05/05/2011 - 08:34

10 vụ tai tiếng công nghệ lớn bị cố tình che giấu

Máy tính xách tay Dell bốc cháy.

Giống như bất kỳ lĩnh vực nào khác, công nghệ cao cũng xảy ra rất nhiều vụ tai tiếng. Điều đáng nói ở đây là khi bị phát hiện, các công ty không xử lý ngay mà cố tình “im lặng” và hy vọng sẽ không ai biết. Sau đây là 10 vụ tai tiếng công nghệ lớn nhất trong gần 2 thập kỷ qua, bị làm xấu hơn do các công ty cố tình giấu nhẹm đi.

* Intel: Pentium 4 - 1994

Khi giáo sư toán học Thomas Nicely của Đại học Lynchburg (Mỹ) báo cho Intel biết hồi tháng 10-1994 rằng chip Pentium 4 của hãng cho ra kết quả không chính xác, Intel đã “âm thầm” thay thế chip bị lỗi và hy vọng không người nào khác nữa biết được vụ việc. Sai lầm. 3 tuần sau, lỗi Pentium FDIV đã xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông toàn cầu. Một tuần sau đó, Intel buộc phải thông báo thu hồi làm hãng thiệt hại khoảng 475 triệu USD, chưa kể đến danh tiếng.

* Iomega: “click of death” - 1998

Trước khi có ổ đĩa USB, cách duy nhất để mang nhiều dữ liệu hơn chiếc đĩa mềm trong túi là qua ổ đĩa Iomega Zip. Nhưng tai họa đã ập đến đối với những người nghe được “tiếng lách cách chết chóc” (“click of death”) - một tín hiệu báo đầu của ổ đĩa Zip bị lệch, theo sau là sự hư hỏng dữ liệu trên các ổ đĩa 100 MB. Mặc dù cụm từ “click of death” chỉ được công chúng biết đến từ tháng 1-1998, nó đã là một chủ đề thảo luận sôi nổi trong hơn một năm trước trên các nhóm thông tin Iomega. Mãi đến tháng 2-1998, Iomega mới thừa nhận vấn đề và chỉ sau khi có đơn kiện tập thể hãng mới đồng ý thay thế toàn bộ ổ đĩa bị ảnh hưởng.

* Sony: Rootkit - 2005

Nếu như người dùng hát một đĩa CD của Celine Dion, Neil Diamond, hay bất kỳ ai trong số hơn 20 nghệ sĩ Sony BMG trên máy tính vào giữa những năm 2000, máy tính của họ có thể bị nhiễm chương trình nguy hiểm malware. Đó là do Sony bí mật cài đặt một rootkit - một công cụ của tin tặc được thiết kế để giấu malware - nhằm che giấu sự tồn tại của phần mềm quản lý tác quyền số của hãng. Nhà nghiên cứu an ninh Mark Russinovich đã đăng tải một mục tin blog cho biết chi tiết về rootkit Sony bí mật hôm 31-10-2005. Hãng phần mềm an ninh F-Secure sau đó tiết lộ họ đã thông báo cho Sony về rootkit này vài tuần trước khi Russinovich “lật tẩy”. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Thomas Hesse của Sony BMG chỉ nói rằng phần lớn người dùng không biết rootkit là gì, tại sao họ quan tâm đến nó.

Một khi rootkit được cài đặt, bất kỳ tác giả malware thông minh nào cũng có thể lợi dụng nó (và một trường hợp đã xảy ra, 9 ngày sau khi rootkit Sony được biết đến rộng rãi). Một vài ngày sau công bố của Russinovich, Sony đưa ra một phát biểu xem nhẹ nguy cơ, và phân phối một gói dịch vụ gỡ bỏ rootkit. Nó không hoạt động. Hai tuần sau, hãng cam kết ngừng phân phối CD có rootkit, nhưng khi đó đã có đơn kiện. Sony BMG cuối cùng bị buộc phải trả gần 6 triệu USD để giải quyết các vụ kiện của 40 bang ở Mỹ, cùng với nộp phạt cho Ủy ban Thương mại Liên bang.

* TJX: Đột nhập mạng WiFi - 2005

Hồi tháng 1-2007, công ty mẹ của các chuỗi cửa hàng bán lẻ TJ Maxx, Marshalls, và HomeGoods thừa nhận rằng mạng WiFi nhiều lỗ hổng của họ bị đột nhập, và thông tin cá nhân của hơn 45 triệu khách hàng đã bị đánh cắp. Mặc dù TJX nói rằng họ lần đầu tiên phát hiện vụ đột nhập vào tháng 12-2006, sau đó tập đoàn này thừa nhận lại là họ đã bị đột nhập từ tháng 7-2005, hay một năm sau khi một nhân viên kiểm tra an ninh nội bộ tiết lộ nhiều điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống của TJX, và tổng số nạn nhân lên đến hơn 90 triệu.

* HP: Thuê thám tử tư - 2006

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 23-1- 2006 khi trang tin CNET đăng tải thông tin về những chiến lược lâu dài của Hewlett-Packard. Bài viết đó khiến Chủ tịch HP Patricia Dunn nổi giận và quyết tìm ra “kẻ phản bội”. Nhưng khi Dunn bàn kế hoạch với giám đốc Tom Perkins, ông này cho rằng chỉ cần thông báo cho hội đồng quản trị và yêu cầu người cung cấp tin xin lỗi. Tuy nhiên, Perkins đã hoàn toàn bất ngờ khi trong một cuộc họp vào tháng 5, Dunn chỉ đích danh giám đốc George Keyworth là người để lộ bí mật tập đoàn. Bất bình trước kiểu làm việc lén lút của Dunn, Perkins đệ đơn xin rút lui còn Keyworth cũng phải từ chức.

