06/01/2024 - 12:12

“Phô tô” tàu chiến bằng bìa carton 

Đam mê với thiết bị quân sự, Trịnh Tuấn Kiệt, học sinh lớp 12X, Trường THPT Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đã làm hơn 30 mô hình tàu chiến hiện đại, có cả hệ thống vũ khí tiên tiến y như nguyên bản, từ bìa carton.

Tàu sân bay với hàng chục máy bay và tàu ngầm vô cùng đẹp mắt.

Vốn đam mê khoa học, công nghệ, yêu thích những kiến thức liên quan đến khí tài quân sự, Kiệt đã bỏ công tìm tòi sáng chế những mô hình tàu chiến, máy bay y như nguyên bản khiến mọi người trầm trồ, thán phục. Kiệt cho biết bắt đầu làm mô hình từ năm lớp 7, khi đó em chỉ làm những mô hình nhỏ như súng. Lên lớp 8, Kiệt bắt đầu tìm hiểu và chuyển sang làm những mô hình phức tạp hơn như tàu quân sự. Khi mới bắt đầu, Kiệt gặp nhiều khó khăn như tay nghề kỹ thuật chưa cao, nhiều sai sót trong thiết kế, cắt dán, chưa đạt được độ thẩm mỹ. Nhờ chịu khó tìm hiểu, tự nâng cao tay nghề, Kiệt nâng dần độ khó khi làm những chiến hạm to, nên giờ đây các mô hình đã gần giống như nguyên bản.

“Từ nhỏ em đã đam mê đặc biệt với trang thiết bị, vũ khí quân sự nên ấp ủ làm mô hình trưng bày mà không cần phải xin tiền cha mẹ để mua. Ban đầu, em chủ yếu làm mô hình súng bằng bìa carton. Sau đó, làm những mô hình đòi hỏi kỹ thuật cao, mức độ khó hơn như tàu chiến bằng vật liệu bìa cứng (bìa foam) hoặc nhựa” - Kiệt kể.

Để làm được những mô hình phức tạp từ những thứ tưởng chừng bỏ đi như bìa carton, bìa cứng hoặc nhựa, Kiệt phải tìm hình ảnh, tài liệu thiết kế từ các trang mạng xã hội tham khảo kết hợp với sự sáng tạo của bản thân để làm ra mô hình hoàn chỉnh. Mỗi mô hình làm ra trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp từ vẽ thiết kế, chuẩn bị nguyên liệu, cắt và dán keo để tạo khung ban đầu, cho đến trang trí những chi tiết nhỏ như sơn màu, vẽ, dán logo, phù hiệu…

Với niềm đam mê khoa học, công nghệ, Kiệt đã mày mò làm ra nhiều mô hình tàu chiến y như nguyên bản.

Ðến nay Kiệt đã làm ra trên 33 tàu, gồm tàu sân bay, tuần dương, hộ tống và những tàu hỗ trợ khác như: vận tải, đổ bộ, tiếp vận... Mỗi tàu Kiệt đều nghiên cứu kiến thức về lịch sử, địa lý gắn liền với nó. Kiệt cho biết: “Công đoạn khó nhất là làm những chi tiết nhỏ với số lượng nhiều như máy bay, tháp pháo, bệ tên lửa… cho các tàu. Mỗi sản phẩm hoàn thiện mất 3-5 ngày, còn đối với những tàu kích thước lớn, nhiều chi tiết mất 15-30 ngày”.

Trong tất cả các mô hình đã hoàn thành, Kiệt tâm đắc nhất là cặp tàu chiến gồm tàu tuần dương dài hơn 2,8m và tàu sân bay dài 3,2m. Khi làm 2 mô hình này, Kiệt đã đặt trọn tâm trí, sức lực vào đó. Chi phí mua vật liệu mỗi con tàu vài trăm ngàn đồng đều do Kiệt tiết kiệm, dành dụm để phục vụ đam mê. “Em chia làm 2 mô hình tàu là tàu đơn giản, dễ làm dài dưới 1,5m như tàu hộ vệ, cảnh sát biển… Mô hình tàu phức tạp là những tàu lớn dài từ 1,5m đến hơn 3m như tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu ngầm” - Kiệt cho biết.

Ðối với những con tàu ở Việt Nam, Kiệt làm 5 mô hình tàu tuần tra của Cảnh sát biển gần giống với nguyên bản và gắn động cơ có thể di chuyển trên mặt nước. Tùy theo kết cấu của tàu, Kiệt mất từ 1 tuần đến nửa tháng để hoàn thiện. Vừa qua, những mô hình sáng tạo của Kiệt đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau lựa chọn để triển lãm, trưng bày những hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và được trưng bày tại triển lãm về biển đảo ở Bình Thuận.

Thông qua những mô hình, Kiệt mong muốn lan tỏa tình yêu quê, hương đất nước cho các bạn trẻ hiện nay. “Khi làm những mô hình tàu quân sự này, em đã gửi gắm vào đó sở thích, niềm đam mê, cùng với tình yêu đất nước, biển đảo quê hương”- Kiệt tâm sự.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết