14/07/2024 - 08:38

2 thế kỷ chùa Long Quang 

Trong suốt 2 thế kỷ qua, chùa Long Quang, nay là Tổ đình Long Quang, tọa lạc tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, luôn đồng hành cùng lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Cần Thơ. Di tích này còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, công trình nghệ thuật độc đáo, là tài sản văn hóa quý báu của thế hệ hôm nay và mai sau.

Tổ đình Long Quang.

Theo Thượng tọa Thích Bình Tâm, Trưởng Ban Quản trị Tổ đình Long Quang, chùa Long Quang do Hòa thượng Liễu Huệ - Thiện Quyền thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37 khai sơn vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Ban đầu chùa là ngôi am tranh, đến năm 1835, Hòa thượng cho xây dựng thành chùa và đặt tên là Long Trường Tự. Năm 1875, Hòa thượng Quảng Hiền, húy Liễu Phổ làm trụ trì, trùng tu lại chùa và đổi tên thành Long Quang Tự.

Năm Đinh Hợi 1887, chùa Long Quang được trùng tu hoàn thành, bấy giờ có Giáo thọ Phổ Minh ở chùa Hội Phước, Nha Mân (Đồng Tháp) hỷ cúng một đại hồng chung nặng 200kg. Sau khi Hòa thượng Quảng Hiền viên tịch, Hòa thượng Từ Quang, húy Ngộ Cảm, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39, là đệ tử của Hòa thượng Phước Định, chùa Liên Trì, về tiếp nhận và làm trụ trì. Tiếp sau Hòa thượng Từ Quang là các đời trụ trì: Hòa thượng Trí Thới (1924), Hòa thượng Chơn Khánh (1964), Đại đức Thích Bình Tâm (1992).

Chùa Long Quang có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Theo tác giả Lê Minh Phán trong bài “Long Quang Cổ Tự” in trong “Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy - Long Tuyền” (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005): “Có thể nói chùa Long Quang đã cống hiến một phần lớn tài sản cho cách mạng trong giai đoạn đánh Pháp, giành độc lập cho dân tộc”. Năm 1945, với phong trào “Tiêu thổ kháng chiến”, Hòa thượng Trí Thới cùng đồng bào địa phương tháo dỡ toàn bộ ngôi chùa lấy cây gỗ, gạch đá làm cảng ngăn giặc và hiến đại hồng chung để lấy đồng làm đạn. Quả đại hồng chung nặng 200kg và các bệ tứ khí bằng đồng thau của chùa đã được mang đến Công binh xưởng Khu 9 để chế tạo vũ khí đánh giặc.

Bộ tượng La Hán bằng gỗ ở Tổ đình Long Quang.                                          

Điểm ghi dấu nữa của chùa Long Quang là lưu giữ bộ tượng gỗ rất giá trị. Năm 1922, Hòa thượng Từ Quang đã rước nhóm thợ, đứng đầu là ông Tài Công Kiềm, về tạc tượng bằng gỗ căm xe. Tổng cộng có 50 tượng, trong đó bộ Thập Bát La Hán có giá trị nghệ thuật rất cao. Trên tay mỗi vị đều cầm bửu bối khác nhau, tượng trưng phẩm hạnh, đức độ hoặc phương tiện mà các vị chứng quả. Các con vật cưỡi của các vị La Hán đều là thú dữ, nhưng ở tư thế nằm sát xuống đất với vẻ quy thuận tuyệt đối vị chủ nhân ngồi trên mình nó. Dù mỗi vị ngồi với tư thế khác nhau, thú cũng đa dạng về chủng loài (hổ, nai, rồng, mèo, trâu, dê, báo...) và cũng có nhiều tư thế khác nhau, nhưng cả chủ nhân và con vật đều được thể hiện một cách uyển chuyển, mềm mại trong từng tư thế, cử chỉ, nét mặt và ánh mắt nhìn (theo “Di tích Lịch sử - Văn hóa TP Cần Thơ”, Ban Quản lý Di tích TP Cần Thơ, 2019). Tất cả các bức tượng đều được thực hiện từ danh mộc nguyên khối chứ không phải chắp ghép từng phần. Những chi tiết nhỏ nhất như mắt, ngón tay hay các góc cạnh y phục của các bức tượng… đều được chạm trổ tỉ mỉ, sống động. Đối tượng thờ chính của chùa Long Quang là Phật Thích Ca, bên cạnh nhiều tượng thờ khác như Long Vương, Ngọc Hoàng, Chuẩn Đề, Địa Tạng, Giám Trai, La Hán. Để ghi dấu giá trị nghệ thuật bộ tượng gỗ của chùa Long Quang, ngày 21-6-1993, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng Chùa Long Quang - Di tích Nghệ thuật cấp Quốc gia.

Về liễn đối và hoành phi ở chùa Long Quang, tuy không nhiều nhưng câu nào ý nghĩa cũng cao sâu, mang tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật. Trừ cặp đối ngoài cổng Tam Quan đúc bằng xi măng, còn các cặp khác trong chùa đều là liễn múc, sơn son thếp vàng, đường nét uyển chuyển, đẹp đẽ (theo Lê Minh Phán, bđd).

Những pho tượng gỗ được chạm trổ rất tinh xảo.

Một dấu ấn đặc biệt nữa là chùa Long Quang hiện còn lưu giữ một văn bản chứng minh địa danh Bình Thủy ra đời từ rất sớm. Cụ thể, nhiều người vẫn lý giải địa danh Bình Thủy bằng giai thoại: Năm Tự Đức thứ 5 (1852), quan Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt ngồi thuyền tuần thú vùng đất Long Tuyền, vừa đến cồn Linh thì gặp phải trận cuồng phong, sóng to gió lớn khiến ai nấy đều kinh hoàng. Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt cùng tùy tùng bèn ghé vào một dòng sông, nơi có sóng yên nước lặng. Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt mới đặt tên cho chỗ này là Bình Thủy.

Tuy nhiên, theo tờ bẩm được lưu giữ tại chùa bằng chữ Nôm, có nội dung được dịch như sau: “Tôi là Võ Văn Quyền trụ trì chùa Long Trường, niên canh Đinh Tỵ (39 tuổi), quán làng Bình Thủy, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, bẩm rõ cho quan xét soi rằng: Do nhân duyên nên vào năm Gia Long thứ 6 (1807), tôi thọ trì giáo pháp với Thượng tọa Thiên Ân ở chùa Linh Quang, đến năm Gia Long thứ 13 (1814), tôi phát nguyện thế độ (xuống tóc), qua năm Gia Long thứ 16 (1817) tôi được nhận vào tăng giới. Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) tôi trở về bổn quán là làng Bình Thủy, tự thân tạo lập một tòa am nhỏ để tu hành. Từ đó có tiểu tăng theo học... Tính đến nay chùa này là nơi tu hành và truyền đạo được 15 năm. Gần đây, người trong thôn thường tới hỏi giấy tờ ngôi chùa. Vì thế, tôi phải bẩm trình đầy đủ để xin văn phê cho tôi làm bằng hầu tăng và tăng chúng tiện việc tu hành. Cúi bẩm! Tháng 10, năm Minh Mạng thứ 16 (1835). Võ Văn Quyền (điềm chỉ)”. Trước khi đơn này được Tuần phủ An Giang đóng dấu chấp nhận, Tri huyện Vĩnh Định phê ngày 9-10-1935 với nội dung: “Nhìn nhận đây là nơi thừa phượng cũ và cho ghi vào hồ sơ cho phép Tăng duy trì như cũ. Vì “Vương pháp dữ đồng Phật pháp” (Pháp vua cũng là pháp Phật) (theo Lê Minh Phán, bđd). Thiết nghĩ, đây là căn cứ khoa học và đủ tin cậy để khẳng định, ngay từ năm 1835 đã có làng Bình Thủy, thuộc huyện Vĩnh Định.

Như câu đối ngoài cổng chùa:

“Long đức phổ thập phương, Phật đạo hoằng thâm chánh giáo

Quang minh siêu tam giới, Thiền lâm quãng nhuận chân truyền”

Căn cứ các quy định của Giáo hội, chùa Long Quang đã đệ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và được sự chấp thuận chính quyền địa phương, chuyển đổi danh xưng từ chùa Long Quang thành Tổ đình Long Quang vào năm 2023.

2 thế kỷ trôi qua, trải bao biến thiên cùng tuế nguyệt, chùa Long Quang vẫn rạng ngời ánh đạo, đồng hành cùng dân tộc.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

 

Chia sẻ bài viết