18/12/2022 - 09:52

55 năm

những ký ức không phai

 

Bài, ảnh: DUY LỮ

Cách đây gần 55 năm, vào Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã mở Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cùng các đại biểu xem một cụm hiện vật về Tết Mậu Thân 1968 được đặt tại trung tâm của triển lãm ảnh

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cùng các đại biểu xem một cụm hiện vật về Tết Mậu Thân 1968 được đặt tại trung tâm của triển lãm ảnh "55 năm Mậu Thân 1968 - Những ký ức không phai".

Triển lãm ảnh "55 năm Mậu Thân 1968 - Những ký ức không phai" do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp Bảo tàng Quân khu 9 thực hiện, đang diễn ra tại khuôn viên Bảo tàng TP Cần Thơ, đã góp phần phác họa sự kiện lịch sử quan trọng này. Với 60 hình ảnh, triển lãm đã khắc họa những câu chuyện, những ký ức lịch sử của quân và dân TP Cần Thơ nói riêng cũng như Nam Bộ và cả nước nói chung trong kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau 10 năm (1954-1964), Mỹ thế chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam và sau 4 năm (1961-1964) tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức, thực hiện nhiều thủ đoạn và biện pháp, nhưng phía Mỹ vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng miền Nam. Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ bị thất bại nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam; đồng thời, mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm giảm sự chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Bằng sức mạnh của chính nghĩa, quân và dân miền Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ - ngụy. Hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" bị bẻ gãy, Mỹ chịu tổn thất nặng cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm cho thế trận của địch nao núng, tinh thần quân địch sút kém, hàng ngũ địch thêm mâu thuẫn.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1968) xác định: "Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định". Triển lãm giới thiệu hình ảnh tư liệu quý giá là Tỉnh ủy Cần Thơ họp mở rộng tại kinh Năm, ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Lựu, huyện Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ để chuẩn bị kế hoạch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.

Đại biểu Quân đội xem triển lãm ảnh

Đại biểu Quân đội xem triển lãm ảnh "55 năm Mậu Thân 1968 - Những ký ức không phai".

Vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân cách đây 55 năm, quân và dân ta đã bất ngờ đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đánh vào các cơ quan đầu não của địch, các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy, các thành phố, thị xã, đồng thời đánh địch khắp các vùng nông thôn bị tạm chiếm. Tiêu biểu là hình ảnh quân và dân Mỹ Tho nổi dậy giành chính quyền hay hình ảnh đánh địch ở ngoại ô thị xã Vĩnh Long vào Tết Mậu Thân.

Giữ vị trí trọng điểm số 1 của khu Tây Nam Bộ, lực lượng vũ trang Cần Thơ phối hợp lực lượng vũ trang Quân khu 9 theo bốn hướng xuất kích đánh vào nội ô Cần Thơ, nơi có nhiều cơ quan đầu não của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở vùng IV chiến thuật. Quyển "Vòng Cung Cần Thơ Xuân 1968" do Ban Chỉ đạo và Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Hậu Giang xuất bản năm 1992, có đăng bài viết "Quân và dân Cần Thơ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) - Mặt trận Lộ Vòng Cung và TP Cần Thơ" của đồng chí Trần Minh Sơn (Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang). Bài viết có nêu, quán triệt nhiệm vụ, kế hoạch được giao, ngày 28 và 29 Tết, các lực lượng của tỉnh và TP Cần Thơ đã áp sát vành đai thành phố. Chiều 30 Tết, các cánh quân triển khai thần tốc vượt lộ Vòng Cung bằng nhiều hướng: Rạch Sung, Xà No cạn và Trường Tiền, tiến vào chiếm lĩnh vị trí xuất kích.

