai

Các khẩu hiệu ATVSLĐ nhắc nhở lực lượng công nhân thi công công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn đảm bảo an toàn lao động mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Phương Mai

Các khẩu hiệu ATVSLĐ nhắc nhở lực lượng công nhân thi công công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn đảm bảo an toàn lao động mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Phương Mai

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn, qua kiểm tra quá trình hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản thực hiện tốt pháp luật ATVSLĐ. Cụ thể, không vi phạm độ tuổi lao động, cấp phát trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho công nhân, đảm bảo chế độ lương, khám sức khỏe, thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Đặc biệt, không để xảy ra TNLĐ, hạn chế tối đa các vụ việc gây mất ATVSLĐ tại địa phương.   

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp sở, ngành chức năng đến kiểm tra công trình xây dựng Khách sạn Wink Cần Thơ, quận Ninh Kiều. Đơn vị thi công công trình làm tốt công tác ATVSLĐ. Tại Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Phúc Thành, phường Phước Thới, quận Ô Môn, chuyên kinh doanh dầu nhờn có 19 NLĐ và Công ty TNHH Thương mại Tân Thành, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, chuyên kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có 374 NLĐ, các chủ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho NLĐ cũng như áp dụng Luật ATVSLĐ trong tất cả hoạt động sản xuất theo quy định.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn (thứ nhất từ trái sang) trao đổi với đơn vị thi công xây công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn. Ảnh: Phương Mai

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn (thứ nhất từ trái sang) trao đổi với đơn vị thi công xây công trình Trung tâm hội nghị quận Ô Môn. Ảnh: Phương Mai

* Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật

Hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023, Sở Xây dựng thành phố triển khai kế hoạch phối hợp thanh, kiểm tra ATVSLĐ tại các công trường đang thi công xây dựng theo thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATVSLĐ hoặc đình chỉ thi công xây dựng nếu phát hiện công trình nguy cơ xảy ra sự cố tai nạn cho NLĐ hoặc cộng đồng. 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, để thúc đẩy các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, NLĐ và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ; đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, năm 2023, các sở, ngành trên địa bàn thành phố và quận, huyện tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở xây dựng, triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; thanh tra, kiểm tra một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ TNLĐ; tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng. Đồng thời, quan tâm tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ; thăm hỏi nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, công nhân hoàn cảnh khó khăn… 

Đoàn cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố và các sở, ngành chức năng trao đổi với đơn vị thi công công trình Khách sạn Wink Cần Thơ, quận Ninh Kiều. Ảnh: CTV

Đoàn cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố và các sở, ngành chức năng trao đổi với đơn vị thi công công trình Khách sạn Wink Cần Thơ, quận Ninh Kiều. Ảnh: CTV

Năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 75 vụ TNLĐ, tăng 44 vụ so với năm 2021. Các ngành sản xuất kinh doanh xảy ra TNLĐ như: chế biến thủy sản, rau quả; sản xuất đồ uống, hàng may mặc, dệt, giày, dép, dụng cụ thể dục, thể thao... Trong đó, ngành chế biến thủy sản chiếm 52%; ngành may mặc, giày da chiếm 29,3%. Các yếu tố gây chấn thương như ngã cao, điện giật, vật văng bắn, va đập, kim đâm tay, té, đứt tay… trong đó, kim đâm tay, té, đứt tay chiếm 88% số vụ TNLĐ… LĐLĐ thành phố tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức cơ bản về ATVSLĐ và kỹ năng, phương pháp hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên, các văn bản quy phạm pháp luật và cách nhận biết, phòng, chống nguy cơ tiềm ẩn TNLĐ; sơ cấp cứu ban đầu cho 200 cán bộ chức năng. Các cấp công đoàn tổ chức 43 lớp tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho trên 2.700 lượt người; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tổ chức 7 lớp tập huấn sơ cấp cứu cho 730 người. Các cấp công đoàn phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà 1.300 công nhân lao động; tặng 1.320 phần quà nạn nhân bị TNLĐ nặng và gia đình nạn nhân chết do TNLĐ, số tiền 1,267 tỉ đồng…

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết