12/04/2022 - 08:20

Hành động vì mục tiêu chung:

Ðưa ÐBSCL phát triển bền vững 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Hà Lan là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong hiện thực hóa mục tiêu đưa ÐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với khí hậu. Mối quan hệ đối tác lâu dài này được củng cố bởi nhiều thỏa thuận trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và các khoản tài trợ thông qua các dự án, sáng kiến tập trung triển khai tại các tỉnh, thành trong vùng. Tại Diễn đàn Kinh doanh ÐBSCL vừa diễn ra mới đây, các chuyên gia đến từ Hà Lan cập nhật chương trình nghị sự Việt Nam - Hà Lan tại ÐBSCL và giới thiệu các giải pháp giải quyết các thách thức ở đồng bằng. Dịp này, doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan gặp gỡ, trao đổi và mở rộng các cơ hội kinh doanh, với những giải pháp đổi mới sáng tạo và các kinh nghiệm của Hà Lan trong quản trị nguồn nước, nông nghiệp công nghệ cao và hậu cần logistics.

Sản phẩm nông sản sạch, trồng theo công nghệ cao trưng bày, giới thiệu tại Diễn đàn Kinh doanh ÐBSCL.

Theo Ðại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman, hiện có khoảng 18 triệu người sống phụ thuộc vào nền kinh tế của ÐBSCL. Tuy nhiên, vùng đất này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về biến đổi khí hậu; thách thức nguồn nước; giao thông, hậu cần logistics còn yếu kém… Thực tế này đòi hỏi giải quyết các vấn đề của ÐBSCL cần có cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, có giá trị cao. Mặt khác, ÐBSCL cũng cần tập trung phát triển các đầu mối kinh doanh nông sản để chế biến, gia tăng giá trị; cải thiện giao thông, hậu cần bao gồm cả đường thủy nội địa... Những định hướng, giải pháp nêu trên nếu được thực hiện đúng cách, kịp thời không chỉ giúp giải quyết được khó khăn hiện hữu mà còn cho phép khai thác toàn bộ tiềm năng của vùng. "Chúng ta phải hành động ngay theo hướng thích ứng với thiên nhiên thay vì chống lại nó. Cùng với sự phát triển kinh tế, các địa phương trong vùng cũng cần phải bảo vệ môi trường và đảm bảo quản lý nước tốt để bảo vệ các vùng nước ngọt và ven biển, cải thiện chất lượng nước" - Ðại sứ Elsbeth Akkerman nhấn mạnh.

Ðể hỗ trợ ÐBSCL vượt qua khó khăn, phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Hà Lan đã đầu tư khoảng 50 triệu USD từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân cho các dự án và sáng kiến tại ÐBSCL. Tại Vĩnh Long, Chính phủ Hà Lan đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại 19,5 triệu USD cho dự án trị giá 202,2 triệu USD hỗ trợ tỉnh này thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ người dân trước rủi ro lũ lụt. Bên cạnh đó, phía Hà Lan đã và đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ các tỉnh thuộc khu vực ÐBSCL: Nâng cao chất lượng trái cây Việt Nam; Trữ nước ở ÐBSCL; Dự án chuyển đổi rác thải nông nghiệp thành năng lượng ở tỉnh Hậu Giang... Bên cạnh đó, các chuyên gia Hà Lan còn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Việt Nam xây dựng bản Quy hoạch tích hợp vùng ÐBSCL. Ngày 28-2 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch vùng ÐBSCL, quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, khẳng định: Hà Lan có lợi thế về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, logistics, cảng biển, quản lý nguồn nước… trong khi ÐBSCL lại có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhu cầu hoàn thiện hạ tầng logistics, nguồn lao động dồi dào… Ðây là nền tảng để 2 bên có thể phối hợp và hỗ trợ tốt cho nhau. Vào tháng 1-2021, Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Thực phẩm Hà Lan phối hợp với VCCI thành lập Nền tảng Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan cho ÐBSCL. Ðến nay, các bên đã phối hợp thực hiện nghiên cứu tiềm năng, cơ hội đầu tư tại vùng ÐBSCL hướng đến đối tác Hà Lan, nhằm phân tích và đưa các cơ hội cụ thể cho doanh nghiệp Hà Lan khi muốn đầu tư, kinh doanh tại vùng ÐBSCL. Diễn đàn hôm nay cũng là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Nền tảng Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan.

Theo các nhận định từ các chuyên gia, những năm gần đây, khi đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, chính quyền, doanh nghiệp, người dân ÐBSCL không chỉ nhìn ở mặt trái mà còn ở cả góc độ tích cực: cơ hội chuyển đổi, tổ chức lại sản xuất; phát triển đa dạng sản phẩm thân thiện môi trường…  Khảo sát của VCCI Cần Thơ cho thấy, đa phần doanh nghiệp của Hà Lan và Việt Nam đều đánh giá vùng ÐBSCL có chi phí không chính thức thấp, chứng tỏ chính quyền rất tích cực trong điều hành, môi trường kinh doanh được cải thiện rất nhiều; năng suất lao động cũng được kỳ vọng cải thiện rất lớn trong những năm tới… Tuy nhiên, ÐBSCL vẫn còn hạn chế như: thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư còn khá chậm, dịch vụ công trực tuyến được đầu tư nhiều nhưng chưa đáp ứng mong muốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; khai thác giao thông thủy còn hạn chế nhiều… Ðây là những điểm nghẽn cần nhanh chóng khơi thông để ÐBSCL thu hút thêm được nhiều luồng đầu tư trong và ngoài nước.

Mặt khác, hướng đến sự phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu vấn đề thay đổi về cách nghĩ, cách làm tại ÐBSCL hiện nay rất quan trọng. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, nhấn mạnh: "Muốn phát triển bền vững, trước hết chúng ta phải thay đổi trước từ tư duy. Chẳng hạn, trong phát triển nuôi tôm nước lợ xuất khẩu, vấn đề quan ngại nhất là ô nhiễm môi trường. Thay vì chúng ta nuôi tôm đến đâu chặt đước đến đó, vậy sao chúng ta không vừa nuôi tôm vừa trồng cây hay sử dụng công nghệ của Hà Lan để xử lý nước đầu ra của ao tôm".

Ðại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman, nhấn mạnh: "Vai trò quan trọng của ÐBSCL về kinh tế, sinh thái và xã hội đối với Việt Nam là không thể bàn cãi. Chúng ta có chung mục tiêu: đảm bảo vùng đồng bằng tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai, có khả năng phục hồi về mặt kinh tế và sinh thái. Ðiều này đòi hỏi một cách tiếp cận thuận thiên, liên ngành và tích hợp. Hà Lan mong muốn trở thành đối tác của Việt Nam trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của hai nước về nước, biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, thông qua các giải pháp về hậu cần và phân phối".

Chia sẻ bài viết