3 giờ sáng ngày mồng Một Tết, đội biệt động thành phố phối hợp Tiểu đoàn Tây Đô đánh vào đơn vị cảnh sát dã chiến ở cầu Đầu Sấu, mở đường cho Tiểu đoàn Tây Đô tấn công theo kế hoạch đã định. Tiểu đoàn Tây Đô triển khai lực lượng trên quốc lộ 4 từ ngã ba Đầu Sấu đến ngã ba đường Tự Đức (nay là Lý Tự Trọng), từ đó triển khai làm hai mũi. Mũi thứ nhất đánh vào trung tâm đầu não của Mỹ gồm có Tòa lãnh sự, cơ quan tình báo của Mỹ trên đường Hùng Vương - Bến xe mới... Mũi thứ hai đánh theo đường Tạ Thu Thâu (nay là đường Mậu Thân) từ cầu Tham Tướng đến cầu Rạch Ngỗng, tiến ra ngã ba Tự Đức (Lý Tự Trọng) đến khu III - Đại học Cần Thơ. Trên tuyến này ta chiến đấu giằng co ác liệt, giành từng căn phố với địch.

Sau 4 ngày chiến đấu ác liệt, đến ngày mùng 5 Tết, ta tạm thời rút ra và trụ lại vùng ven theo lộ Vòng Cung củng cố lực lượng, chuẩn bị cho đợt tiếp theo, đồng thời tiếp tục pháo kích vào các cụm cứ điểm của địch. Đến ngày mồng 7 Tết và mồng 8 Tết, ta lại tiếp tục tấn công địch, không chỉ ở chiến trường trọng điểm mà trên diện rộng, quần chúng nổi dậy cùng lực lượng vũ trang đồng loạt tấn công bao vây đồn bót giành quyền, làm chủ ở cơ sở, đặc biệt là thị xã Vị Thanh, thị trấn Ô Môn, Phụng Hiệp, Phong Điền, Long Mỹ, Kế Sách...

Sau 3 đợt tấn công vào nội ô Cần Thơ, lực lượng ta tạm thời rút ra khỏi nội ô, bám trụ địa bàn Vòng Cung và địa bàn tiếp giáp, tiếp tục vừa đánh phản kích vừa bằng mọi hình thức tiếp tục tấn công vào đầu não, kho tàng của địch. Trong quá trình Tổng tiến công và nổi dậy từ Tết Mậu Thân đến tháng 2-1968, rồi tháng 5-1968, quân dân Cần Thơ phối hợp với lực lượng Khu đã loại khỏi vòng chiến đấu 25.000 tên địch, trong đó có hàng trăm tên Mỹ, thu 600 súng các loại; diệt và bức rút 56 đồn bót, phá hủy 288 máy bay, đánh chìm hàng chục tàu chiến. Giải phóng 4 xã với 10.000 dân.

Với những chiến công đó, Cần Thơ đã góp phần làm phá sản "Chiến tranh cục bộ", buộc chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Những chiến công của quân dân ta từ năm 1968 đến năm 1972 đã buộc Mỹ ngồi vào bàn Hội nghị tại Paris đầu năm 1973 để bàn về việc chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tại triển lãm, khách được xem nhiều hình ảnh quý như chiến sĩ thông tin chuyển tin chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 về Đài Phát thanh giải phóng; Bộ đội chào mừng thắng lợi của Chiến dịch Mậu Thân.

Hiệp định Paris về Việt Nam là văn bản pháp lý buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho ngày toàn thắng 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Khách được xem hình ảnh mít tinh mừng TP Cần Thơ hoàn toàn giải phóng, ngày 15-5-1975 với không khí hân hoan, náo nức.

55 năm đã trôi qua, nhưng ký ức Tết Mậu Thân 1968 vẫn không phai nhòa, vẫn mãi là trang sử vàng của dân tộc ta, của quân và dân Cần Thơ anh hùng. Triển lãm ảnh "55 năm Mậu Thân 1968 - Những ký ức không phai" giúp khách tham quan lần giở những trang sử ấy, để thêm tự hào truyền thống dân tộc, trân quý giá trị hòa bình và sống xứng đáng với thế hệ cha ông. 

-----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1968);

- "Vòng Cung Cần Thơ Xuân 1968", Ban Chỉ đạo và Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Hậu Giang xuất bản, năm 1992.

Chia sẻ bài viết