28/11/2021 - 09:39

“Thơ Haiku cho tôi đôi mắt để nhìn sự vật” 

Ðó là lời chia sẻ của tác giả trẻ Lâm Long Hồ (Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh An Giang) nhân dịp ra mắt tập thơ Haiku “Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm” (NXB Ðà Nẵng ấn hành). Lâm Long Hồ chọn lối đi khác biệt trên con đường văn chương và mang đến màu sắc tươi mới với thể loại thơ “ít chữ, kiệm lời”.

Tác giả Lâm Long Hồ bên tập thơ Haiku vừa ra mắt. Ảnh: NVCC

Bình về tập thơ này, nhà thơ Nhật Chiêu - bậc thầy thơ Haiku ở Việt Nam - cho rằng, thơ của Lâm Long Hồ là khoảnh khắc tĩnh và động. Liên kết những gì rất tĩnh như xác hoa, xác ve, rồng đá... và động từ nở, hát, bay... là sở trường của anh, làm nên những khoảnh khắc thơ Haiku độc đáo, bay bổng.

Nhà thơ Nhật Chiêu dẫn chứng bài thơ “Ve hát bên xác mình” và thốt lên: “Xứng đáng là thứ thơ một dòng đầy ám ảnh, Long Hồ ơi! Ai có thể hát vang bên xác mình như con ve ấy nhỉ?”. Ông kể, có lần ngồi dưới một gốc xoan ở một vùng quê Hội An, một xác ve rỗng đã rơi xuống mình ông và ông lại nghe tiếng ve rền vang. Thơ Long Hồ đã đưa ông về khoảnh khắc tinh khôi ấy.

Là một tác giả trẻ, Lâm Long Hồ chọn thể thơ Haiku để theo đuổi và thổ lộ lòng mình. Còn nhớ cách đây gần 2 năm, anh đã đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác thơ Haiku Việt - Nhật do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức với bài thơ vỏn vẹn có 15 chữ:

Cà phê ngày Tình nhân

hai màn hình điện thoại

chiếu sáng hai mặt người”

Có lẽ từ thành công này mà Long Hồ ngày càng mặn mòi với thơ Haiku. Thơ anh viết ngày càng hàm ngôn, ẩn ý bên ngoài lớp vỏ vỏn vẹn chỉ hơn chục từ, có khi chỉ 5 từ.

Khoảng 200 bài thơ trong “Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm” cho thấy sự thành công và chững chạc trong thế giới thơ Haiku của anh. Ðó là những bài thơ đậm chất thiền, mang đến cho người đọc sự tĩnh lặng, chiêm nghiệm:

Một tiếng chuông ngân

mặt hồ tĩnh lặng

gợn lên mấy lần”

Hay là bài thơ sau đây, hẳn sẽ khiến nhiều bạn trẻ suy nghĩ về “thế giới ảo”:

Cô gái selfie

bên nhánh cây khô

kết đầy mai vải”

Và còn có những vần thơ đầy triết lý về kiếp nhân sinh, vòng luân hồi của đời người, về sự hồi sinh...

Người thân

giờ là

tấm ảnh”

Hay:

“Trẻ con Ba Chúc

hát đồng dao

bên xương người”

Lâm Long Hồ chia sẻ: Anh mê thơ Haiku vì khi đọc, mình lại được khám phá chính bản thân mình, như đang đọc chính mình. Thơ Haiku tạo ra một khoảng trống rất lớn để người đọc đồng sáng tạo và suy tư. Thích nhất là những cảm giác trăn trở, bừng ngộ, đau khổ, thanh thản khi đọc được một bài thơ hay. “Thơ Haiku mang lại cho tôi đôi mắt để nhìn sự vật, sự việc rõ ràng hơn và thấu suốt hơn”, Long Hồ nói.

Long Hồ khiêm tốn rằng, anh không dám có ý kiến việc “làm sao để viết được thơ Haiku hay”, mà chỉ xin chia sẻ những bí quyết từ các bậc tiền bối mà anh đã góp nhặt được. Theo tác giả Suzuki Daisetsu trong “Thiền và Haiku”, người viết thơ Haiku nên biểu lộ được cái cảm nhận đích thực, không giả tạo, tính toán hay thủ thuật gây hiệu quả. Nói cách khác, trong thơ không thấy đâu là cái “ngã” của nhà thơ nhắm vào việc được vinh danh. Còn theo Teijo Nakamura, một bậc thầy của Haiku Nhật Bản, nguyên tắc cơ bản nhất của Haiku là: “Hãy trung thực với bản thân và hãy viết về những gì đang tồn tại ngay tại đây và vào lúc này”.

Những góp nhặt quý báu đó đã được Lâm Long Hồ đưa vào tác phẩm của mình, khéo léo và sống động.

ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết