16/12/2016 - 13:36

“Săn” rêu biển phải có ý thức

Rêu biển như một món quà của thiên nhiên ban tặng để tạo không gian khác, một sắc màu khác và cả cái nhìn khác về môi trường, cảnh quan biển Việt Nam. Vì thế, đi du lịch "săn" rêu biển cần phải có ý thức giữ gìn, để nhiều người có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp miền biển vào mùa rêu.

Trước khi "săn" rêu, bãi đá sỏi 7 màu hoang sơ ở Bình Thuận cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai thích sống hòa mình cùng thiên nhiên.

Đi biển mùa rêu, nhiều du khách dễ nổi cáu trước sự vô ý thức của một số người. Họ vô tư nện những bước chân lên mặt đá phủ màu rêu đẹp đẽ làm người khác nhói lòng. Nếu có ai đó nhắc nhở, họ miễn cưỡng bước ra khỏi bờ đá rêu nhưng lát sau lại quay trở lại, giẫm đạp dữ dội hơn để có những bức ảnh mà họ mong muốn. Thậm chí, có người còn bất chấp sự nhắc nhở của người khác, nghiễm nhiên đi lại trên bãi đá rêu như thể đó là sân nhà riêng.

Đành rằng, rêu biển không phải là sinh kế của người dân bản địa, cũng không phải là thứ đắt đỏ hay tốn nhiều công sức để tạo ra. Rêu là tự nhiên, tự sinh rồi tự diệt. Nhưng cũng phải nhìn lại, nhờ có mùa rêu, những bãi biển trở nên khác biệt, thu hút bao người đổ xô đến tận hưởng, tạo thêm sinh kế cho người dân bản địa và niềm vui cho du khách. Một chút trân trọng với thiên nhiên cũng là lòng tự trọng, ý thức của bản thân đối với môi trường, với cộng đồng. Rêu không của riêng ai nhưng biết trân trọng nó thì du khách được mọi người xung quanh trân trọng và nhìn với ánh mắt đầy thiện cảm.

Bởi thế, chẳng trách nhiều người mê du lịch cố giấu nhẹm những địa điểm hoang sơ, xinh đẹp, hoặc hạn chế cho nhiều người biết vì sợ cảnh quan thiên nhiên bị hủy hoại do tình trạng kém ý thức của một số người, nhất là việc xả rác bừa bãi và không biết trân trọng thiên nhiên. Có lẽ sự "giấu giếm" đó khiến nhiều người khó chịu, nhưng âu đó cũng có lý do chính đáng là không muốn thiên nhiên bị xâm hại bởi những người đi du lịch thừa tiền nhưng thiếu ý thức cộng đồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Thành

Chia sẻ bài viết