Tưởng như sự việc đã qua đi nhưng ngày 5-9-2006, tờ Newsweek đã vạch ra những hành vi trái phép của Dunn. Bà này bị cáo buộc thuê thám tử tư lén ghi âm các cuộc trao đổi qua điện thoại của đội ngũ giám đốc, nhân viên công ty và cả một số nhà báo. Mọi chuyện vỡ lở, HP, vốn là một công ty được nể trọng ở Silicon Valley, bị dư luận trong và ngoài nước chỉ trích vì vi phạm đạo đức kinh doanh.

* Dell: Bốc khói - 2006

Tháng 6-2006, trang The Inquirer đã đăng tải một đoạn video ngắn về một máy tính xách tay Dell bất ngờ bốc hỏa tại một hội nghị ở Osaka, Nhật Bản. Sau khi đoạn video lan truyền rộng rãi, Dell đã trả lời bằng cách nói rằng đó là một trường hợp cá biệt, không liên quan đến hàng chục ngàn pin mà hãng đã thu hồi trước đó do quá nóng.

Một tháng sau, một máy tính xách tay Dell khác nổ ở Mỹ. Vài ngày sau đó, một máy tính xách tay nữa tự bốc cháy ở Singapore. Trong vòng 2 tuần, Dell, cùng với Apple, HP và các công ty máy tính xách tay lớn khác, đã công bố đợt thu hồi sản phẩm lớn nhất trong lịch sử công nghiệp điện tử tiêu dùng. Thủ phạm là 4 triệu pin Sony bị lỗi. Các máy tính xách tay đã bị cháy thành than, nhưng không tồi tệ bằng danh tiếng của Dell bị giảm sút nghiêm trọng.

* Amazon: Tự ý gỡ bỏ sách đã bán - 2009

Hồi tháng 7-2009, Amazon đã xóa 2 quyển sách điện tử mà người dùng đã mua, là Animal Farm và 1984 của George Orwell. Khi phóng viên và người viết blog lên tiếng, hãng giải thích rằng họ gỡ bỏ sách vì nhà xuất bản bán các quyển sách đó không có bản quyền hợp lệ. Hãng cũng trả lại 99 xu của mỗi quyển sách.

Đối với phần lớn người dùng Kindle, đây là lần đầu tiên họ nhận biết rằng các quyển sách mà họ nghĩ là họ đã mua thực chất vẫn thuộc quyền sở hữu của Amazon. Cuối cùng thì Amazon đã phải đối mặt với hậu quả do quyết định này trong đó có cả vấn đề liên quan tới luật pháp, và phải xin lỗi người dùng.

* Apple: Anten iPhone 4-2010

Những lời phàn nàn hồi tháng 6-2010 rằng anten ngoài duy nhất của iPhone 4 làm cho các cuộc gọi bị rớt, thậm chí rất thường xuyên đối với khách hàng AT&T, đã nhận được email trả lời súc tích của ông chủ Steve Jobs rằng do người dùng cầm điện thoại không đúng cách. Vụ việc tạm lắng xuống.

Khi các phàn nàn anten tiếp tục, Apple công bố vấn đề chỉ là một lỗi trong hệ điều hành iOS 4 khiến cho tín hiệu được thu không đúng. Vụ việc chưa dừng lại. Khi Consumer Reports khẳng định rằng iPhone 4 rớt cuộc gọi là do chạm vào điểm ma thuật của nó, Apple bị buộc phải hành động... bằng cách cung cấp miễn phí các miếng đệm cao su trong một khoảng thời gian giới hạn. Apple đã tránh được phí tổn từ việc thu hồi toàn bộ sản phẩm, nhưng cách hành xử của Steve Jobs cũng gây không ít “om sòm”.

* Apple: Theo dõi người dùng - 2011

Giống như cuộc gọi iPhone bị rớt, ý kiến cho rằng Apple theo dõi bạn bằng cách giữ một tập tin dữ liệu chi tiết về vị trí của bạn trong năm qua, chỉ là một điều tưởng tượng. Tại sao chúng ta biết điều này? Do Steve Jobs nói ra.

Nhưng một tuần trước khi 2 nhà nghiên cứu công bố phát hiện của họ về một tập tin dữ liệu chứa thông tin vị trí cho iPhone, Steve Jobs không nói gì, và bất kỳ ai tại Apple cũng thế. Rõ ràng cần một tuần im lặng để nhận ra những gì điện thoại Apple đang làm. Hành động này bao gồm ghi vị trí tháp điện thoại di động và mạng WiFi mở ở gần vị trí của điện thoại, cùng với mốc thời gian và tọa độ GPS, trong nhiều tháng, thậm chí khi người dùng tắt cấu hình. Apple cứ nhất định là không phải “theo dõi”, và hứa hẹn sẽ sửa lỗi để không cho điện thoại theo dõi người dùng.

* Sony: Mạng PlayStation bị đột nhập - 2011

Bắt đầu hôm 20-4 vừa qua, mạng PlayStation và dịch vụ trực tuyến Qriocity đã bị sập. Nguyên nhân của vụ việc là một bí ẩn trong gần một tuần, cho đến khi Sony cuối cùng thừa nhận rằng vài ngày trước khi bị sập, mạng của họ đã bị đột nhập. Thông tin cá nhân của khoảng 77 triệu khách hàng có thể bị lộ. Ban lãnh đạo Sony đã cúi đầu xin lỗi người dùng hôm 1-5, thừa nhận họ chưa quan tâm đúng mức đến đề phòng an ninh. Một số dịch vụ sẽ được phục hồi trong tuần này và Sony sẽ miễn phí 30 ngày cho thuê bao mạng PlayStation và Qriocity.

LÊ PHI (Theo PCWorld)

Chia sẻ bài viết