19/05/2019 - 07:47

“Tình Bác sáng đời ta” 

“Tình Bác sáng đời ta” không chỉ là tên một ca khúc kinh điển mà còn là tiếng lòng của muôn triệu trái tim Việt Nam với Bác Hồ kính yêu. Bằng tình cảm thiêng liêng, nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã viết nên những giai điệu đẹp về Bác Hồ. Các nhạc sĩ quê hương Cần Thơ cũng vậy, tự hào với những khúc ca về Bác.

Một tiết mục ca ngợi Bác Hồ do Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ biểu diễn. 

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) quê ở Ô Môn, Cần Thơ, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1969-1976), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc Hội (1976-1986), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật… Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, vị nhạc sĩ tài hoa người Cần Thơ để lại hàng trăm ca khúc, nhạc kịch… giá trị, trong đó có những ca khúc đề tài ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sau này được gọi là “Lãnh tụ ca”, là thể loại chính ca hào hùng. Nhạc sĩ Dân Huyền thuật lại lời kể của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước rằng, ca khúc này được sáng tác năm 1947 và đến năm 1950 thì Bác Hồ đã nghe tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ I tại Chiến khu Việt Bắc. Sau đó, qua lời đề nghị của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ca khúc này đã được nhà văn Nguyễn Đình Thi chỉnh sửa lại phần lời như hiện nay (lời 1). Năm 1951, bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” được cất vang trong Đại hội liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ III giữa lòng thủ đô nước Đức. Đến sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhạc sĩ Lưu Hữu Phước soạn thêm lời 2, lời 3. Nhiều năm qua, khi đến lúc Đài Tiếng nói Việt Nam báo giờ, những giai điệu mở đầu của “Lãnh tụ ca” lại vang lên réo gọi: “Sao vàng phất phới ánh hồng sáng tươi. Toàn Việt Nam đón chào ngày mới”. Với ca từ giản dị, giai điệu chậm vừa, trang nghiêm, ca khúc đã đi vào bao thế hệ người yêu nhạc, trở thành “Lãnh tụ ca” của nước Việt Nam.

Với “Tình Bác sáng đời ta”, lời của Long Hưng - Minh Tuyền, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã gửi gắm tấm lòng của muôn triệu trái tim Việt Nam với Bác kính yêu: “Người đi xa vắng, tiếng của Người còn đây. Tình Người bao la sáng soi cuộc đời ta hằng ngày”, hay: “Ôi thiêng liêng tiếng Bác nghe như lời Tổ quốc…”. Giai điệu trân trọng, tha thiết và ấm lòng, “Tình Bác sáng đời ta” đã quen thuộc với bao thế hệ người dân Việt Nam. Ngoài ra, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn sáng tác rất nhiều ca khúc hay về Bác Hồ. Đơn cử như chùm ca khúc thiếu nhi viết cho nhạc kịch “Chúc thọ Bác Hồ” nhân dịp Bác Hồ tròn 60 tuổi - năm 1950 với “Em viết tên Bác Hồ”, “Em vẽ hình ảnh Bác Hồ”.

Cũng là người con quê hương Ô Môn, Cần Thơ, nhạc sĩ Trần Kiết Tường nổi danh với những ca khúc vận dụng dân ca vào giai điệu như “Anh Ba Hưng”, “Áo bà ba”… Trong đó, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” là ca khúc để đời của vị nhạc sĩ gốc Tây Đô. Hay biết bao những giai điệu đẹp: “Tôi hát ngàn lời ca. Nồng nàn hơn nắng ban mai. Đẹp tình hơn cánh hoa mai. Hùng thiêng hơn núi sông dài. Là một niềm tin Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người!”. Điều đặc biệt nhất là ca khúc này được mở đầu bằng mấy câu hò, cảm tác từ điệu hò Cần Thơ. Chi tiết này chính người viết đã được nghe nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại. Chuyện là đầu thập niên 1980, khi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về Cần Thơ sưu tầm dân ca để thực hiện công trình “Dân ca Hậu Giang”, đã gặp và nghe bà Thái Ngọc Lang (thời điểm đó đã 81 tuổi), mẹ ruột nhạc sĩ Trần Kiết Tường, hò, hát dân ca. Chính điệu hò Cần Thơ trứ danh: “Hò ơ, sao Vua chín cái, sao Bánh Lái nằm chồng…” mà Trần Kiết Tường nghe mẹ hò từ thuở nhỏ đã tạo cảm hứng cho ông viết một ca khúc hay về Bác Hồ.

Với bao thế hệ trẻ Việt Nam, ca khúc “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” như một khúc tráng ca thúc giục tuổi trẻ Việt Nam sống đẹp, sống có ích, sống hiến dâng cho Tổ quốc. Đó còn là sự cảm nhận sâu sắc về Bác Hồ kính yêu: “Hồ Chí Minh công ơn của Bác như biển trời. Tình Người ấm trong tim ta trên đường tranh đấu”. Tác giả của ca khúc này chính là nhạc sĩ Triều Dâng, cũng là một người con của quê hương Ô Môn,  Cần Thơ. Bằng giai điệu hành khúc và cảm xúc dâng tràn trong từng ca từ, nhạc sĩ Triều Dâng đã giúp tuổi trẻ vun bồi lý tưởng cách mạng và lòng yêu kính Bác Hồ nhiều hơn.

Cần Thơ, vùng đất mệnh danh là “Tây Đô”, là “Cầm Thi Giang” với truyền thống văn hóa, nghệ thuật lâu đời. Những nghệ sĩ quê hương Cần Thơ, trong đó có các nhạc sĩ nổi danh như Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Triều Dâng… đã góp khúc ca để tấm gương, đạo đức và những di sản quý báu mà Bác Hồ để lại cho dân tộc mãi trường tồn.

Yêu Bác, lòng lại dặn lòng: “Vì đất nước ta ra đi xây đời hạnh phúc. Cho mai sau thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”... như ca từ trong “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” vậy.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết