04/06/2018 - 22:04

12 năm lọc thận và hành trình xuyên Việt 

51 ngày đêm, một mình với “ngựa sắt”, Nguyễn Ngọc Sơn, bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu định kỳ 12 năm qua, giong ruổi dọc dài đất nước từ quê nhà Phú Thọ đến mũi Cà Mau. Anh đi để thêm yêu đất nước Việt Nam tươi đẹp, để chứng thực: “Bệnh nhân suy thận vẫn có thể sống vui khỏe và sống có ích”.

Ngọc Sơn chia sẻ về nghị lực sống và tặng quà cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo BV Đa khoa TP Cần Thơ.
Ngọc Sơn chia sẻ về nghị lực sống và tặng quà cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo BV Đa khoa TP Cần Thơ.

Tinh thần thép

Ngọc Sơn ấp ủ ước mơ xuyên Việt từ năm 2012 nhưng mãi 6 năm sau, đến cuối tháng 3- 2018, anh mới quyết định phải thực hiện hành trình dọc dài đất nước. Sơn chia sẻ, qua hành trình, anh muốn “truyền lửa và lan tỏa yêu thương”.

Với người khỏe mạnh bình thường, xuyên Việt không phải là chuyện dễ dàng. Với người bệnh thận, phải lọc máu định kỳ ngày cách ngày và nhiều biến chứng do thời gian mắc bệnh lâu thì khó khăn càng chồng chất. Hành trình hơn một tháng rưỡi đường trường, đêm ngủ ít, có ngày phải vượt hơn 300km, qua nhiều tỉnh thành, những vất vả khiến Sơn rất đỗi mệt mỏi nhưng anh vẫn ổn. Sơn cho biết, dẫu ở nhà hay đi, bản thân vẫn chú trọng chăm sóc sức khỏe đúng cách đảm bảo ổn định thể chất để có thể chinh phục mọi thử thách. Thực hiện chế độ thuốc men điều độ, ăn uống khoa học và luôn biết “lắng nghe cơ thể” là những bí quyết để Sơn “chung sống hòa bình” với căn bệnh thận. Anh đúc kết: “Có thể khẳng định chắc chắn một điều, sống tích cực thì người bệnh chạy thận nhân tạo vẫn có thể có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc”.

Dọc đường đất nước, Sơn được thưởng ngoạn nhiều phong cảnh non nước hữu tình. Sơn ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của đồi cát bay Mũi Né lung linh cát hồng, đồi cát trắng Bàu Trắng. Anh kể, nhìn từ xa đã mê tít, đến nơi cảm giác như được bước vào xứ thiên đường mênh mông rặt một màu cát trắng pha lê. Còn trên cung đường quốc lộ 27C từ Đà Lạt về Nha Trang, phượt thủ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Khi tới miền cực Nam của Tổ quốc, trước cảnh đẹp của Hòn Tre (ở tỉnh Kiên Giang), Sơn đã phải thốt lên: “Hòn Tre ơi, có nhất thiết phải đẹp thế này không?”...

Sơn nói rằng, trên hành trình một “mình một ngựa “dài dằng dặc từ Bắc vào Nam, dù dọc đường đi được rất nhiều bạn bè giúp đỡ và tiếp đón nồng nhiệt nhưng chàng phượt thủ vẫn có những giây phút cô đơn, nhớ món bánh mẹ làm và cả bóng hình một người con gái nơi quê nhà. Khi ấy, trong anh lại càng thêm thiết tha tình yêu cuộc sống. Trên đường đi, những biến chứng của căn bệnh suy thận cứ treo lơ lửng, ngay từ miếng ăn hớp nước đưa vào miệng cũng đe dọa sức khỏe, tính mạng. Thử thách không chỉ đến từ việc toàn thân đau mỏi do đi cả ngàn cây số, mà còn từ những cơn tê cứng người, những cơn đau quặn thắt tim do độc tố không được lọc sạch bởi khác dịch lọc so với dịch lọc thường kỳ ở quê nhà. Trong những giây phút ấy, Sơn không khỏi có những suy nghĩ tiêu cực: “Sao phải tự làm khổ mình thế này? Có lẽ nào nên bỏ cuộc thôi?”. Nhưng với niềm tin và ý chí, anh đã chiến thắng, bởi chuyến đi càng gian khổ thì càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng những người bệnh thận cả nước.

Tình thương trên đường thiên lý

 

Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1979, ở tỉnh Phú Thọ. Sơn phát bệnh suy thận khi đang học lớp 10, một năm sau đó phải chạy thận nhân tạo đến nay.

Sơn là hiện tượng văn học Mãi mãi tuổi 20 với tập nhật ký “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” thu hút được đông đảo bạn đọc yêu mến. Không đầu hàng số phận, “gắn bó với máy lọc thận”, anh vừa viết, vừa tham gia giảng dạy, đồng thời tích cực thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho người bệnh thận ở miền Bắc.

 

Sơn kể, anh đến TP Cần Thơ vào nửa đêm 30-4. Trong dịp lễ, quận Ninh Kiều “cháy phòng”, nên gần 1 giờ đồng hồ loay hoay Sơn mới tìm ra được chỗ nghỉ chân phù hợp túi tiền. Trước khi xuất phát từ Phú Thọ, Sơn đã cẩn thận liên hệ với nhiều lãnh đạo các trung tâm chạy thận nhân tạo dọc đường đi. Cần Thơ cũng vậy, anh cũng liên hệ trước với bác sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, Trưởng Khoa thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Vì thế, ngay sau hôm đến Cần Thơ, Sơn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, tạo điều kiện cho Sơn được lọc máu. Không những vậy, ngày chia tay Cần Thơ, bác sĩ Ngọc còn tập hợp nhiều người bệnh thận của khoa cho Sơn gặp gỡ, để thấy rằng người mắc bệnh thận vẫn có thể tiếp tục sống vui vẻ và sống có ích. Những ân tình, tình cảm của các bác sĩ Khoa thận Nhân tạo và nhất là tình cảm của nữ trưởng khoa nhân hậu, nồng nhiệt để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho Sơn. Anh chia sẻ: “Những tình cảm ấy tiếp thêm sức mạnh cho hành trình dù nhiều vất vả nhưng chắc chắn sẽ đi đến cùng giấc mơ”.

Trên hành trình dọc dài đất nước, Sơn đã đến thăm và tặng quà cho những bệnh nhân bệnh thận có hoàn cảnh khó khăn của các trung tâm lọc máu. Qua xóm chạy thận nghèo nằm bên hông Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam- Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình), anh trao 1 triệu đồng cho các hoàn cảnh đang chung sống với căn bệnh thận. Ở Huế, anh trao cho 4 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất, mỗi người 300.000 đồng. Vào Bình Định, trao 1,2 triệu đồng cho gia đình 5 chị em suy thận. Vào Cần Thơ, Cà Mau, anh đều trao tặng các phần quà cho bệnh nhân suy thận. Những phần quà này do các mạnh thường quân hỗ trợ Sơn thực hiện ước mơ xuyên Việt.

Nhiều bạn bè, những người tình cờ gặp gỡ Sơn trên đường thiên lý, đã bày tỏ sự thán phục và dành nhiều tình cảm ưu ái cho Sơn. Bạn Nguyễn Tiến Huy cho biết: “Anh là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực. Bản thân em luôn noi gương anh Sơn để sống có ích”. Còn Phương Minh, một bạn khác của Sơn gửi lời chúc cho hành trình của Sơn: “Chúc ước mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực, tiếp lửa lan tỏa tình yêu thương đến những bệnh nhân nghèo chạy thận!”.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết