06/06/2023 - 22:05

Ai sẽ là tân Tổng Thư ký NATO? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg theo kế hoạch sẽ thôi giữ vị trí đứng đầu liên minh quân sự này từ tháng 9 tới sau 9 năm tại vị.Thế khó của NATO

Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden hôm 5-6. Ảnh: Reuters

Phần lớn những người đảm nhận vị trí dân sự cấp cao nhất của NATO trong những năm qua dường như ít phải đối mặt với “sóng gió”.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay có thể sẽ là một trong những giai đoạn thử thách nhất trong lịch sử 74 năm của NATO. Người kế nhiệm ông Stoltenberg dù nắm giữ ít quyền hành nhưng với tư cách là bộ mặt và tiếng nói của NATO, có vai trò quan trọng trước công chúng, đặc biệt là giữa lúc xung đột Nga - Ukraine.

Giới chuyên gia cho rằng ứng viên chiếc ghế Tổng Thư ký NATO sẽ phải là người có kỹ năng giao tiếp tốt để có thể tập hợp các phe phái chính trị, ngoại giao và quân sự nhằm hướng tới tầm nhìn chung. Quan trọng hơn hết, người đó phải có khả năng thực hiện một loạt cải cách thể chế cần thiết để giúp NATO đứng vững và đoàn kết chống lại các mối đe dọa quân sự từ Nga, đồng thời thích ứng với môi trường chiến lược mới ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Thách thức kép của NATO hiện nay là vừa hỗ trợ Ukraine chống Nga vừa không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột trực tiếp với Mát-xcơ-va.

Ai là ứng viên nặng ký?

Hiện có một số nhân vật cho vai trò trên, gồm Thủ tướng Ðan Mạch Mette Frederiksen, người sớm nổi lên như là một ứng viên “nặng ký” để thay thế ông Stoltenberg. Bà Frederiksen bắt đầu gây chú ý quốc tế từ năm ngoái với những quan điểm ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và nỗ lực củng cố sự đoàn kết của phương Tây. “Tôi có thể dành rất nhiều thời gian để nói những điều tốt đẹp về bà Frederiksen. Bà ấy là một trong những nguyên thủ giàu kỹ năng nhất của châu Âu” - Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store phát biểu khi được hỏi về việc bà Frederiksen là ứng viên tiềm năng cho vị trí đứng đầu NATO. Song, bà Frederiksen sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5-6 cho biết bà không muốn ứng cử chức vụ đứng đầu NATO. “Tôi từng nói rằng tôi không phải là ứng cử viên cho bất kỳ công việc nào khác ngoài công việc hiện tại tôi đang làm và điều này không thay đổi sau cuộc gặp của tôi với Tổng thống Biden” - bà Frederiksen phát biểu trước báo giới.

Một ứng viên tiềm năng khác là Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Là lãnh đạo quốc phòng lâu năm của một quốc gia NATO hàng đầu đã thực hiện chương trình hiện đại hóa quốc phòng lớn và cam kết vượt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, ông Wallace dường như đủ điều kiện để đưa ra những cải cách quan trọng nói trên và điều hướng những thách thức trong tương lai. Khi Nga tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, ông Wallace chính là người tiên phong kêu gọi Mát-xcơ-va kiềm chế và kêu gọi NATO đoàn kết. Ông nổi tiếng và được kính trọng ở cả 2 bờ Ðại Tây Dương cũng như ở Ukraine và vùng Baltic, bởi là một trong những bộ trưởng quốc phòng đầu tiên cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine cũng như đưa ra nhiều hỗ trợ quân sự hơn bất kỳ quốc gia nào, chỉ sau Mỹ.

Ðể trở thành lãnh đạo NATO, các ứng viên phải nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên. Nhiều quốc gia thích chọn nhà lãnh đạo NATO phải xuất phát từ ghế thủ tướng hoặc tổng thống để có vị thế chính trị tương xứng. Một số nước như Pháp mong muốn Tổng Thư ký NATO là công dân của quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nhằm có thể thúc đẩy sự hợp tác gần gũi hơn giữa liên minh quân sự này và EU.

Trong bối cảnh đó, theo truyền thông phương Tây, hiện có một số ứng viên tiềm năng khác có thể tranh cử vào vị trí Tổng Thư ký NATO như Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland...

Chia sẻ bài viết