18/01/2022 - 22:11

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương mười một

LÝ TƯỞNG - TRÍ TUỆ - DŨNG KHÍ CÁCH MẠNG

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Nhờ sáng kiến của Hải Tặc, năm chị em giả đưa người bị rắn cắn sôi đờm, chở nạn nhân đi tìm thầy thuốc rắn là ông Lèo Ba. Cách đóng kịch khéo léo, các bạn trẻ đã qua mặt bọn cảnh sát ác ôn đồn Tắc Thủ - cửa ải thần chết do tên Hứa chỉ huy với quyết tâm sát cộng, bình định U Minh.

Năm đứa bé bơi xuồng vô vàm sông Cái Tàu, đậu vào lùm cây gừa, đợi mãi mà sao ông bà Chín vẫn chưa tới. Các bạn trẻ không biết sự cố xảy ra, ông Chín bị giặc bắt do một tên đầu hàng phản bội là Tư Thạnh. Tên này là kỹ sư hóa chất, về Nam trong dòng chảy “cán bộ mùa Thu” từ những năm đầu thập kỷ sáu mươi. Mấy năm ở khu căn cứ rừng đước, rừng tràm, Tư Thạnh giúp cho Binh công xưởng của ta chế nhiều loại vũ khí lợi hại, dùng đánh tàu, xe và “công đồn, đả viện”. Hôm ông bà Chín chở ghe vũ khí và hóa chất, đô-la xuống rạch Sào Lưới - Mũi Tràm giao cho “gánh Ba Lò Rèn” - đồng chí Nguyễn Trung Thành, giám đốc Binh công xưởng tỉnh Cà Mau, thì có Tư Thạnh ở đó. Anh ta tỏ vẻ mừng vui xum xoe, khi liên hoan mừng ông bà Chín lập công to, đưa vũ khí và hóa chất, tiền, vàng - nói chung là “hàng” - về tới nơi. Chính Tư Thạnh đến cụng rượu với ông Chín, ca ngợi ông là bậc anh hùng. Nhưng sau đó một giờ, Tư Thạnh đã lợi dụng lúc anh em nhậu say, lấy chiếc vỏ lãi gắn máy BS-9, cùng cô y tá xinh đẹp của cơ quan, chạy thẳng một lèo cặp ven biển, ra chợ Rạch Giá đầu hàng giặc. Tư Thạnh kịp thời chỉ điểm cho giặc đón bắt ông bà Chín, và tên Hứa yêu cầu Tư lệnh vùng 4 chiến thuật “điều” Tư Thạnh xuống tận đồn Tắc Thủ, giáp mặt với “tay Việt cộng già đáng kính” của chúng. Ông Chín bị bắt, bà Chín khôn khéo bỏ ghe, trốn thoát về đến văn phòng Ban chỉ huy Đoàn 195, báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đoàn. Bây giờ ông Chín đã bị tên Hứa “sát hại” - bà Chín nghĩ vậy, nên lưu ý các chú Tư Mau, Tư Khánh… cho người dò đường đón các bạn nhỏ, sợ chúng đi lạc.

1. Năm chị em của Hải Tặc ngồi thu lu trên xuồng be tám, ép sát trong tàn gừa, mắt hướng ra Vàm Sông Cái Tàu, chờ gặp ông bà Chín… Nhưng hoàng hôn đã chụp xuống hai bờ sông hoang dã, chim cò về sân của chúng đút mồi cho con kêu la inh ỏi, mà ông bà Chín vẫn bặt tin. Hải Tặc càu nhàu:

- Kiếm tiệm quán, ghe hàng mua gì ăn đi mấy chị ơi, đói bụng quá nè!

Bé Tư:

 - Ờ, chờ ông bà Chín chút nữa coi.

Kim Lài:

- Sao chiều tối vậy mà ông bà Chín chưa tới?

Thanh:

- Hay là ông bà Chín bị giặc bắt rồi?

Ốc Tiêu:

- Ông bà đi mua bán khoai, khóm mà giặc bắt làm gì?

Hải Tặc:

- Không phải vậy đâu. Ông bà Chín chỉ mua bán sao biết vùng Kinh Vĩnh Tế, Vĩnh Điều? Có khi ông là cán bộ vận chuyển vũ khí trên miệt biên giới về đây đó nghen?

Cả nhóm:

- Ờ, ờ… có khi vậy à nghen!

Thanh:

- Chiếc xuồng be tám nầy là để “lòi” vũ khí từ ghe vào cứ, ở những chỗ kinh rạch cạn, lườn ghe sâu vào không được.

Các bạn trẻ sốt ruột đứng lên, ngồi xuống, chờ ông bà Chín, nỗi lo lắng ngày càng chồng chất. Mấy chiếc đò dọc về muộn, chạy máy xe, sóng tạt vào hai bờ “óc ách”, chiếc xuồng con của các bạn cứ bị lắc lư, phải kềm vững vào mấy nhánh cây, không khéo thì chìm cả đám!

Bỗng có chiếc ghe hàng từ Vàm sông Cái Tàu chèo ngược ra, còi bóp “toe toe” mời khách. Mấy bạn trẻ đói bụng dữ rồi.

Hải Tặc:

- Ghe hàng, ghé cho mua, ghé cho mua!

Chủ ghe hàng là chú Mười Luyện, biệt danh là “Mười Bình Bát”. Chú Mười nguyên là cán bộ văn nghệ xã Khánh Bình Tây. Sau khi ta chuyển vùng Đồng Khởi, chú Mười cùng chú Ba Sánh dẫn đoàn ca vũ kịch từ ấp Đá Bạc - Nhà Máy sang biểu diễn giao lưu với ấp Đất Cháy - Thị Tường. Nhờ vậy, các bạn trẻ nhìn thấy chú Mười hơi quen quen.

- Mấy cháu làm gì nhìn chú dữ vậy? Chủ ghe hàng hỏi.

Thanh:

- Chú ơi, chú là tác giả bài hát “Nông thôn vùng lên” phải hôn?

- Không! Chú lo mua bán làm ăn lâu nay!

Ốc Tiêu:

- Chú đừng sợ. Tụi cháu có thuộc, có hát bài của chú sáng tác nữa đó. Bài hay lắm!

- Mấy cháu ở đâu mà biết hát bài gì đó?

Kim Lài:

- Mấy cháu ở ấp Đất Cháy, lần chú dẫn đoàn Văn nghệ Khánh Bình Tây qua liên hoan, chính chú cầm đờn cho đội ca múa hát bài “Nông thôn vùng lên”…

Thấy chủ ghe hàng chần chừ, dò xét mình, các cháu hát bài “Nông thôn vùng lên” như các cháu đã từng biểu diễn phục vụ bà con:

“Đây lớp người nông dân Miền Nam khổ đau, do Mỹ Diệm gây nên hờn căm xiết bao! Thề vùng lên! Thề vùng lên chung sức chung lòng, đấu tranh nầy nhứt quyết thành công: chúng ta cướp lại chánh quyền! Thù triền miên - làn sóng đấu tranh không ngừng - khắp nơi. Đảng gọi ta: những người khổ đau vùng lên, đấu tranh -đấu tranh giải phóng cho mình… tuốt gươm giết loài xâm chiếm. Nông dân làm chủ nông thôn, làm chủ nông thôn - Quyết giành ruộng đất - Chánh quyền về ta!”.

Chủ ghe hàng nghe lại bài hát của chính mình. Ông bồi hồi nhớ lại một thời cùng đồng đội xông xáo tham dự cuộc Đồng khởi long trời lở đất, nung nấu tâm hồn kẻ làm thơ, người soạn nhạc. Sau giặc đánh rát quá, ông bỏ cuộc, đưa vợ con xuống chiếc ghe hàng nầy. Mới đó mà cũng bốn, năm năm rồi chớ…

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết