28/01/2024 - 08:34

“Phiên chợ” mùa đông trầm lắng khác thường 

Kể từ khi thị trường chuyển nhượng mùa đông mở cửa hồi đầu tháng 1, các CLB trên khắp châu Âu chưa kích nổ thương vụ “bom tấn” nào do gặp khó về tài chính.

Tân binh Dragusin của CLB Tottenham. Ảnh: Getty Images

Thắt chặt chi tiêu

Mang danh là đội dẫn đầu trên bảng chi tiêu ở thời điểm hiện tại, Tottenham thật ra cũng chỉ ký hợp đồng với tiền đạo Timo Werner theo dạng cho mượn và mua hậu vệ Radu Dragusin với giá gần 33 triệu USD bao gồm phụ phí. Tottenham đã đổi ý, không chiêu mộ tiền vệ Conor Gallagher vì lý do kinh tế. 20 đội ở giải Ngoại hạng Anh (EPL) chỉ mới chi tổng cộng 44 triệu USD trong kỳ chuyển nhượng tháng 1, so với hơn 890 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Các đội châu Âu chi tiêu dè sẻn trong tháng này là kết quả trực tiếp của hành động “xài sang” trước đó. Do thống trị về doanh thu phát sóng và thương mại, EPL thường là giải khởi đầu vòng quay chuyển nhượng. Trong 2 mùa hè qua, kỷ lục mua sắm cầu thủ ở EPL liên tiếp bị phá vỡ. Các đội EPL đã đầu tư 2,5 tỉ USD cho tân binh vào năm 2022. Nhưng kỷ lục này bị xô đổ bởi mức chi lên tới 3 tỉ USD ở mùa hè kế tiếp.

Ngay cả khi doanh thu tăng vọt bù đắp phần nào cho cách “xài sang” trên, trong một thế giới hậu đại dịch COVID-19, việc EPL cạn tiền là điều dễ hiểu. Và khi quân cờ domino đầu tiên không chịu đổ, phần còn lại của châu Âu đang phải chật vật tích góp để bổ sung những gì họ cần.

Sợ bị trừ điểm

Trước đây, các đội EPL có thể chi tiêu vượt quá khả năng của mình để theo đuổi các mục tiêu thúc đẩy kinh tế trong tương lai, chẳng hạn như tham dự Champions League hoặc tránh rớt hạng.

Nhưng với việc Chính phủ Anh thành lập một cơ quan quản lý bóng đá độc lập, EPL đã cảm thấy khó chịu khi đề cập đến các quy định tài chính. Cuối năm ngoái, Everton đã nhận đòn trừng phạt chưa từng có khi bị trừ 10 điểm vì vi phạm các quy tắc về lợi nhuận và tính bền vững (PSR). PSR quy định một CLB không được lỗ quá 133,8 triệu USD trong thời gian 3 năm. Với lỗi tương tự, Nottingham Forest cũng đang chờ hình phạt. Những vụ việc này khiến các đội còn lại ở EPL phải cảnh giác cao độ.

SPL chưa hành động

Với việc châu Âu đang trong tình trạng bế tắc kinh tế, các CLB hy vọng giải SPL của Saudi Arabia mua sắm rầm rộ như mùa hè rồi. Tuy nhiên, SPL vẫn đang im lặng trên thị trường chuyển nhượng. Nguyên nhân là bởi các đội SPL hiện chỉ được phép đăng ký tối đa 8 ngoại binh trong đội hình, trong khi phần lớn các suất này đã có chủ. Lý do thứ hai là các đội đợi đến mùa hè tới để “tậu” những ngôi sao như Casemiro và Mohamed Salah có thể sẽ rời châu Âu.

Thiếu cầu thủ phù hợp để các đội mua về phần nào cũng lý giải kỳ chuyển nhượng im lìm chưa từng có hiện nay. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng vài thương vụ nổi bật sẽ xuất hiện trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng, ngày 31-1l

- 1/3 tổng số tiền chi trên thị trường chuyển nhượng trong tháng 1-2023 là của Chelsea dưới thời chủ mới. Những ông chủ người Mỹ đến Chelsea và vung tiền, khiến “phiên chợ” mùa đông năm ngoái bận rộn hơn bình thường.

BÌNH DƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết