13/02/2021 - 16:59

“Xuất khẩu” văn hóa Cần Thơ 

Từ nền tảng văn hóa quý giá của tiền nhân, người Cần Thơ hôm nay nâng niu, giữ gìn và nâng tầm di sản của quê hương. Để rồi, từ bụi chuối, liếp rau sau nhà đến một tiếng đờn khoan nhặt sáu câu, một nét diễn hát bội trên sân khấu đình làng... lại có sức hút đến lạ kỳ. Văn hóa Cần Thơ được “xuất khẩu” một cách thật đặc biệt đi muôn nơi. 

Nghệ nhân Hai Đức truyền dạy đờn ca tài tử cho sinh viên nước ngoài.Ảnh: DUY KHÔI

“5 tấn lá chuối. Rau lang. Lá khoai mì. Bạc hà. Ớt. Sả. Bồn bồn. Rau nhút...”. Anh Nguyễn Ngọc Trãi một tay nghe điện thoại, một tay ghi chép lại các đơn hàng. Cứ tưởng anh đang “bỏ mối” cho các chợ truyền thống ở Cần Thơ. Nhưng không. Ðơn hàng này qua tận nước Úc! Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh Trãi cười: “Mấy món dân dã vậy chứ bây giờ ở nước ngoài họ thích lắm, tụi tôi bán rất được”.

Anh Nguyễn Ngọc Trãi là Giám đốc Công ty cổ phần BJ&T ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Trong 8 năm qua, chọn mặt hàng xuất khẩu “không giống ai” nhưng anh Trãi lại rất thành công. Kể về hàng xuất khẩu ở BJ&T, tóm gọn là “kính thưa” các loại trái cây, rau củ ở miền Tây; và còn có tàu hủ ky, bún, bánh hỏi... Ðộc đáo hơn nữa là từ tép sả, củ riềng đến lá chuối, đu đủ bào, lá khoai mì, bông điên điển... tất cả đều được đông lạnh, đóng gói, đường hoàng vào công-ten-nơ xuất ngoại. Cuộc đổi đời nông sản miệt vườn thật thú vị.

Anh Trãi chia sẻ thêm, đặc biệt với người Việt xa xứ, nhìn thấy lọn rau, trái cà, trái ớt từ quê hương, chưa ăn đã thấy ngon ngọt trong lòng. Mỗi tháng, công ty của anh tiêu thụ khoảng 400-500 tấn nguyên liệu, góp phần giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL. Chàng trai sinh năm 1978 trải lòng: “Là người Long Tuyền, Cần Thơ, tôi luôn mong muốn làm gì đó cho quê hương mình. Tôi hiểu được giá trị của ngọn rau, con cá vườn nhà”. Hiểu và làm, anh Trãi đang làm thăng hoa giá trị miệt vườn, đưa văn hóa ẩm thực đồng quê ra khắp thế giới.

 

Nghệ nhân Phương Ánh hóa trang chuẩn bị cho một vở tuồng. Ảnh: DUY KHÔI

Nói về Cần Thơ, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng, đó là một vùng đất dễ sống, phóng khoáng, gom được nhiều đặc tính văn hóa tốt đẹp một cách hướng ngoại, không bảo thủ. Ðến đây, tôi lại nhớ đến nghệ nhân hát bội, tuồng cổ Phương Ánh. Năm vừa qua, điện ảnh Việt xuất hiện một bộ phim tài liệu thực tế tạo được tiếng vang trong và ngoài nước: “Ðoạn trường vinh hoa”. Nhân vật chính trong phim là cô Phương Ánh, nữ bầu gánh hát tuồng cổ duy nhất hiện nay ở miền Tây. Từ Cần Thơ, gánh hát của cô theo tiếng trống, tiếng mõ đình làng mà ngân nga câu hát mỗi khi đáo lệ kỳ yên.

“Ðoạn trường vinh hoa” ra rạp, lên sóng truyền hình quốc gia, cô Phương Ánh được mời đi giao lưu, ra mắt ở nhiều sân khấu tầm cỡ. Ðiều cô ấn tượng nhất là có rất nhiều người nước ngoài dù chẳng hiểu cô nói gì nhưng khi xem cô diễn và chuyện đời cô trên phim, họ quý mến và đồng cảm. Có khán giả còn ôm ghì lấy cô sau buổi diễn, tay vỗ nhẹ vai cô như một lời động viên. Rõ ràng, văn hóa chẳng có ranh giới, không có bến bờ, sự đồng điệu nối kết hết thảy. Trong căn nhà trọ chừng hơn chục mét vuông ở quận Bình Thủy, nơi trang trọng nhất cô Phương Ánh đặt bàn thờ Tổ nghiệp. Một đời theo nghiệp, vinh hoa đã trải, đoạn trường đã từng, cô Phương Ánh nguyện theo nghề mãi mãi. Cô nói gãy gọn: “Hát bội đẹp lắm. Tới chết cô cũng phải theo!”.

Anh Nguyễn Ngọc Trãi kiểm tra khâu đóng gói tàu hủ non trước khi xuất khẩu sang Úc. Ảnh: DUY KHÔI

“Văn hóa là những gì còn lại khi người ta đã quên đi tất cả những điều đã học”, văn hào người Pháp Ed.Herriot từng nói. Quả vậy, “xuất khẩu văn hóa” là con đường từ trái tim đến trái tim, là trao truyền và tri nhận. Ðể sau tất cả, văn hóa là cái được nhớ nhiều, thương nhiều. Văn hóa Cần Thơ “xuất khẩu” theo một hành trình nhân văn như thế. Nghệ nhân Hai Ðức, người sáng tạo cây đờn sến 3 dây “độc nhất vô nhị” trong mỗi lần trò chuyện với chúng tôi đều nhắc đến truyền nhân Alexander M. Cannon (tên thân mật là Alex). Alex là giáo sư, đang giảng dạy tại các trường đại học uy tín của Hoa Kỳ và một số nước. Ông Hai Ðức là một nông dân chính hiệu của miệt vườn Cái Răng. Vậy mà Alex bái ông làm thầy, ông gọi Alex là đệ tử. Cái hay của văn hóa là như vậy.

Chuyện là trong hành trình chu du một số nước châu Á để làm luận án tiến sĩ, Alex đã bị đờn ca tài tử Nam Bộ níu chân. Rồi từ Trường Ðại học Cần Thơ, nhóm giảng dạy chương trình “Học phần nhiệt đới” gồm thầy Lê Ðình Bích chủ công cùng với ông Hai Ðức và một số nghệ nhân khác đã tận tình chỉ dẫn khiến Alex “bén rễ xanh cây” trên mảnh đất Cầm Thi. Hễ có dịp là Alex lại về Cần Thơ thăm hỏi thầy đờn Hai Ðức, thầy Lê Ðình Bích... Vị giáo sư trẻ hễ thấy cây đờn sến 3 dây của ông Hai là cầm lên bấm phím so dây và trỗi những khúc nhạc khoan nhặt.

Triển khai từ 15 năm qua, “Học phần nhiệt đới” đã truyền dạy vẻ đẹp của văn hóa Nam Bộ, của âm nhạc tài tử đến với hàng trăm sinh viên, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục từ khắp thế giới. Niềm vui của những người trao truyền chính là nhìn thấy sự say sưa, tiếp thu một cách trân trọng của các học viên xa địa lý, khác ngôn ngữ. Như chia sẻ của thầy Lê Ðình Bích, giảng viên Trường Ðại học Cần Thơ, ông muốn kết nối, giúp thế giới hiểu hơn về văn hóa ÐBSCL - một kiểu văn hóa chuộng cái đẹp, yêu hòa bình.

Từ nền tảng văn hóa truyền thống đến một nền văn hóa hiện đại là một hành trình dài. Riêng với Cần Thơ, lan tỏa văn hóa cũng là chiến lược quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu “khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa của vùng ÐBSCL” như Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra. Thật vậy, văn hóa không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là điểm tựa cho sự phát triển bền vững của Tây Ðô.

ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết