02/11/2016 - 19:52

Ấm tình “Quê mẹ xa xưa”

Mai Bửu Minh - nhà văn của thiếu nhi, của miền Tây Nam bộ vừa ra mắt độc giả tiểu thuyết "Quê mẹ xa xưa", do NXB Văn hóa– Văn nghệ phát hành quý II-2016. Nét đẹp của một vùng quê thanh bình, trù phú và ấm áp tình người được tái hiện sinh động qua từng trang sách, đưa độc giả bước vào cuộc sống nhiều tình người với nhân vật chính.

Câu chuyện bắt đầu bằng chuyến trở về quê mẹ sau hơn 10 năm xa cách của Trung, cậu thiếu niên 16 tuổi. Thuở nhỏ, Trung theo cha mẹ lên Sài Gòn sinh sống nên không còn nhớ gì về quê hương xứ sở. Mẹ mất, cha Trung tái hôn với người khác, sinh thêm 2 em gái. Trung trở thành trẻ mồ côi khi cha qua đời vì bệnh, dì ghẻ chiếm hết gia tài khiến cậu phải đi bụi, vất vả mưu sinh. Hay tin, cậu Tư, anh ruột mẹ Trung, lên thành phố tìm Trung đưa về quê sinh sống. Từ đô thị phồn hoa, Trung phải làm quen với cuộc sống nơi thôn quê, với 8 người con của cậu Tư và người mợ khó tính. Trải qua những khó khăn, vất vả ban đầu, Trung dần hòa nhập với cuộc sống mới và được mọi người yêu mến bởi tính tình hiền lành, chăm chỉ, chịu khó, hay giúp đỡ người khác. Trung như tìm thấy gia đình thứ hai của mình và một tương lai tươi sáng…

 

Với tác phẩm mới này, nhà văn Mai Bửu Minh tiếp tục đưa độc giả đến với vùng quê Châu Phú– An Giang trù phú và ấm tình người. Quê hương là mạch đề tài quen thuộc trong sáng tác của ông nhưng luôn tạo được cảm xúc mới mẻ bởi cách viết đa dạng, hình ảnh phong phú và vốn sống dày dặn của tác giả. Ở "Quê mẹ xa xưa", bối cảnh câu chuyện cách đây khoảng hai, ba chục năm trước nhưng vẫn gần gũi, thân thương và hấp dẫn. Bởi nơi đó, đất và người đã mở rộng vòng tay đón cậu bé bơ vơ trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Cũng ở nơi đó, Trung đã học được cách lao động để làm lại từ đầu sau những ngày tháng bất hạnh, lang thang, cơ nhỡ.

Đặc sắc nhất trong truyện là nếp sống và những công việc nơi thôn quê dưới cái nhìn lạ lẫm, tò mò của cậu trai thành thị. Trung làm quen với việc cắt lúa, chăn bò, bắt chuột trên đồng hay chèo xuồng hái bông điên điển mùa nước nổi; háo hức đi bắt cua, bắt ốc, chụp ếch sau những cơn mưa; tò mò thích thú khi được đi cắm câu, thả lưới bắt cá; tìm hiểu phong tục tập quán trong những ngày lễ Tết, những trò vui của lễ hội đình làng… Những điều quen thuộc, bình dị trong đời sống thường ngày ở nông thôn bỗng trở nên sinh động, mới lạ và thú vị không chỉ trong mắt Trung mà còn cả với độc giả. Bút pháp miêu tả sống động và những câu văn đầy hình ảnh của tác giả đã mang lại một không gian sông nước muôn màu, muôn vẻ.

Truyện còn khắc họa tính cách của từng nhân vật, tạo ra những mâu thuẫn, xung đột hợp lý. Trung tuy được cậu Tư và các anh chị thương yêu nhưng lại bị mợ Tư và anh Quý coi thường, ganh ghét. Chỉ sau những biến cố, va chạm mà Trung là người có công giúp gia đình cậu Tư thoát khỏi tai ương, giải quyết khó khăn thì mọi khoảng cách, thành kiến mới dần được xóa bỏ. Ấn tượng nhất là nhân vật cậu Tư, một người đàn ông khí khái, bộc trực, giỏi giang, biết vun vén lo cho gia đình, sống tình nghĩa. Tuy rất thương con cháu nhưng ông cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ. Ai có công thì khen, ai có tội thì phạt. Nhờ đó, gia đình ông tuy đông con nhưng rất nề nếp, ai cũng chí thú làm ăn, bà con lối xóm đều yêu quý.

"Quê mẹ xa xưa" vừa giàu chất thơ, vừa ấm tình người, để lại những cảm xúc và ấn tượng đẹp trong lòng người đọc.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết