16/08/2014 - 21:18

“VÀNG MỚI”
của thể thao khuyết tật Cần Thơ

Lần đầu tiên tập luyện thể thao và cũng là lần đầu tiên tham dự một Hội thao cấp quốc gia, nữ VĐV khuyết tật Trần Huỳnh Anh Thi đã đạt thành tích cao ở tất cả nội dung thi đấu. Nhiều VĐV khuyết tật "lão làng" phải ngỡ ngàng, thán phục...

Tại Hội thao Người khuyết tật toàn quốc 2014 diễn ra hồi tháng 7, Anh Thi là gương mặt mới toanh của đội điền kinh khuyết tật Cần Thơ. Anh Thi dự tranh 3 nội dung: nhảy xa, chạy 100 mét và ném lao. Cuộc thi hôm đó tập trung nhiều VĐV giỏi, giàu kinh nghiệm đến từ Hà Nội, TPHCM, Quảng Trị… nên VĐV Cần Thơ ít được chú ý. Vậy mà khi bước vào đường đua 100m, khả năng bứt tốc độ của Thi trong suốt chặng đua khiến nhiều đối thủ kỳ cựu phải bất ngờ. Sau khi giành HCV nội dung chạy 100m, Anh Thi lại tiếp tục gây ấn tượng ở phần thi nhảy xa khi đoạt thêm 1 HCV. Tiếp đó Thi lại giành được HCB ở môn ném lao. Ẵm gọn 2 HCV và 1HCB chỉ trong một buổi thi đấu ngày đầu tiên, Anh Thi trở thành "hiện tượng" của cuộc thi điền kinh khuyết tật Cần Thơ. HLV phụ trách huấn luyện Nguyễn Thanh Quang tự hào: "Thời gian tập luyện chưa đầy 2 tháng, nhưng Anh Thi đã thi đấu rất tốt, đạt kết quả ngoài mong đợi. Thi là một phát hiện mới đáng phấn khởi cho thể thao khuyết tật Cần Thơ, nhất là ở môn điền kinh - một trong những môn chủ lực của thể thao khuyết tật Cần Thơ ở Hội thao toàn quốc những năm qua. Ở các giải thể thao dành cho người khuyết tật trong tương lai, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Thi tiếp tục thể hiện".

VĐV Anh Thi (bìa phải) nhận thưởng tại Hội thao khuyết tật toàn quốc 2014.

Khi được hỏi động lực nào giúp Anh Thi lần đầu tiên thi đấu thể thao lại đạt kết quả tốt như vậy, nữ VĐV sinh năm 1983 cười rạng rỡ: "Thi có quen nhiều người bạn cùng hoàn cảnh tham gia thi đấu thể thao và có được huy chương. Nghe bạn bè chia sẻ niềm vui  khi chơi thể thao, Thi tò mò và muốn thử sức. Trong thời gian tập luyện cùng đồng đội, Thi cảm thấy tinh thần sảng khoái, khỏe khoắn mà hơn hết là cảm thấy cuộc sống vui và ý nghĩa hơn. Đến lúc thi đấu, thấy mọi người đều nỗ lực mang thành tích về cho đoàn Cần Thơ, Thi tự nhủ phải cố gắng thi đấu hết mình". Anh Thi cho biết, mỗi ngày đều dành một ít thời gian để luyện tập kể từ sau Hội thao.

Hiện tại, Anh Thi đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Dược của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Anh Thi tâm sự rằng cuộc sống tự lập gần 10 năm qua giúp cô tự tin hơn, quên đi những nỗi buồn khiếm khuyết cơ thể. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được đằng sau cách nói chuyện cởi mở, lạc quan với nụ cười rất duyên của Thi là nỗi buồn sâu sắc về thời thơ ấu. Sau cơn sốt bại liệt năm 2 tuổi, Thi bị teo tóp chân phải. Đến năm 9 tuổi, Anh Thi phải về sống với nội vì ba mẹ ly hôn. Thi nói rằng đó là khoảng thời gian buồn nhất trong đời, niềm an ủi duy nhất của Thi là sự quan tâm, yêu thương của ba và nội. Chính tình yêu thương đó đã giúp Thi tự tin đến trường học thật tốt, sống cởi mở với mọi người xung quanh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thi đã sớm định hướng cho tương lai trở thành một dược sĩ có đủ kiến thức về y dược để có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, cho ba và nội. Thi tâm sự rằng đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất vì có thể sống tự lập và từng bước thực hiện mơ ước của mình...

* * *

Dù khập khiễng từng bước đi với một chân niềng nẹp, nhưng nữ VĐV điền kinh thể thao khuyết tật Cần Thơ vẫn lạc quan vào cuộc sống, nỗ lực vươn lên thực hiện ước mơ của mình. Anh Thi là tấm gương về niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ.

THẢO YÊN

Chia sẻ bài viết