04/11/2008 - 20:18

Dịch vụ chăm sóc điện thoại di động

Ăn nên làm ra

Nhiều dịch vụ dạy sửa chữa ĐTDĐ ở TP Cần Thơ đang làm ăn khấm khá.

Khi giá điện thoại di động (ĐTDĐ) ngày càng rẻ, các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động liên tục tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn với nhiều gói cước di động giá rẻ. Cùng với sự xuất hiện nhiều mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc ĐTDĐ trên thị trường thì “bệnh” của máy cũng đa dạng không kém. Vì vậy, dịch vụ sửa chữa và dạy sửa chữa ĐTDĐ có cơ hội phát triển và ăn nên làm ra...

TỪ DỊCH VỤ CHĂM SÓC “DẾ”...

Theo kinh nghiệm của một số thợ sửa ĐTDĐ lâu năm ở nội ô TP Cần Thơ, mở một tiệm nhỏ làm dịch vụ chăm sóc “dế” (ĐTDĐ) hiện nay không khó. Chỉ cần bỏ ra số vốn khoảng vài triệu đồng sắm một tủ kiếng nhỏ, dụng cụ đồ nghề và thuê diện tích mặt bằng khoảng chừng 4-5 mét vuông, thậm chí hẹp hơn, là có thể hành nghề được. Tại các điểm dịch vụ này, các kiểu chăm sóc “dế” như: ướp thơm, dán đề-can, vệ sinh dế... với mức giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, tùy loại dịch vụ, tùy máy.

Không chỉ nhận sửa, những điểm dịch vụ này còn kiêm luôn cả mua bán ĐTDĐ cũ hoặc đã qua sử dụng, thẻ cào, sim số, nạp tiền. Giá cước di động và sim số ngày càng rẻ, nhu cầu sử dụng ĐTDĐ ngày càng lớn, đối tượng người tiêu dùng càng đa dạng, nên nghề sửa chữa điện thoại, thu đổi máy cũ cũng ngày càng đắt khách. Bất chấp việc các “đại gia” bán lẻ ĐTDĐ với chiến lược bán hàng chuyên nghiệp khép kín từ sản phẩm, chế độ bảo hành, hậu mãi ồ ạt thâm nhập và chiếm lĩnh thị phần, các dịch vụ này vẫn thu hút được khách do cung cách làm ăn khá linh hoạt. Anh Phạm Văn Chính, một thợ sửa chữa ĐTDĐ đang hành nghề tại khu vực chợ đồ cũ gần bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ, tiết lộ: “Năm nay, giá cả tăng cao, mốt đổi “dế” mới giảm mạnh, nên thu nhập cũng giảm hẳn chứ mọi năm tui mua lại máy đã qua sử dụng bán ra mỗi cái cũng lời trên dưới trăm ngàn đồng. Máy xài rồi lại dễ bán, vì người mua chỉ cần bỏ ra ba bốn trăm ngàn đồng là sắm được ĐTDĐ. Nếu không có vốn lớn mở tiệm thì sửa chữa lưu động cũng có thu nhập lai rai”.

Trên thị trường, các mẫu máy ĐTDĐ liên tục ra mới, nhiều tiện ích giải trí, nguồn gốc xuất xứ thì “bệnh” của dế cũng rất đa dạng. Trong đó, lỗi hư hỏng xảy ra nhiều nhất là bộ sạc nguồn, pin, loa, màn hình... Máy càng nhiều ứng dụng (nghe nhạc, quay phim, chụp hình, ghi âm, kết nối không dây...) và sử dụng thường xuyên thì thời lượng sử dụng pin càng ngắn hơn so với những loại máy khác. Theo kinh nghiệm của giới chuyên môn, đối với các sản phẩm không chính hãng, nhái kiểu dáng của những thương hiệu có tiếng trên thị trường thì những lỗi trên xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, những tác động vật lý do lỗi của người sử dụng gây ra nhiều khi làm ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của ĐTDĐ. Khi đem tới các cơ sở sửa chữa, trung tâm bảo hành sẽ rất tốn kém vì giá linh kiện thay thế không hề rẻ hoặc thiếu đồng bộ, máy hoạt động sẽ không được như ý muốn hoặc có thể hư hỏng vĩnh viễn.

Chia sẻ cách khắc phục sự cố, anh Hồ Quốc Tuấn, chủ cửa hàng ĐTDĐ Quốc Tuấn (số 63/2, đường Trần Hưng Đạo, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), cho biết: “Khi máy bị rơi xuống nước hoặc bị nước thấm vào thì nên tắt máy ngay và mang đến dịch vụ liền để xử lý. Bật nguồn điện trở lại ngay lúc này hoặc cắm ổ sạc điện sẽ dễ làm cho máy hư hỏng nặng, bởi trong trường hợp này sẽ làm quá trình điện phân xảy ra nhanh chóng, phá hủy các vi mạch bằng đồng cũng như làm chết các linh kiện do chập các mạch điện. Đôi khi làm rơi máy xuống đất hoặc va đập mạnh sẽ tác động đến các mối hàn, bo mạch có thể bị vặn cong, các chấu tiếp xúc pin hay ăng-ten bị bung ra..., màn hình dễ xảy ra hiện tượng chập chờn hoặc bị treo máy. Lúc này, cũng nên tắt máy và mang lại các cơ sở chăm sóc ĐTDĐ để kiểm tra. Những trường hợp như vậy, nếu kịp thời xử lý sẽ tốn rất ít, chủ yếu là tiền công vệ sinh, hàn các mạch điện”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều dịch vụ do tay nghề chưa vững nên đã gây không ít phiền hà cho những “khổ chủ” chẳng may giao “dế” nhưng thợ mới “ra lò” vọc. Anh Lê Quốc Hưng, chủ một cửa hàng ĐTDĐ trên đường Mậu Thân, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: “Điều quan trọng là phải có uy tín để giữ mối hay không, chứ còn lấy tiền công nhiều hay ít thì khách hàng đâu có quyền trả giá. Thông thường, chỉ cần thợ mở máy ra là khách hàng đã phải mất tiền chứ chưa cần phải biết máy có hư hỏng hay không. Đó là chưa kể món đồ mới thay có đảm bảo chất lượng hay không vì đâu phải khách hàng nào cũng hiểu về ĐTDĐ. Ví dụ, cũng một cục pin điện thoại nhưng loại pin Trung Quốc giá bán chỉ có 50.000-70.000 đồng/cục, trong khi hàng chính hãng giá bán có thể lên đến 200.000 đồng/cục, thậm chí cao hơn”.

... ĐẾN DẠY SỬA CHỮA

Hiện nay, khi các cửa hàng, siêu thị, trung tâm bảo hành ĐTDĐ liên tục xuất hiện thì nguồn kỹ thuật viên bảo trì ĐTDĐ đang là nhu cầu rất lớn. Vì thế, nghề sửa chữa ĐTDĐ đang thu hút nhiều lao động trẻ. Tại mỗi siêu thị, trung tâm bảo hành ĐTDĐ lớn ở nội ô thành phố như: thegioididong, Viettel, FoneMart Phương Tùng, Western Telecom, Ninh Kieu Mobile, FPT, S-Fone... đang có trên dưới 10 kỹ thuật viên đảm nhận các dịch vụ chăm sóc, sửa chữa ĐTDĐ. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, nguồn kỹ thuật viên chuyên về ĐTDĐ còn hiếm, nên chủ yếu được tuyển từ chuyên ngành điện tử viễn thông hoặc nhân viên được đào tạo tại chỗ. Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao, nhiều điểm dạy sửa chữa ĐTDĐ luôn phát triển về quy mô lẫn chú trọng nâng cao chất lượng.

Tại một số cơ sở dạy sửa chữa ĐTDĐ ở TP Cần Thơ như: Công ty TNHH Cường Thịnh, Trung tâm Sửa chữa ĐTDĐ CDMA, Ninh Kieu Mobile... các khóa đào tạo có thời gian từ 4-6 tháng với mức học phí khoảng 6-9 triệu đồng/khóa. Theo ông Cao Văn Trường, Trung tâm Sửa chữa ĐTDĐ CDMA, lượng học viên hoàn thành các khóa học được bổ sung cho các điểm dịch vụ sửa chữa, bảo hành của Trung tâm này tại TP Cần Thơ hoặc các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Anh Đặng Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh, cho biết thêm: “Các học viên học xong tự liên hệ tìm việc làm, nhưng hầu hết đều sớm mở cửa hàng kinh doanh điện thoại hoặc sớm có việc làm với mức thu nhập chấp nhận được”.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều điểm dịch vụ vừa hoạt động sửa chữa, vừa thu nhận học viên. Cách học này tuy không có chứng chỉ nhưng học viên được toàn thời gian thực hành nên nhanh biết nghề. Một chủ cơ sở có tuyển và dạy nghề sửa chữa ĐTDĐ cam kết, chỉ cần siêng năng, tập trung, chỉ trong vòng 3 tháng học viên có thể nắm bắt và đủ kinh nghiệm ra mở tiệm. Tuy nhiên, các học viên cần bổ sung kiến thức phần lý thuyết từ việc truy cập Internet và các catalo các dòng máy mới. Giá trọn gói cho các kiểu đào tạo “cầm tay chỉ việc” như thế từ 4-8 triệu đồng, tùy thương lượng.

Bài, ảnh: TRIỀU DÂNG

Chia sẻ bài viết