02/04/2022 - 09:41

“Sạn” ở các gameshow truyền hình 

Nếu ví gameshow truyền hình hiện nay như một chén cơm nóng hổi thì những sai sót, ngô nghê của các chương trình này như những hạt sạn khiến khán giả phải “ê răng”!

Câu hỏi và đáp án gây tranh cãi trong chương trình “Chọn ai đây”. Ảnh chụp màn hình

Câu hỏi và đáp án gây tranh cãi trong chương trình “Chọn ai đây”. Ảnh chụp màn hình

Mới đây, nhà sản xuất chương trình “Chọn ai đây” (phát trên kênh HTV7) đã phải xin lỗi vì sai sót trong tập 10 đã phát sóng. Cụ thể, câu hỏi đặt ra là: “Vào năm 2021, MV nào đã xác lập kỷ lục Guinness thế giới, trở thành MV có lượt xem 24 giờ sau khi phát hành “khủng” nhất YouTube?”. Người chơi Khả Như đưa ra đáp án là ca khúc “Lalisa” của Lisa. Người dẫn chương trình là diễn viên Trường Giang xác nhận đây là đáp án đúng.

Sau chương trình, khán giả phản ứng vì đây là đáp án sai. MV có lượt xem cao nhất trong 24 giờ đầu của năm 2021 phải là “Butter” của nhóm nhạc BTS. Câu trả lời của Khả Như chỉ đúng khi câu hỏi là “MV nghệ sĩ hát đơn (solo)”. Khán giả còn “soi” sự cẩu thả của chương trình khi từ “Guinness” bị viết sai thành “Giunness”. Nhưng điều đáng nói là trong lời xin lỗi phát trên trang facebook của chương trình, nhà sản xuất lại vòng vo rằng do người dẫn chương trình và biên tập đã “bắt tín hiệu” là “MV solo” nhưng phần ghi hình này không được phát sóng (?!!).

Cách đây chưa lâu, ê-kíp sản xuất chương trình “Sao nhập ngũ” cũng phải lên tiếng xin lỗi vì trong tập 2 của chương trình, một số bản nhạc được chèn vào không phù hợp với nội dung chương trình và môi trường quân ngũ. Những đoạn nhạc vô duyên và phản cảm ấy cũng được loại bỏ trong bản phát trên YouTube. Người xem thắc mắc rằng, một chương trình có lượt theo dõi rất lớn cả trên truyền hình lẫn mạng xã hội thì liệu có cần phải “chiêu trò” như thế không?

Gameshow “Vua tiếng Việt” trong số phát sóng gần đây cũng gây tranh cãi với phần chiến thắng của người chơi, đoạt giải thưởng 180 triệu đồng. Trong phần thử thách làm thơ trong 60 giây với thể thơ lục bát, chủ đề về bảo vệ di sản văn hóa, người chơi cảm tác: “Biết bao di sản quý vô vàn/ Thiên nhiên văn hóa cùng thời gian/ “Cật lực” bảo vệ và gìn giữ/ Trường tồn còn mãi với non ngàn”. Đành rằng việc làm thơ trong thời gian rất ngắn là chuyện khó và thành tích người chơi đạt được là qua các vòng thi chứ không phải chỉ phần làm thơ. Nhưng người xem vẫn băn khoăn khi “Vua tiếng Việt” lại sáng tác bài thơ “lục cục lòn hòn” như thế. Gọi là văn bắt vần  thì được chứ là một bài thơ thì hơi quá lời!

Vài năm trở lại đây, nếu chịu khó điểm lại những sai sót trong các gameshow truyền hình, nhất là các chương trình vấn đáp kiến thức, có lẽ phải liệt kê vài mươi trang giấy liền. Còn nhớ những sai sót “trời ơi” khác như tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Nam Cao (đúng ra phải là nhà văn Kim Lân), nhạc sĩ Cao Văn Lầu là ông Tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (câu hỏi không bao giờ có đáp án thỏa đáng)… trong một số chương trình khiến dư luận bức xúc. Một số chương trình đăng đàn xin lỗi, cũng có một số chương trình im lặng và chỉnh sửa bản đăng trên YouTube, nhưng cũng có chương trình chọn cách xấu hổ hơn là “gặp nhau làm ngơ”.

Đã là chương trình phát sóng rộng rãi, lại mang danh nghĩa phổ biến kiến thức, các gameshow truyền hình cần hạn chế tối đa nhưng sai sót. Vì với độ phủ rộng của mạng xã hội, những sai sót đó rất dễ đi xa hơn với những hậu quả khó lường. Sai mà nhận lỗi là điều tốt nhưng nếu cứ sai sót hoài rồi xin lỗi mãi thì niềm tin của khán giả với gameshow truyền hình sẽ dần cạn kiệt...

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết