Mức sống của người dân TP Cần Thơ ngày càng cao kéo theo nhu cầu sử dụng thực phẩm rau xanh cũng cao hơn về chất lượng và độ an toàn. Bên cạnh các loại rau mầm, rau thủy canh, gần đây người sản xuất và tiêu dùng thành phố dần tiếp cận với một loại rau khá mới: rau non (hay còn gọi là rau baby). Với ưu điểm vượt trội: thời gian sinh trưởng ngắn, hàm lượng dinh dưỡng cao, chủng loại phong phú, hạn chế tối đa sử dụng phân thuốc hóa học… rau non kỳ vọng đem đến lựa chọn mới cho người tiêu dùng trong việc sử dụng rau xanh, sạch và an toàn.
Theo PGS.TS Trần Thị Ba, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, rau non bắt đầu được thế giới biết đến từ thập niên 1980, phát triển nhanh từ giữa thập niên 1990. Đặc biệt, sau khi các báo cáo khoa học của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Đại học Maryland chỉ ra giá trị của rau non, loại rau này càng được công chúng chú ý và tin dùng. “Rau non là loại rau lớn hơn rau mầm nhưng lại nhỏ hơn rau trưởng thành. Thời gian từ khi gieo đến thu hoạch rau non khoảng từ 20-25 ngày tùy loại. Các chất dinh dưỡng quý giá của rau tập trung với hàm lượng cao nhất trong giai đoạn thu hoạch này”- PGS.TS Trần Thị Ba cho biết.
Rau non trồng tại phường An Bình, quận Ninh Kiều.
Rau non được nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới và một số địa phương trong nước sử dụng để chế biến cho các bữa ăn hằng ngày. Song, đối với người dân TP Cần Thơ, rau non là thực phẩm khá mới mẻ. Một trong những sự kiện chính thức đánh dấu sự có mặt của rau non tại TP Cần Thơ là việc triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau non an toàn cho vùng rau TP Cần Thơ”. Dự án do Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều, Trung tâm Dịch vụ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ làm chủ nhiệm và được nghiệm thu vào cuối năm 2019. Qua 2 năm thực hiện, Dự án đạt được các mục tiêu quan trọng là đánh giá hiện trạng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận. Đồng thời, chuyển giao các quy trình trồng rau non an toàn ứng dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ dân tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng. Dự án cũng hoàn tất việc đăng ký sản phẩm đạt chuẩn an toàn, kết nối doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng rau an toàn tại TP Cần Thơ.
Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “Rau non có chiều cao khoảng 14-16cm, thân lá đã hình thành đầy đủ nhưng còn non, sử dụng ăn sống, nấu canh, xào... Do thời gian sinh trưởng ngắn loại rau này được trồng và thu hoạch trước khi bị sâu hại tấn công nên người trồng không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Vì vậy, nó vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân vừa có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Bằng phương pháp tổ chức sản xuất trong nhà có mái che, theo kiểu cuốn chiếu, hạn chế khả năng lưu tồn và lây lan nguồn bệnh kết hợp phương pháp xen canh, luân canh, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt… Mô hình sản xuất rau non an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố”.
Quá trình thực hiện Dự án, để nhanh chóng đưa kỹ thuật sản xuất rau non vào thực tế sản xuất, Ban Chủ nhiệm đã thực hiện 2 mô hình trình diễn. Theo đó, mô hình 1: ứng dựng công nghệ trồng rau non trên giá thể, trong nhà lưới, tưới nhỏ giọt tại vùng rau Long Hòa, quận Bình Thủy, diện tích 100m2 và mô hình 2: trồng rau non theo mô hình nông nghiệp đô thị tại quận Ninh Kiều, với diện tích 75m2. Các loại rau được lựa chọn sản xuất là: rau muống, cải xanh, cải ngọt, cải đuôi phụng, rau dền. Dự án hỗ trợ người dân 50% chi phí, sản phẩm của mô hình được giới thiệu đến người tiêu dùng thông qua các kênh trong chuỗi cung ứng được đề xuất.
Anh Tiêu Thanh Vũ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, tham gia Dự án với mô hình trồng rau non công nghệ cao, sử dụng kệ, trồng rau trên giá thể và sử dụng ánh sáng đèn Led. “Tôi có nhiều kinh nghiệm trong trồng rau mầm. Tuy nhiên, hạn chế của rau mầm là ít chủng loại. Để cung cấp phong phú hơn các loại rau an toàn cho người tiêu dùng, tôi quyết tâm đầu tư trồng rau non. Mặc dù chi phí đầu tư cho hệ thống đèn Led khá cao và thời gian thu hồi vốn lâu hơn nhưng tôi luôn hy vọng có thể mang đến cho người tiêu dùng thêm sự lựa chọn với sản phẩm rau non an toàn”.
Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, Dự án cũng quan tâm đến việc tìm kênh tiêu thụ, hình thành chuỗi cung ứng rau non an toàn thông qua 3 kênh, với 4 tác nhân. Theo đó, kênh 1 bao gồm: Người sản xuất- Đơn vị phân phối- Siêu thị/Cửa hàng/Đại lý đối tác- Người tiêu dùng. Kênh 2: Người sản xuất- Người tiêu dùng. Kênh 3: Người sản xuất- Cửa hàng/Đại lý đối tác- Người tiêu dùng. Trong đó, kênh 1 là chủ lực chi phối hoạt động cung ứng rau an non toàn với người sản xuất là 2 nông dân tại mô hình và 2 nông dân tham gia mở rộng mô hình tại quận Cái Răng; nhà phân phối là Hợp tác xã Nông sản xanh và hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFoods.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều, việc tiêu thụ rau an toàn nói chung và rau non nói riêng thời gian qua gặp nhiều khó khăn đến từ nhiều nguyên nhân. Song nguyên nhân đáng chú ý nhất là khâu gây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng đối với nông sản an toàn. Bên cạnh đó, các sở ngành hữu quan cũng cần chung tay trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng của rau an toàn; xây dựng kênh phân phối rau an toàn (chuỗi cung ứng rau an toàn) để người tiêu dùng có thêm điều kiện tiếp cận và sử dụng sản phẩm rau an toàn…
Bài, ảnh: MỸ THANH