01/03/2023 - 08:57

“Uốn cây từ thuở còn non...” 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Tại hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện Ðề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025 do Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ tổ chức mới đây, nhiều cách làm, mô hình hay trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, thầy mẫu mực - trò chăm ngoan được giới thiệu. Những kinh nghiệm đó càng cho thấy lời dạy của ông bà xưa: “Uốn cây từ thuở còn non...” vẫn còn nguyên giá trị.

Học sinh về nguồn, trải nghiệm các hoạt động văn hóa nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm.

Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-10-2018 và UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện vào ngày 18-12-2018. Sau hơn 4 năm thực hiện, ngành Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ đã cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể. Bên cạnh công tác tuyên truyền, các trường đều xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học. Tùy theo đặc thù, các trường đưa ra những tiêu chí riêng, xoay quanh các giềng mối đạo đức, ứng xử giữa quan hệ thầy trò, bạn bè... Ðặc biệt, nội dung giáo dục văn hóa ứng xử được hoàn thiện, bổ sung thường xuyên phù hợp với từng cấp học. Ví dụ như ở bậc mầm non, các hoạt động hướng tới hình thành và phát triển ý thức, hành vi phù hợp với độ tuổi như biết chào hỏi, cảm ơn, lễ phép...

Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục trong văn hóa ứng xử cũng được ngành Giáo dục và Ðào tạo thành phố chú trọng qua việc đổi mới phương pháp dạy học các môn Ðạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục chính trị... các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Ðoàn, Hội, Ðội...

Từ việc thực hiện đề án, nhiều cách làm hay đã được thực hiện, được sự đồng tình và đồng hành từ học sinh, phụ huynh. Trường THPT Thới Lai với việc kiến tạo, phát triển “Trường học hạnh phúc” được xem là điển hình tiêu biểu. Ngoài xây dựng môi trường sư phạm, môi trường học đường chuẩn mực, thân thiện, trường còn quan tâm đến môi trường văn hóa cho học sinh. Không gian trường dù không rộng nhưng rất đẹp, rợp bóng cây xanh, trang trí thêm nhiều bảng thông điệp ý nghĩa. Theo Ban Giám hiệu, trường hiện có 14 câu lạc bộ sở thích như hoa kiểng, cờ vua - cờ tướng, bóng bàn, ảo thuật, bóng đá, tiếng Anh, khoa học - kỹ thuật, âm nhạc, văn học... để các học sinh vừa thể hiện năng khiếu cá nhân, vừa được giao lưu, gặp gỡ, tăng cường tính đoàn kết, thân thiện. Qua đó, học sinh cũng yêu mến và gắn bó với mái trường, thầy cô, bạn bè hơn.

Theo cô Dương Thị Mai Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 Tháng 9 (quận Ninh Kiều), việc tổ chức các hoạt động giáo dục hành vi văn hóa, quy tắc ứng xử cho trẻ được nhà trường rất quan tâm, nhằm hình thành các kỹ năng xã hội cần thiết cho trẻ. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho trẻ đi tham quan, dã ngoại tại bảo tàng, thư viện, nhà sách... qua đó hướng dẫn các em kỹ năng như chào hỏi, giúp đỡ người khác, cách cầm sách, đọc sách, hay các ý nghĩa về truyền thống địa phương, dân tộc. Cô Trâm cũng cho biết, việc dạy trẻ cách ứng xử các tình huống thường ngày như biết tự chăm sóc bản thân trong giới hạn cho phép, giải quyết các tình huống tránh nguy hiểm... qua các hoạt động thực nghiệm khiến trẻ rất thích thú.

Hầu hết các trường trên địa bàn thành phố hằng năm đều tổ chức các hoạt động dã ngoại, về nguồn, giao lưu văn nghệ, sinh hoạt kỹ năng sống, tìm hiểu văn hóa truyền thống... Chính các hoạt động đó đã kết nối, gia tăng kỹ năng sống, giao tiếp và kết tình thân cho các em. Tiêu biểu là mô hình giáo dục di sản văn hóa trong trường học được ngành Giáo dục và Ðào tạo phối hợp ngành Văn hóa thực hiện nhiều năm qua, cho thấy hiệu quả rõ nét. Những buổi nói chuyện văn hóa, truyền thống, tiêu chuẩn người Cần Thơ “trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”, giới thiệu cải lương, đờn ca tài tử trong trường học, “sân khấu học đường”... là minh chứng. Em Nguyễn Ngọc Băng Nghi, học sinh Trường THCS Trần Hưng Ðạo (quận Ninh Kiều), cho biết: “Qua nghe cán bộ Bảo tàng TP Cần Thơ giới thiệu tiêu chuẩn về người Cần Thơ, em đã hiểu và sẽ cố gắng thực hiện. Em hiểu hơn những giá trị, cốt cách người Cần Thơ từ xưa đến nay”.

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, cho rằng: Việc thực hiện đề án rất cần sự tham gia và trách nhiệm của toàn xã hội, từ nhà trường, phụ huynh và xã hội. Những đơn vị, cách làm hay về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học cần được nêu gương, giao lưu kinh nghiệm để nhân rộng.

Quả vậy, trong bối cảnh hiện nay, đâu đó vẫn còn những thông tin không vui về học sinh đánh nhau, học sinh vi phạm pháp luật. Nhất là sự bùng nổ của mạng xã hội có tác động không nhỏ đến lối sống, suy nghĩ, tình cảm của các em. Việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, ngay từ bậc học mầm non, ngay từ khi các em đi học, được xem là “uốn cây từ thuở còn non...”. Nhân cách, hành vi ứng xử của một con người, một khi được chăm bồi, rèn luyện từ nhỏ thì “dẫu không thành công cũng phải thành nhân”, bởi lẽ “nhân chi sơ tính bổn thiện”!

Chia sẻ bài viết