04/06/2022 - 20:47

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương năm mươi bốn

T95 Ở NHỜ ĐẤT BẠN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Sau khi cùng với Năm Phi, Sáu Mạnh và một số người ở văn phòng Liên đội cũ vượt biên giới, tháp tùng cùng chuyến đi nhận hàng của các đại đội vận chuyển… Hai Nô đã đến vùng Kirivong - Túc Mía… an toàn. Mới chiều hôm qua, Hai Nô may mắn gặp chú Tư Mau - Phan Văn Nhờ, ngồi ghe ông bà Chín Chất đến Sóc Chuốt chở vũ khí và đạn dược từ kho trung chuyển trên đất bạn về nước. Lúc chú Bảy Bình chỉ dẫn cho ông bà Chín chất dưa hấu và bí đao xuống sạp ghe để nghi trang qua mắt giặc, thì chú Tư Mau tranh thủ chỉ thị trực tiếp cho T95 của Hai Nô phải quan hệ với địa phương sở tại tốt, phải bảo vệ kho bãi và giữ gìn bí mật. Phải đoàn kết nội bộ, phải gương mẫu đối với cán bộ cấp dưới và chiến sĩ. Quan trọng hơn, chú Tư Mau dặn Hai Nô phải chuẩn bị để tiếp tục đón nhiều đợt bộ đội miền Bắc chi viện cho miền Tây tiếp theo liên tục…

Hôm nay, nhân ngày Chôl Chnăm Thmây, tức ngày Tết cổ truyền của người Campuchia, chú Tư Khánh và chú Bảy Bình cùng rủ Hai Nô đến các ngôi chùa chào các vị sãi cả và đốt nhang đảnh lễ Phật. Chú Tư Khánh bày tỏ:

- Thưa Sư cả, Quân giải phóng và cán bộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chúng tôi kính trọng nền văn hóa và truyền thống tôn giáo rạng rỡ tôn nghiêm của Campuchia, cũng như sự biết ơn đối với Quốc trưởng Norodom Sihanouk cùng các vị trong Chánh phủ vương quốc quý mến. Chúng tôi thán phục và chiêm ngưỡng thành phố Ăng-co Thom, Ăngco Vat là kỳ quan thế giới được xây ở Xiêm Rệp dưới thời Yaxovacman - thời quốc gia Khmer cực thịnh.

Sư cả đáp lời:

- Bần tăng hân hạnh đón ông Tư và quý vị đến kính viếng Phật và thăm chùa. Campuchia là đất nước chùa tháp, với nhiều truyền thuyết lấy tên nàng Mê-ra - có nghĩa là Khmer và sau đó còn có một nền văn hóa được gọi Môn Khmer lâu đời ở đảo Indochina, có liên hệ đến lưu vực sông Hằng, miền Bắc Ấn, theo quân đội của Kanudinya, tràn xuống chinh phục Phù Nam và người Khmer vào cuối thế kỷ IV.

Chú Bảy Bình:

- Thưa Sư cả, theo sử Khmer thì vua Giayavacman I chết, vương quốc rộng lớn mà không con trai nối ngôi, Hoàng hậu Giayađêvi lên ngôi, song không đảm đương nổi việc cai trị vương quốc. Nhiều quốc gia nổi dậy, cả miền Đông Á gồm những nước Srivigiaya ở Xumatơra, nước Đơvaravati ở Miến Điện, nước Sailendơra ở Giava… thấy vương quốc Chân Lạp rộng lớn và giàu có, gợi lòng tham của họ - thế là những cuộc chiến tranh đầu thế kỷ VIII nổ ra trên đất Khmer loạn lạc, hỗn chiến dữ dội, phá hoại sự thống nhất từ hai thế kỷ trước…

Nhà sư:

- Như các vị đã biết, nhất là chú Bảy Bình và chú Tư đây, am hiểu lịch sử Khmer như người Khmer chính thống vậy, những năm cuối đời vua Vacman II đối đầu với những cuộc phản loạn của những tướng lĩnh mình. Sau khi ông chết, năm 1066, em ông là Hacxavacman III kế ngôi phải chấp nhận cuộc nội chiến. Quân Champa và quân Khmer liên kết nhau theo yêu cầu nhà Tống nước Tàu đem quân đánh Đại Việt - thời nhà Lý. Một vị tướng tài của Đại Việt bấy giờ là Lý Thường Kiệt đánh bại quân Tống, nên cánh quân này phải rút lui.

Chú Tư Khánh:

- Nói về vua Giayavacman VI - người sáng lập triều đại mới thống trị Campuchia nhiều thế kỷ, cũng là một nhà kiến trúc lỗi lạc. Ông xây dựng khu danh thắng Bắc Campuchia quê ông, những ngôi đền như Pơnông Chiso, đền Pơnông Sandao, đền Vatphu, đền Prếtvihia… và xây kinh đô Ăng-co có khu đền Porat Pithu, đền Bantây Sâmrây. Ở Côngpôngxvây có khu đền Prat Khan và nhiều đền chùa khác khắp nơi trên đất nước.

Nhà sư:

- Chính vua Giayavacman VII là người hồi sinh đất nước bị giầy xéo trở thành cường thịnh và rộng lớn hơn. Trường Bát Cổ Viễn Đông của Pháp, các nhà khảo cổ học G. Coedè, L. Finot, G. Mapérô… là những người tìm thấy và dịch lại những văn bia bút tích nằm rải rác khắp Campuchia mới rõ công đức của vua Giayavacman VII. Đời vua này, sức sáng tạo vĩ đại, tài ba thể hiện qua khu đền Bantây Chơma hùng vĩ nhất, đẹp nhất nước Campuchia. Nhắc lại lịch sử này để các vị thông cảm đất nước chùa tháp chúng tôi nhận ảnh hưởng Phật giáo và nền văn minh tối cổ Bắc Ấn - Môn Khmer, tha thiết yêu chuộng hòa bình, và giữ trọn nghĩa tình lân bang với đất nước Việt Nam anh em.

Chú Tư Khánh:

- Thưa Sư cả và thưa các quý vị chức sắc chức việc cùng Chánh quyền địa phương sở tại. Miền Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng, chúng tôi đang tiến hành cuộc chiến đấu quang minh chính đại, chống Mỹ ngụy để giải phóng nửa nước, và thực hiện thống nhất Tổ quốc, để đời đời làm bạn với nước Campuchia anh em. Hiện nay, trên phần đất này, chúng tôi được phép của Đức vua, của Thủ tướng chính phủ Hoàng gia và của Mê-col - vua Sãi, cũng như các vị Đại đức, Hòa thượng chân tu cùng chánh quyền địa phương và bà con bổn sóc… cho chúng tôi lưu trữ hàng quân sự và lương thực của miền Bắc xã hội chủ nghĩa - nửa nước thân thương, và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới chi viện. Vì Mỹ và ngụy Sài Gòn muốn truy đuổi để tiêu diệt chúng tôi và hủy phá những kho bãi tàng trữ vũ khí đạn dược nói trên, nên chúng tôi buộc lòng phải chiến đấu. Mà muốn đánh thắng kẻ thù chung của 3 dân tộc Đông Dương chúng ta - như Samdech Sihanouk đã từng nói, thì người Đông Dương phải coi nhau như ruột thịt, cùng chung kẻ thù là đế quốc xâm lược và bọn tay sai của chúng, 3 nước cùng Samaki-toxu - nghĩa là cùng đoàn kết đấu tranh mới thắng được kẻ địch vốn mạnh hơn mình…

Nhà sư:

- Chú Tư nói đúng. Những lần chúng đem xe bọc thép và trực thăng vây ráp vùng Kirivong, Pị Chân, Bang Hang, Túc Mía, Sóc Chuốt… nói chung các tỉnh Tà Keo, Campốt, Côngpông Chàm… chúng triệt hạ nhiều ngôi chùa, bắn giết cả sư sãi và thường dân làm ruộng rẫy trong bổn sóc. Nay có Quân giải phóng Việt Nam về đây, tôi cầu nguyện cho Phật Trời phò hộ hai dân tộc chúng ta chiến thắng được bọn quỷ dữ là Mỹ ngụy…

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết