06/07/2022 - 19:43

1C - con đường huyền thoại

 

♦Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi sáu

TẬP HUẤN BỘ ÐỘI MIỀN BẮC

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021

2.Trước tình hình chung, có thuận lợi và cũng có trở ngại cụ thể, Cục Hậu cần Quân khu 9 nhận lịnh của Bộ Tư lịnh Quân khu, tăng cường khung lãnh đạo cho Ðoàn 195. Ðồng chí Ba Tô làm Tham mưu trưởng. Ðồng chí Ba Xuân làm Trung đoàn phó. Dự kiến tiếp nhận thêm 10.000 quân và hàng ngàn tấn vũ khí đạn dược. Hành quân từng tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 360 quân, mỗi người mang 2 súng vượt biên giới Vĩnh Tế về miền Tây để góp sức chuyển biến tương quan địch ta. Tại vùng kho bãi đất “K” ta xây dựng căn cứ Núi Mây - ở vùng núi Kranliêu. Thành lập đại đội quân trang, ngày đêm may võng, mùng, nón tai bèo, ruột tượng, khăn choàng tắm. Tới trạm đầu cầu này, ta thay đổi toàn bộ trang phục cho bộ đội (mỗi đồng chí 2 bộ đồ ni lông dầu, 2 sơ mi tay dài có 2 túi nắp như chiến sĩ miền Tây). Tổ chức một đại đội lương khô gồm 200 nữ, sản xuất lương khô cho mỗi chiến sĩ đủ ăn 15 ngày, để từ Vĩnh Tế về Châu Thành B - Rạch Giá, tuyệt đối không được nấu nướng cả ngày đêm. Không được tắm, giặt, rửa mặt, đánh răng vì người đông ra đìa lấy nước, giẫm nát cỏ, lộ, máy bay đổ quân đánh ngay.

Hai Nô bàn:

- Ta cần có một bộ phận sản xuất lương khô, tôi tự giác nhận nhiệm vụ đi học làm cơm sấy ở “R”. Còn đồng chí Năm Phi - Phó Liên đội, phụ trách Ðại đội làm lương khô gồm hơn 200 đồng chí nữ. Năm Phi thấy thế nào?

Năm Phi:

- Việc gì của Ðảng và tập thể phân công thì tôi xin nhận và cố gắng cùng tập thể hoàn thành!

Hai Nô:

- Còn xúc xích - một thức ăn chế bằng thịt, do chị Mười Pho học ở Trung Quốc về chế lại, nhưng không thành công. Ta đi mua bò, heo và gà vịt lấy thịt nạc xào khô, vô bọc nhỏ theo cách chế lương thực cổ truyền cho bộ đội mang theo.

Những dự kiến được bàn ở hội nghị này, trên thực tế không đạt được kế hoạch. Hai Nô học làm cơm sấy thất bại, đổ nước vào gạo không nở thành cơm. Còn xúc xích thì học một tuần coi như không biết gì cả, công thức chế xúc xích phức tạp, làm lương khô khá phức tạp, ta lại không có máy nghiền, nguyên liệu là nếp lứt, mè đen, đậu xanh, đại táo mà ta không có lò điện hấp. Cuối cùng ta nhờ dân giã 70 tấn cốm giẹp. Mấy bà má và lực lượng thiếu nữ Khmer trong vùng tập trung đến giúp ta làm cốm giẹp ầm ì ngày đêm.

Bảy Nông hỏi:

- Tiêu chuẩn của mỗi anh em trên quy định thế nào, anh Hai?

Hai Nô:

- Mỗi chiến sĩ ngày 1 lít cốm giẹp, 400 gram; thịt khô 300 gram, hột é 50 gram, đường 200 gram. Ta dồn vô một ruột tượng lớn, đủ 15 ngày ăn cho một người, khá nặng nề

3. Trong khuôn viên khoáng đạt của Trường Ðại học NG mà ta được bạn cho phép sử dụng để làm doanh trại và nơi tập luyện. Thời điểm này Trường Ðại học NG trở nên khu căn cứ độc đáo của chúng ta để tập huấn chiến sĩ mới và thu xếp chu toàn cho họ trên đường hành quân về Nam chiến đấu. Lực lượng phục vụ và huấn luyện của Ðoàn 195 và Liên  đội I thanh niên xung phong bao gồm hàng tiểu đoàn cũng được tập trung về đây.

Ðồng chí Tư Khánh:

- Báo cáo các đồng chí, ta hạ khoa mục huấn luyện cho tân binh Bắc - Nam trong 4 tuần gồm các khoa mục: Một: đi cầu khỉ - bắc cầu khỉ trong rừng, cho anh em tập đi. Hai: bơi lội sông rạch - tận dụng hồ bơi của Trường Ðại học NG tại đây rất rộng và sâu, ta tha hồ tập, nhưng đề phòng có đồng chí bị chết chìm. Ba: chỉ cách buộc phao bơi bằng ni lông; nam TNXP tập trung làm trinh sát dẫn đường, 3 đồng chí dẫn 1 tiểu đoàn; điểm dẫn qua lộ Cái Sắn xong giao cho đơn vị bạn tiếp nhận rồi quay trở về đây dẫn đoàn tân binh kế tiếp. Tôi hạ đạt mệnh lệnh như vậy, các đồng chí rõ chưa?

Tất cả hô:

- Rõ!

Bấy giờ mối quan hệ nam nữ, giữa chiến sĩ miền Bắc vào Nam và lực lượng thanh niên xung phong của Liên đội I ngày càng thân mật khắng khít. Tuổi trẻ của các chiến sĩ cầm súng vì tình yêu Tổ quốc ở nơi đây được phong cảnh trời nước và núi sông thi ca hóa. Họ đưa nhau ra tận nơi thực tập các khoa mục. Khoa mục chống xuồng mõ trên đồng nước hoặc kinh rạch làm các chàng trai tân binh trong đơn vị chủ lực té lộn nhào mỗi ngày không biết bao lần, mà lần nào thì các cô nữ huấn luyện viên như Hồng, như Ánh, như Hoa, như Thắm, như Tâm, như Nguyệt, như Bé… cười lăn cười bò. Các tân binh:

- Chu choa ơi, cái thuyền chi mà nó lắc, nó quơ còn hơn trứng vịt lộn nên em cứ lộn nhào như đi phi thuyền Apollo của tập đoàn NASA Mỹ!

Cô Thắm:

- Anh đứng hai cái chân dạng ra cho vững vàng như em vậy thì làm gì mà “ngã” được!

- Thì cô dạy sao chúng tôi làm hệt vậy, mà vẫn “té” tới “ngã”. Chiều nay quần áo đâu mà bận để đi liên hoan văn nghệ ở hội trường.

Cô Tám:

- Lo gì, chiều tụi em cho mượn quần áo, tha hồ mà mặc đẹp, còn có duyên dáng nữa!

- Ối giời ơi! Các cô là con rái, vóc dáng thế ni, sao mà chúng tôi mặc được.

Cô Thắm:

- Thì choàng khăn dù múa à-day với tụi em cũng được có sao!

- Không được đâu, khăn dù trơn tuột, lỡ nó sút ra thì làm sao?

Cô Tám:

- Thì cũng vậy thôi chớ làm sao! Nãy giờ mấy anh té đùng đùng, quần áo ướt hết, thì cũng như không có quần áo trong người vậy, tụi em thấy hết rồi còn gì mà xấu hổ nữa?

Cứ như vậy các cô chú trả treo, đùn đẩy nhau vui vẻ, trào lộng… quên hết cuộc chiến tranh khốc liệt đang chờ họ ở chiến trường bên kia biên giới. Họ đang đem tuổi thanh xuân từ những làng xa, xóm vắng, có ngõ trúc quanh co để đến với đồng lầy và sông rạch chằng chịt đầy hiểm trở của miền Tây Nam cuối trời Tổ quốc. Có ai ngờ một lần đến đó, rồi còn bao người sống sót để trở về cố hương sau chiến thắng. Vậy mà họ vẫn nô đùa, chọc ghẹo nhau, nguýt háy và xí gạt để chọc quê nhau rồi cùng nhau cười lăn cười bò, cười ra nước mắt, cười ngày này sang ngày khác… cho đến lúc nhận lương khô, vác súng lên vai hành quân để thật sự trở thành người lính chiến trong một cuộc chiến tranh dữ dội nhất thế giới vào nửa cuối thế kỷ XX.

Thắm:

- Anh Tiên ơi, anh có biết trái gì đây hôn?

- Quả đó hả? Chu choa ơi, xứ anh thiếu cha gì!

- Mà trái gì anh nói đi?

- Trái hồng nhám đó (trái sa bô chê) đưa anh coi.

- Ngọt lắm - Thắm nói gạt - anh đừng cắn của em à nghen!

Tiên vừa cầm trái sa bô non, đã cắn, liền nhăn mặt, ói:

- Giời ơi chết ông rồi, nó chát nghẹt cổ! Cái trái chi vậy nè!

- Thì trái hồng nhám của anh đó!

- Sao cô nói ngọt. Nó chát ngắt mà!

Ðó rồi họ không giận nhau mà cười vui như không gian tình bạn của lứa tuổi không biên giới. Những chiến sĩ trẻ gặp phải một đàn con gái Nam Bộ vui tính và rắn mắc, chọc phá các chàng trai từ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã vì miền Nam thân yêu nhập ngũ đến đây, làm cho các chàng trai từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, cứ bị các cô có trình độ văn hóa lớp 3, lớp 4, lớp 5, lớp 6 gạt mình liên tục, trong khi các chàng trai đã qua lớp 11, 12 hoặc là đã vào đại học… vậy mà họ yêu nhau.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết