28/12/2024 - 21:43

AI phổ biến trong ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản 

Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện được các xưởng vẽ, hãng phim, họa sĩ của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản tận dụng trong quá trình sáng tạo để rút ngắn thời gian và giảm tải cho con người.

Công nghệ AI giúp các họa sĩ đẩy nhanh quá trình sáng tạo tác phẩm.

Studio K&K Design (trụ sở tại TP Nagoya) đang sử dụng AI như một công cụ thông dụng trong quá trình sản xuất các tác phẩm hoạt hình. Theo đó, AI được vận dụng để tạo các khung hình hoạt hình xen kẽ. Bình thường, quá trình tạo khung sẽ mất từ 1-2 tuần, nhưng với sự trợ giúp của AI quá trình này được rút ngắn chỉ còn 4-5 tiếng. Suốt quá trình này, nhân viên chỉ cần đưa ra yêu cầu thiết lập khung hình mở đầu và kết thúc, kiểm tra và chỉnh sửa, còn lại AI sẽ thực hiện. Sự phối hợp này vừa tiết kiệm thời gian, nhân lực vừa đảm bảo được chất lượng của tác phẩm vì con người vẫn từng bước kiểm tra và chỉnh sửa.

Hiroshi Kawakami, Giám đốc Studio K&K Design, cho biết: “Chúng tôi luôn đảm bảo nhân viên kiểm tra, chỉnh sửa hoặc bổ sung nội dung khi cần. Là những người sáng tạo, chúng tôi không muốn phụ thuộc quá nhiều vào AI. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng AI giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chúng tôi tận dụng thời gian tiết kiệm đó cho những phần việc sáng tạo hơn”. Studio K&K Design có nhiều hình thức sử dụng AI trong quá trình hỗ trợ sáng tạo của các họa sĩ. Cụ thể, AI được sử dụng để tô màu nền. Phần việc này thường mất khoảng 1 tuần nhưng với AI chỉ cần 5 phút là hoàn thành. Hiện Studio K&K Design cũng đang vận dụng AI để chuyển đổi các chuyển động thực tế thành chuyển động hoạt hình. Đây là hoạt động rất quan trọng trong quá trình sáng tạo và sản xuất tác phẩm hoạt hình, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian.

Thực tế, AI đang là công cụ được yêu thích trong giới sáng tạo truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản. Nhà sáng tạo truyện tranh Yoshimi Kurata (70 tuổi) chia sẻ rằng AI đang giúp mở rộng khả năng sáng tác truyện tranh của ông. Tuổi tác đã khiến tốc độ vẽ của ông chậm lại nhưng với sự hỗ trợ của AI, mọi hoạt động có thể tiến hành nhanh hơn. AI đang hỗ trợ ông hoàn thiện bối cảnh, tô màu và chỉnh các bản phác thảo. Phần việc sáng tạo trọng điểm được Yoshimi Kurata tập trung làm tốt hơn, thay vì mất sức trong từng việc nhỏ của quá trình vẽ truyện.

Tương tự, Makoto Tezuka và các đồng nghiệp của mình cũng quyết định sử dụng AI để tạo ra tập mới tiếp theo của “Black Jack” - truyện tranh nổi tiếng của cố họa sĩ Osamu Tezuka, cũng là cha của Makoto Tezuka. Việc sử dụng AI hỗ trợ họ sáng tạo tốt hơn, chẳng hạn như đưa ra các gợi ý về cốt truyện, tạo ra các thiết kế nhân vật, bối cảnh hay các mô tả về thế giới hư cấu. Tất nhiên, những điều này đều dựa trên nền tảng truyện gốc và các thảo luận từ các họa sĩ trong dự án mới. Makoto Tezuka cho rằng AI là một công cụ và điều quan trọng là cách mọi người sử dụng. Nếu sử dụng AI phù hợp thì tác phẩm vẫn mang dấu ấn cá nhân bởi vì con người vẫn phải tham gia vào từng quá trình hoàn thành tác phẩm.   

Công ty sản xuất truyện tranh kỹ thuật số En-dolphin đã phát triển công nghệ AI để hỗ trợ các tác giả truyện tranh. Công cụ AI này có chức năng tái tạo hình minh họa và hợp lý hóa quy trình vẽ, chuyển đổi các bản phác thảo thô thành các hình minh họa được tô màu và đánh bóng… Chức năng của AI này như trợ lý, đồng thời cũng kiểm soát các quy trình dựa trên bản quyền được cho phép của các tác giả.

Việc sử dụng AI trong hoạt động sản xuất truyện tranh và phim hoạt hình ngày càng phổ biến ở Nhật. Cụ thể, Sony đang sử dụng AI để nâng cao hiệu quả sản xuất phim hoạt hình, góp phần giảm chi phí và tăng năng suất cho hãng phim.

BẢO LAM (Theo Nikkei, Kyodo News, NHK)

Chia sẻ bài viết