08/02/2015 - 09:51

5 dạng ung thư phổ biến nhất ở trẻ em

Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca ung thư mới ở trẻ em với 80% trường hợp ở các nước kém phát triển. Dưới đây là danh sách những loại ung thư thường gặp nhất và phương pháp nhận biết sớm mà các bậc cha mẹ cần biết để giảm thiểu nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng.

Bệnh bạch cầu (ung thư máu)

Đây là hình thức ung thư phổ biến ở trẻ em. Căn bệnh này xuất hiện khi bạch cầu được sản xuất nhiều hơn cần thiết nhưng không đóng vai trò bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng. Ngược lại, chúng tích tụ, can thiệp và làm ảnh hưởng tới hoạt động của tế bào khác như hồng cầu và tiểu cầu.

Trong đó, bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL – thể ác tính) và ung thư bạch cầu dạng tủy cấp (AML) là hai loại thường gặp nhất. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là các cơn đau ở xương và khớp. Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi, kém chơi, da xanh xao, chảy máu, sụt cân đột ngột và sốt cao cũng thường gặp ở trẻ từ 2 - 5 tuổi.

Ung thư não

Là dạng ung thư dễ gặp ở trẻ em khi tế bào ung thư phát triển quá nhanh trong các mô thần kinh tạo thành khối u não ác tính. Hầu hết các khối u này bắt đầu từ phần dưới của não, chẳng hạn tiểu não hoặc cuống não. Chúng cũng có thể là nguyên nhân khiến bé bị nôn mửa, mờ mắt, nhức đầu, yếu tay chân khiến việc cầm nắm trở nên khó khăn hơn.

Dạy trẻ cách sống lành mạnh là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư. Ảnh: Health Me Up

 

Ung thư nguyên bào thận

Còn gọi là khối u Wilms, bệnh phát triển khi các tế bào ung thư thận ác tính phát triển và phân chia không kiểm soát, sau đó tích tụ tạo thành một khối u. Thông thường, u Wilms ảnh hưởng nhiều nhất ở trẻ em từ 3 đến 4 tuổi và ít phổ biến hơn ở trẻ sau 5 tuổi.

Với tỷ lệ chiếm 5% ung thư ở trẻ em, các bậc phụ huynh nên lưu ý một số triệu chứng chẳng hạn xuất hiện khối u hoặc sưng vùng bụng, có thể gây đau hoặc không, kèm theo đó là tình trạng sốt, buồn nôn và chán ăn.

U nguyên bào thần kinh

Bệnh bắt đầu từ tế bào thần kinh trong một số khu vực của cơ thể và ảnh hưởng nhiều đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng hiếm xảy ra ở bé trên 10 tuổi.

Trong đó, khối u có thể xuất hiện bất cứ nơi nào nhưng thường phát sinh trong và xung quanh các tuyến thượng thận, một số khu vực chẳng hạn bụng, cổ, ngực và xương chậu. Tùy từng phần của cơ thể bị ảnh hưởng, nhưng biểu hiện chính của bệnh thường là xuất hiện khối u dưới da, gây sốt và đau xương.

Ung thư xương

Có 2 loại ung thư xương. Trong đó, bệnh bắt đầu từ xương gọi là ung thư xương nguyên phát và xuất hiện đa phần ở trẻ em hơn người lớn. Trường hợp thứ hai ngược lại thường xảy ra ở trẻ lớn và thanh thiếu niên là ung thư xương di căn, nghĩa là bệnh bắt đầu ở những nơi khác của cơ thể và sau đó lây lan đến xương.

Thể phổ biến nhất của bệnh ung thư xương nguyên phát xảy ra ở trẻ em là sacôm xương (u xương ác tính) và sacôm Ewing. Trong đó, sacôm xương xảy ra trước hết trong các mô xương đang phát triển (phần đầu dưới xương dài ở chân hay cánh tay) và gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên với biểu hiện là các cơn đau xương về đêm hay lúc hoạt động thể dục.

Cũng gần giống u xương ác tính, sacôm Ewing chủ yếu ảnh hưởng thanh thiếu niên nhưng thường xuất hiện ở chân, ngực hoặc khung xương chậu.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ bị ung thư ở trẻ em?

Theo các chuyên gia, phần lớn ung thư ở trẻ nhỏ đều có liên quan đến lối sống. Do đó, các bậc phụ huynh có thể ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh bằng cách dạy bé tuân thủ lối sống lành mạnh; chẳng hạn khuyến khích chúng ăn nhiều trái cây tươi và rau quả vốn là loại thực phẩm chứa chất chống ôxy hóa, giàu vitamin cùng khoáng chất, giúp bảo vệ cơ thể chống lại những yếu tố gây hại cho sức khỏe.

Ngoài nâng cao tầm quan trọng của hoạt động có ích như rèn luyện thể chất, gia đình cũng cần giáo dục cho bé về những tác hại từ môi trường, ví dụ như tránh tiếp xúc nhiều với tia cực tím hay ảnh hưởng của việc hút thuốc chủ động lẫn thụ động.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Health Me Up)

Chia sẻ bài viết