04/10/2017 - 20:19

“Vén màn” bí mật của hệ thống camera kép 

Các điện thoại mới và cao cấp ngày nay đang đua nhau chạy theo trào lưu camera kép. Tuy nhiên, không phải tất cả camera kép đều giống nhau mà mỗi hệ thống có những “sở trường” và điểm yếu riêng.

Cảm biến chiều sâu       

Đây là hệ thống camera kép cơ bản nhất với một camera chính và một camera phụ có chức năng duy nhất là lập bản đồ 3D cho khoảng không trước camera. Giống như mắt của chúng ta, hệ thống này có thể đo khoảng cách của chủ thể trước mặt và sử dụng thông tin này để tách chủ thể trước mặt khỏi phần hậu cảnh.

Ứng dụng phổ biến nhất của kỹ thuật này là chụp ảnh xóa phông. Nó hoạt động giống như các camera ống kính rời DSLR, nhưng hệ thống camera kép này hoạt động không chính xác dẫn đến đôi khi có thể làm mờ cả phần viền của chủ thể ở trước khi độ sâu không rõ ràng. Bên cạnh đó, bức ảnh chụp được cũng không tự nhiên do mọi thứ ở hậu cảnh bị mờ đều.

Hệ thống camera kép với cảm biến chiều sâu riêng là một trong những hệ thống hiếm gặp. Nó được sử dụng đầu tiên trên siêu phẩm HTC One M8, nhưng ngày nay những điện thoại cơ bản nhất, như Honor 6X hay Lenovo K8 Plus, cũng đã được trang bị cảm biến chiều sâu riêng.

Camera đơn sắc   

Phổ biến hơn một chút là hệ thống camera kép với camera đơn sắc. Hệ thống này sử dụng camera chính và camera phụ gần như giống nhau, với cảm biến, khẩu độ, ống kính và hệ thống lấy nét giống nhau. Điểm khác nhau duy nhất là cảm biến phụ thiếu bộ lọc màu RGB, nên không thể thu thông tin màu sắc, nhưng thu ánh sáng nhiều hơn.

Mỗi lần bạn chụp một tấm ảnh, hệ thống này sẽ kết hợp kết quả của cả hai camera bằng cách xếp lớp chúng thành một tấm ảnh. Về mặt lý thuyết, hai lớp ảnh kết hợp sẽ cho ra nhiều chi tiết hơn và giảm nhiễu nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chỉ chụp bằng camera đơn sắc và thu được chất lượng ảnh tốt hơn sau khi đã “hy sinh” tất cả thông tin màu sắc.

Một trong những minh chứng đầu tiên của hệ thống này là Huawei P9 và kể từ đó, một số thiết bị khác cũng đã được trang bị nó. Hệ thống này hầu như không có khiếm khuyết thật sự và là một trong số ít hệ thống camera kép cung cấp chất lượng ảnh thật sự.

LG G5 với hệ thống camera kép góc rộng. Ảnh: GSMA

Camera góc rộng

Hệ thống này ra mắt lần đầu trên siêu phẩm LG G5 hồi đầu năm ngoái. LG G5 có một camera chính 16 Megapixel, khẩu độ f/1.8 ở tiêu cự tương đương 29mm và một camera phụ 8 Megapixel, khẩu độ f/2.4 ở tiêu cự tương đương 12mm. Độ dài tiêu cự 12mm mang đến cho camera phụ một góc nhìn rất rộng cho phép bạn chụp một vùng rộng hơn nhiều mà không phải lùi lại hay chụp những cảnh thú vị mà một ống kính góc rộng cho phép.

Chủ yếu có mặt trên các điện thoại của LG, nhưng hệ thống này mới đây đã được Motorola đưa vào điện thoại X4 của hãng. Camera góc rộng thực sự mang đến cho bạn một góc chụp rất độc đáo mà các camera điện thoại khác không thể có được. Ngoài chụp một nhóm bạn lớn, nó cũng cho phép bạn chụp được những bức ảnh thực sự ấn tượng.

Các phiên bản đầu tiên của hệ thống này đã có một số điểm yếu. Trên các điện thoại G5 và V20, chất lượng hình ảnh của camera góc rộng chẳng là gì so với camera chính, trong khi hình ảnh còn bị méo giống như được chụp từ camera hành trình. Tuy nhiên, LG đã không ngừng cải tiến hệ thống này và trên phiên bản mới nhất trên điện thoại V30, nó không chỉ cung cấp chất lượng hình ảnh mà còn khắc phục tình trạng méo hình đáng kể.

Hệ thống này có triển vọng trở thành hệ thống camera kép thật sự tốt và hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất đón nhận nó.

Camera tele

Đây là hệ thống camera kép phổ biến nhất hiện nay. Trong hệ thống này, camera chính kết hợp với camera phụ có ống kính tele (chụp xa). Nói một cách ngắn gọn, nó đối lập với camera góc rộng.

Kể từ iPhone 7 Plus, các nhà sản xuất đã bắt đầu “dính” vào yếu tố 2x cho ống kính tele phụ. Có nghĩa là ống kính này có chiều dài tiêu cự gấp đôi ống kính chính, cung cấp cho bạn zoom quang 2x tức thì.

Hệ thống này mang đến nhiều điểm mạnh. Đầu tiên và rõ ràng nhất là bạn có được zoom quang 2x không suy giảm chất lượng. Phóng to trên điện thoại trước nay chủ yếu là zoom số, nhưng với hệ thống này bạn có thể phóng to chủ thể lên 2 lần mà bị giảm chất lượng rất ít. Sau đó, nếu tiếp tục zoom là zoom số, nhưng zoom số hiện được sử dụng trên nền zoom quang 2x nên nó cho ra kết quả tốt hơn nhiều.

Ống kính tele cũng thích hợp chụp chân dung hơn ống kính góc rộng vì nó ít bị méo hơn và “tôn” chủ thể hơn. Các nhà sản xuất cũng tiến thêm một bước để áp dụng hiệu ứng làm mờ hậu cảnh như hệ thống cảm biến chiều sâu. Sự kết hợp của ống kính tele và hiệu ứng làm mờ hậu cảnh cho kết quả xuất sắc hơn chỉ làm mờ hậu cảnh trên ống kính góc rộng.

Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn điểm yếu. Cho đến nay, không một nhà sản xuất nào có thể cân bằng hoàn toàn giữa hai camera. Khi iPhone 7 Plus được tung ra hồi năm ngoái, camera phụ có khẩu độ nhỏ hơn nhiều (f/2.8) so với camera chính (f/1.8) và cũng không có chống rung quang học OIS trên camera phụ. iPhone 8 Plus vừa được tung ra với thiết lập tương tự (mặc dù các cảm biến tốt hơn trong năm nay) và ngay cả điện thoại cao cấp nhất iPhone X vẫn sử dụng f/2.4 cho camera phụ (mặc dù có OIS). Siêu phẩm Galaxy Note 8 là điện thoại đầu tiên có camera phụ tele có OIS, nhưng nó vẫn là f/2.4 (so với f/1.7 trên camera chính) và camera phụ hơi tệ hơn ngay cả khi nó có cùng độ phân giải.

Tuy vậy, đa số các điểm yếu này chỉ là tạm thời và chúng sẽ được cải tiến từng bước theo thời gian.

LÊ PHI (Theo GSMA)

Chia sẻ bài viết