06/01/2019 - 08:31

Ai sẽ thống trị cầu lông thế giới năm 2019? 

Những bất ngờ ở các giải cầu lông thế giới vào cuối năm 2018 hứa hẹn sẽ có những cuộc lật đổ gay cấn khi mùa giải 2019 bắt đầu.

Các vị trí trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới đã có những biến động nhỏ khi mùa giải mới bắt đầu. Mặc dù vẫn giữ được vị trí số 1 thế giới, nhưng Kento Momota (Nhật Bản) đã thua tay vợt giữ vị trí số 2 người Trung Quốc Shi Yuqi ở trận chung kết World Tour Finals 2018. Ở giữa Top 10, hai tay vợt kỳ cựu Chen Long (Trung Quốc) và Son Wan Ho (Hàn Quốc) đều tăng 1 bậc, vươn lên vị trí 4 và 5. Trong khi Anthony Sinisuka Ginting (Indonesia) vươn lên vị trí thứ 7, còn Kidambi Srikanth (Ấn Độ) lại trôi từ vị trí số 1 xuống vị trí thứ 8. Nếu chơi đúng phong độ, khả năng tranh vị trí số 1 của Ginting, Shi Yuqi là không nhỏ vì cả hai đều có những trận thắng Momota giòn giã trong năm vừa qua.

Năm 2019, liệu Ginting (trái) có lật đổ được Momota (phải). Ảnh: badmintonplanet

 

Ở phía nữ, danh hiệu vô địch World Tour Finals chỉ giúp mỹ nhân Ấn Độ Pusarla Venkata Sindhu lấy lại được vị trí số 3 thế giới mà không thể “đụng” tới vị trí số 1 của kỷ lục gia Tai Tzu Ying (Đài Loan). Tính đến thời điểm hiện nay, Tzu Ying là tay vợt có số tuần giữ vị trí số 1 nhiều nhất. Hai tay vợt Nhật Bản đã đổi vị trí số 2 và 5 cho nhau: Nozomi Okuhara vươn lên số 2 từ vị trí số 5, ngược lại Akane Yamaguchi từ số 2 xuống số 5. Chuyên gia đánh giải lớn Carolina Marin (Tây Ban Nha) rơi xuống 2 bậc, giữ vị trí số 6.

Cặp đôi nam - nữ Yuta Watanabe và Arisa Higashino cho thấy sự tiến bộ vượt bậc khi vươn lên vị trí số 3 và đang sẵn sàng cạnh tranh vị trí số 1, 2 mà hai đôi vợt người Trung Quốc đang giữ. Riêng nội dung đôi nữ, 3 cặp đôi người Nhật Bản thống trị vị trí số 1, 2, 3 và chưa có dấu hiệu xuống phong độ. Ở nội dung đôi nam, đôi vợt người Indonesia vừa lần thứ 2 liên tiếp nhận danh hiệu xuất sắc nhất năm, nhưng đã bị loại ngay từ vòng bảng của World Tour Finals là cơ hội cho các đôi vợt Trung Quốc, Nhật Bản vươn lên.

Từ năm 2018, Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) chia 37 giải đấu trong khuôn khổ liên đoàn ra làm sáu cấp độ Super: Finals, 1000, 750, 500, 300 và 100. Với lịch đấu này, các tay vợt ở top 15 đơn và top 10 đôi phải dự 12 giải trong năm, luân phiên ở các quốc gia tổ chức giải. So với thể thức cũ, thể thức mới nhiều hơn hai giải, nên các tay vợt đơn bắt buộc phải dự ba giải Super 1000, năm giải Super 750 và bốn giải Super 500. Nếu tham gia các giải đồng đội, trung bình mỗi năm, các tay vợt phải thi đấu khoảng 15 giải.

Việc tổ chức quá nhiều giải đấu và ở nhiều nước khác nhau đã ảnh hưởng rất lớn đến phong độ, sức khỏe của các tay vợt hàng đầu. Mùa giải 2018 cho thấy, nhiều tay vợt đã hụt hơi vào giai đoạn cuối hoặc chấn thương. Chẳng hạn như tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying đã phải bỏ cuộc ở cả hai giải đấu cuối cùng trong năm. Tương tự, Kento Momota cũng có phong độ không thật sự tốt tại hai giải này khi bị loại ở bán kết tại Hong Kong Open và có dấu hiệu kiệt sức trong trận chung kết World Tour Finals và thất thủ trước người từng là bại tướng của mình chỉ sau 2 set.

Tuy nhiên, thể thức thi đấu này đòi hỏi các tay vợt phải có sự chuẩn bị và tính toán việc tham gia các giải đấu để phân phối sức lực hợp lý. Sau một mùa giải thi đấu thể thức mới, chắc chắn các tay vợt đã có những kinh nghiệm nhất định để tạo nên những bất ngờ làm cho những trận cầu 2019 kịch tính, hấp dẫn hơn.

H.T

 

Chia sẻ bài viết