16/10/2023 - 16:38

Ẩn số.... 

Truyện ngắn: Vũ Thị Huyền Trang

Anh nói với tôi rằng những người già đáng thương lắm, vì họ như ngọn lửa leo lắt giữa một đêm trở gió và anh muốn vẽ một bức tranh nói lên điều đó. Tôi thì cho rằng người già không hẳn là sợ ngọn lửa tắt đâu, họ có những ẩn số khác trong tâm hồn. Anh lại nói tôi biết gì về tranh mà nói. Tôi cười, đúng là tôi chẳng biết gì về nghệ thuật cả nhưng một tác phẩm nghệ thuật bất kỳ nào rồi cái đích cũng là đi đến đúng lòng người. Anh lại nói: “Tranh cãi với em về những điều ấy cũng giống như một người cô đơn đứng trước biển cả hét vang. Biển vẫn vỗ những âm thanh muôn đời vào bờ, tiếng hét được biển trả về. Càng thấy nỗi cô đơn của mình thêm hoang hoải”. Có thể tôi không thật sự hiểu hết những gì anh muốn nói. Nhưng tôi thấy buồn và tự ái ghê gớm lắm. Vì tôi đã chứng kiến cái nhìn khắc khoải của những người già trong cuộc đời tôi.

*

* *

Có một bận bà nội tôi dỗi, nói với tôi: “Kiếm cho bà cái nón và cái gậy bà ra đường ăn xin cho khuất mặt”. “Bà ơi, bố mẹ cháu có làm gì quá đáng đâu, bà đừng giận” - tôi dỗ dành bà. Vậy là thể nào bà cũng lặng lẽ khóc, lại thủ thỉ: “Bà có cần mọi người trong cái nhà này phải cung cúc tận tụy bà đâu, cũng không cần cơm ngon áo đẹp. Chỉ cần chuyện trò cho bà đỡ buồn. Làm gì mà cả nhà cứ đi làm suốt, bà như là cái gai trong mắt mọi người”.

Cũng có những buổi chiều bà ra ngõ khóc, trách ông sao vội ra đi bỏ bà thui thủi một mình, con cái mỗi đứa một nơi... Tôi lại ra dỗ bà: “Bà ơi sao lại ra đây khóc một mình. Các cô các chú rồi cũng sẽ về bên bà, về hết, từng người một. Bà đừng khóc nữa bà nhé!”. “Cha mày, toàn dối bà. Bà sống hết cuộc đời rồi cũng có thấy đứa nào trở về đâu. Tất cả chúng mày chỉ giỏi lừa bà thôi”.

Tôi thấy buồn vì lại thêm một lần nói dối bà. Cô chú tôi đều rời nhà từ lúc trẻ. Chú tôi lên vùng núi lập gia đình, đổ vỡ, rồi lại lấy vợ mới, sinh cả đàn con, việc làm ăn thuận lợi ở đó, nên khó mà trở về. Cô tôi ngày xưa đang theo học một lớp dạy nghề trên tỉnh rồi yêu đương ai chẳng biết mà tự nhiên vác cái bụng to đoành về nhà, bà ngất lên ngất xuống. Sau này thi thoảng ngồi nhổ tóc ngứa cho bà, bà lại thủ thỉ kể, giọng bà mờ nhạt, xa xăm như vạt nắng xiên ngang ở cuối vườn: “Hồi ấy bà bực tức vậy thôi, ai ngờ cô bây bỏ đi. Bà bao năm qua lo lắng không yên”.

Rồi bà khóc. Bất cứ ai khóc cũng làm tôi thấy buồn. Và những buổi chiều nhìn người già khóc tôi lại còn cảm giác day dứt trong lòng. Nhưng mà bà thích tôi ngồi thủ thỉ cùng bà, vì lúc ấy bà không còn thấy mình bị bỏ rơi trong nỗi cô đơn. Lúc ấy bà sẽ nhai trầu bỏm bẻm, mắt bà ánh lên niềm vui, bà vỗ vai tôi ề à kể đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, kim cổ, đông tây.

Những hôm mẹ tôi bệnh, bà cứ đi ra đi vào hỏi xem có ăn cái này không, có thấy trong người đỡ nhiều không? Cứ ân cần như thể giữa bà và mẹ chẳng có một chút ngăn cách như những khi bà dỗi. Cũng có khi bà mắng tôi, nói phải lo tu tỉnh mà học hành, sau này còn chăm sóc cho bố mẹ. Ðừng như cô chú rồi lại đến nước biệt tăm, biệt tích. Ðể rồi tôi luôn đọc được trong mắt bà sự cô độc trong những buổi chiều tàn. Và dường như bà sợ mẹ tôi cũng sẽ cô độc giống bà… Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng thấy bà thương mẹ tôi nhiều lắm.

*

* *

Bà ngoại tôi thì khác. Con cháu nói gì cũng nhất nhất nghe theo, kể cả đám cháu có lỡ bới bồ lúa trộm tiền bà cũng chỉ lặng lẽ khóc, không than cũng chẳng kể với ai. Mẹ tôi có lần về thăm, tình cờ chứng kiến, nên nói: “Mẹ cứ thế chúng nó sao không hư”. Bà thở dài, buột miệng kể các cháu hỏi tiền bà đi chơi điện tử, nếu mà nói bà không tiền thể nào mợ của tôi cũng đá thúng đụng nia. Tôi nghe mà mắt cay cay, nói: “Hay bà về ở nhà cháu”. Bà xoa đầu tôi cười: “Nhà này ông bà gầy dựng. Bà không ở được với con trai lại đi phiền con gái, cháu ngoại thì còn ra cái thể thống gì. Con cứ yên tâm, bà thể nào cũng sống được đến lúc chết”.

Những lúc ấy tôi chỉ ước giá như ngoại cứ hay hờn hay dỗi, hay cằn nhằn con cháu như bà nội còn hơn. Thà như thế chắc mẹ tôi cũng thấy nhẹ lòng.

Hôm nọ cậu mợ tôi làm nhà, chẳng biết nói thế nào mà bà ngoại dọn ra ngoài vườn, dựng một cái chòi, ở một mình. Ai hỏi ngoại cũng nói: “Tại tôi già rồi chẳng quen đi gạch bông, lỡ trơn té lại khổ con khổ cháu”. Nhưng lúc mọi người đã đi hết tôi thấy ngoại cứ ngồi lấy vạt áo lau nước mắt, ngoại thắp hương lên ban thờ khấn khấn vái vái, kể lầm rầm đủ thứ chuyện. Nhiều lúc tôi hỏi ngoại: “Người sống không đáng tin hay sao mà có chuyện gì ngoại cũng giấu, để rồi lại đi kể cho ông đã mất biết bao lâu rồi. Mà ngoại tưởng không kể, thì người sống không biết chuyện gì chắc?”. Ngoại ho mấy tiếng, lật đật chống gậy đứng dậy đi lẫn vào bóng tối. Ngoại vẫn nhất định nghĩ rằng không kể những nỗi khổ tâm thì sẽ giúp mẹ tôi và tôi không bận lòng lo lắng vì ngoại.

*

* *

Tôi cũng đã từng gặp những người già vẫn phải mưu sinh trên phố. Những lúc như thế, tôi chỉ muốn về quê, bỏ mọi công việc, để được ngồi nghe bà nội rủ rỉ kể đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Hay về thăm bà ngoại, để chứng kiến mợ và các em họ của tôi đã biết cư xử như thế nào cho tròn phận con cháu, sau đợt hốt hoảng và hối lỗi vì đã làm người hiền lành hay nín nhịn như bà ngoại lại bỏ ra vườn dựng chòi sống
một mình.

Sau những tranh cãi lần trước, một khoảng thời gian khá lâu tôi mới lại gặp anh. Chúng tôi ngồi trên tầng cao. Anh bất chợt gợi lại chuyện cũ, anh nói anh chẳng thể nào vẽ được một bức tranh ưng ý về những người già kể từ hôm chúng tôi tạm biệt nhau. Chúng tôi hái những đóa bồ công anh thả từ tầng cao xuống. Anh nói: “Trong mỗi người già là một bồ cô đơn”. “Nhưng họ có bản năng sinh tồn và có cách riêng để sống chung với nỗi cô đơn đó thật can đảm. Giống như em đã từng chứng kiến có những người già mưu sinh bằng cách đi bán một vài thứ linh tinh. Em đã từng vì không cần dùng gì đến những vật dụng ấy nên em cho họ tiền. Nhưng họ nói rằng họ không phải ăn xin...” - tôi mỉm cười nói với anh.

Chúng tôi lại tiếp tục thả những bông bồ công anh từ tầng cao xuống, hy vọng những bông hoa như những nỗi cô đơn của người già được trôi theo cơn gió…

Chia sẻ bài viết