29/08/2017 - 10:12

53 năm “muối mặn gừng cay” 

Đó là câu chuyện tình yêu của ông Lê Văn Hảo và bà Phạm Thị Xuân (khu vực 4, phường Trà An, quận Bình Thủy). Ông bà đồng lòng vượt qua không ít khó khăn, vất vả thời chiến tranh và nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền thường nhật để cùng nuôi dạy các con nên người. Cảm động hơn cả là chuyện cụ ông 80 tuổi ngày đêm cận kề, tự tay chăm sóc, thuốc thang cho vợ bệnh tai biến hơn 10 năm qua…

Ông Lê Văn Hảo tận tình chăm sóc vợ bị bệnh hơn 10 năm qua.

Dân gian có câu “thất thập cổ lai hi”, thế nhưng khi ở tuổi “xưa nay hiếm” lẽ ra phải được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, ông Hảo càng thêm tất bật. Với lịch trình một ngày dày đặc, sáng sớm dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc việc vệ sinh, ăn uống của vợ; chuẩn bị và đưa 3 cháu nội, ngoại đến trường; đi chợ, nấu nướng…, sau đó đến cơ quan làm việc. Ông Hảo bộc bạch: “Đó là chuyện mấy năm trước, khi tôi còn công tác ở phường và những lúc các con bận bịu học tập, công tác. Còn giờ đây tuổi tôi đã cao, các cháu khôn lớn, không còn bận rộn nữa…”.

Quê huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, năm 1954, 17 tuổi, ông Hảo nhập ngũ và tập kết ra Bắc. Sau đó, ông theo đoàn quân Nam tiến chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tại đây, năm 1964, ông Hảo gặp gỡ và kết hôn với bà Xuân. Sau đó, bà Xuân gia nhập Đại đội Quân y. Các con lần lượt ra đời, bà Xuân phục viên ở nhà chu toàn việc nội trợ, chăm con, phát triển kinh tế gia đình để chồng an tâm công tác. Năm 1988, ông Hảo làm Chủ nhiệm Chính trị Cục Kỹ thuật Quân khu 9. Năm 1998, ông nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá. Ít lâu sau, địa phương vận động và ông Hảo tham gia công tác tuyên giáo phường Trà Nóc suốt 16 năm. 

Ông Hảo chia sẻ: “Những năm tháng chiến tranh, tôi công tác xa nhà biền biệt, một mình vợ tôi lo liệu, quán xuyến việc nhà. Khi hòa bình lập lại, cũng một tay bà vất vả làm lụng, vừa trồng trọt, chăn nuôi, vừa dành dụm chăm lo các con ăn học thành tài”. Hiện con trai lớn Lê Chí Thảo, là kỹ sư Xưởng 201 Quân khu 9; anh Lê Chí Trung là Thượng tá Quân đội, Phó Chủ nhiệm Chính trị Cục Kỹ thuật Quân khu 9 và con gái út Lê Thị Xuân Phượng, bác sĩ Bệnh viện Quân y 121.

Những tưởng sau khi các con yên bề gia thất, ông bà sẽ được an hưởng tuổi già. Năm 2006, bà Xuân chẳng may bị bệnh tai biến, nằm một chỗ  mấy tháng trời. Ông Hảo ngày đêm cận kề chăm sóc bà. Ông Hảo chia sẻ: “Tuy bệnh tai biến nhiều năm, đi lại khó khăn nhưng tinh thần vợ tôi rất minh mẫn. Khi tôi đi làm, bà ở nhà một mình. Lúc về, vợ chồng tâm sự, chia sẻ chuyện vui buồn trong ngày”. Chia sẻ về tình cảm keo sơn gắn bó của hai vợ chồng hơn 50 năm qua, bà Xuân cười mộc mạc: “Có lúc, tôi tưởng không vượt qua bệnh tật. Nhờ ông xã ngày đêm kề cận, chăm sóc, giúp tôi lạc quan, tìm thấy niềm vui cuộc sống, an tâm điều trị”.

Trân trọng tình yêu nồng thắm 53 năm, ông Hảo đúc kết: “Thước đo tình cảm vợ chồng không chỉ khi hạnh phúc, vui sướng bên nhau mà là lúc gắn bó cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Tình cảm ấy thật đáng trân quý”.

Bài, ảnh: TUỆ ANH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ông Lê Văn Hảo