20/02/2016 - 17:07

7 loại xét nghiệm những người trên 50 tuổi cần thực hiện

Những người bước sang độ tuổi trung niên thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Để phát hiện sớm các căn bệnh tiềm ẩn có thể ảnh hưởng cuộc sống, các chuyên gia y tế khuyên họ nên tiến hành 7 xét nghiệm cần thiết dưới đây từ sau tuổi 50:

1. Đo hàm lượng cholesterol

Cùng với kiểm tra huyết áp và chỉ số khối cơ thể, xét nghiệm cholesterol (hàm lượng mỡ trong máu) giúp tính toán nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quị. Ngoài phương pháp lấy mẫu máu từ cánh tay gửi đi xét nghiệm và trả kết quả sau 7-10 ngày, nhiều cơ sở y tế hiện đại còn được trang bị thiết bị xét nghiệm mẫu máu lấy từ ngón tay và trả kết quả tức thì.

Nếu bị mỡ trong máu cao, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc hạ cholesterol hoặc thuốc phòng ngừa cục máu đông đối với người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.

2. Xét nghiệm tiểu đường

 Ngoài duy trì hoạt động thể chất, người trung niên cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phòng trị bệnh kịp thời. Ảnh medicmagic.com

Những ai thường xuyên cảm thấy khát nước, hay mệt mỏi và đi tiểu nhiều (nhất là vào ban đêm) thì nên làm xét nghiệm này. Cùng với tình trạng thừa cân, hút thuốc lá và ít vận động, người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ cao phát triển tiểu đường típ 2. Căn bệnh này làm tăng gấp 5 lần nguy cơ đột quị hoặc nhồi máu cơ tim ở đối tượng trung niên, cũng như có thể gây tổn thương các mạch máu, dây thần kinh và nội tạng của họ.

3. Tầm soát bệnh gút (gout)

Đây là chứng bệnh gây ra bởi sự tích tụ axít uric trong máu, khiến người bệnh bị đau và sưng ở các khớp, với triệu chứng điển hình là sưng to ở khớp ngón chân cái. Bệnh có thể gây tổn thương khớp nếu không được điều trị, thậm chí bệnh nhân có thể phải phẫu thuật thay khớp một khi bệnh trở nặng.

Nếu xác định bị gút, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng viêm để giảm đau và chống viêm, hoặc uống thuốc hạ axít uric trong máu khi triệu chứng tái phát thường xuyên.

4. Xét nghiệm hàm lượng vitamin D

Nồng độ vitamin D thấp là một yếu tố góp phần dẫn tới loãng xương và gãy xương, còn đối với sức khỏe tâm thần, thiếu vitamin D dễ phát triển chứng sa sút trí tuệ. Theo các chuyên gia, nhiều người bị thiếu loại dưỡng chất này không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng có thể nhận ra qua các dấu hiệu như yếu cơ và đau nhức xương. Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên cũng được xem là một yếu tố nguy cơ mà những người trung niên cần kiểm tra để biết mình có bị thiếu vitamin D hay không. Nếu có, họ sẽ được chỉ định dùng viên uống chứa 10 microgram vitamin D/ngày hoặc bổ sung dưỡng chất này từ các nguồn khác bằng cách phơi nắng sáng, tăng cường tiêu thụ cá có dầu, trứng và ngũ cốc.

5. Kiểm tra tuyến giáp

Phụ nữ ở độ tuổi 50 và 60 dễ bị suy giáp, tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hoóc-môn cho cơ thể. Các dấu hiệu thường gặp gồm mệt mỏi, tăng cân và chán nản. Xét nghiệm máu đo nồng độ các hoóc-môn trong máu – như hoóc-môn kích thích tuyến giáp (TSH) và thyroxin (T4) – là cách duy nhất để đánh giá chính xác chức năng tuyến giáp. Các chuyên gia cho biết, TSH cao và T4 thấp đều cho thấy tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả.

6. Đo vitamin B12

Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu khỏe mạnh mang ôxy đi khắp cơ thể, nhưng khi chúng ta già đi, cơ thể giảm khả năng hấp thu vitamin này. Các triệu chứng do thiếu vitamin B12 bao gồm mệt mỏi, chán ăn và đau đầu.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu vitamin B12 là thiếu máu ác tính, một bệnh tự miễn do cơ thể thiếu một loại prôtêin cần thiết để hấp thu vitamin từ thức ăn, thường gặp ở phụ nữ trên 60. Nếu xét nghiệm máu xác định bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu vitamin B12, bác sĩ sẽ tiêm bổ sung dưỡng chất này cho họ.

7. Kiểm tra sức khỏe tình dục

"Chuyện ấy" không dừng lại ở tuổi 50. Một khảo sát gần đây trên 8.000 người ở độ tuổi ngoài 50 cho thấy gần một nửa trong số họ vẫn "yêu" ít nhất một lần/tuần. Đáng chú ý, số người từ 45-65 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) cũng ngày một tăng. Đó là lý do người trung niên vẫn cần kiểm tra sức khỏe tình dục. Thông thường, HIV và giang mai được xét nghiệm dựa trên mẫu máu, còn bệnh lậu, chlamydia và mụn giộp sinh dục được xét nghiệm thông qua mẫu nước tiểu. Nếu kết quả dương tính với STI, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn biện pháp điều trị, có thể bao gồm thuốc kháng sinh.

TRÍ VĂN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết