10/08/2015 - 21:40

“Phép nhân” cho bài toán nuôi tôm siêu thâm canh

Lần đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu, Tập đoàn nuôi tôm Việt-Úc "trình làng" công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Đến giữa tháng 7-2015, trong giai đoạn I, Việt-Úc tổ chức ngày hội thu hoạch tôm trên 70 hộ nuôi của 5 trại và tự tin vào sự thành công ban đầu, đạt năng suất khoảng 40-80 tấn/ha mặt nước/vụ. Nếu nuôi 3 vụ/năm khả thi, hiệu quả nuôi tôm sẽ nhân cao gấp 3 lần.

Tự tin công nghệ mới

Tập đoàn Việt-Úc cho biết là một trong những đơn vị dẫn đầu sản xuất tôm giống của cả nước, trong năm 2014 cung cấp ra thị trường hơn 15 tỉ con giống. Sau hơn 5 năm kết hợp với các viện, trường nghiên cứu thử nghiệm tại các địa phương thành công, Việt-Úc chính thức triển khai chương trình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, kết quả được công bố thành công là 100%.

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT - Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt-Úc, cho biết: Năm 2013 ngành tôm Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu tôm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỉ USD. Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục tăng, đạt gần 4 tỉ USD, chiếm hơn 55% tổng số kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Chúng tôi tự hào và mong muốn góp sức để ngành tôm phát triển bền vững, nuôi tôm đạt giá trị gia tăng. Vừa qua, Việt-Úc thực hiện nhiều chương trình đầu tư, áp dụng công nghệ vượt trội trong từng phân khúc của chuỗi giá trị gia tăng ngành tôm. Trong đó, chương trình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Việt-Úc kỳ vọng sẽ góp phần phát triển nghề nuôi tôm ở nước ta.

Vừa qua tại Bạc Liêu, Việt-Úc triển khai dự án nuôi tôm đầu tiên tại vùng ven biển huyện Hòa Bình với 50 ha, trong đó diện tích mặt nước 20,7 ha, với tổng cộng 23 trại, mỗi trại 18 ao, mỗi ao 500 m2. Tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng, tính ra suất đầu tư bình quân 7 tỉ đồng/ha mặt nước. Trong giai đoạn I đã hoàn thiện đưa vào sử dụng 5 trại. Mỗi trại phân chia ra 14 ao sản xuất nuôi tôm và 4 ao để xử lý nước. Đợt thả tôm giống đầu tiên vào ngày 20-3 đến 12-7 -2015 là 108 ngày, sau đó cứ cách mỗi tuần thả tiếp theo mỗi ao. Năng suất mỗi ao thu hoạch đạt 2-4 tấn/ao, tính ra tương đương khoảng 40-80 tấn/ha mặt nước/vụ và nuôi 3 vụ/năm có thể đạt 120-240 tấn.

Ông Tuấn so sánh: Năm 2013 cả nước có 7.000 ha nuôi tôm công nghiệp sản lượng đạt 12.000 tấn. Nếu so với ưu điểm của công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh khả năng tạo sự khác biệt lớn, chỉ cần 200 ha mặt nước có thể đạt sản lượng tương ứng. Nuôi tôm theo công nghệ mới, chất lượng ổn định, do chủ động kiểm soát trong vùng nhà kính, giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công nghệ ứng dụng men vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh, tôm nuôi sạch có giá trị cao và sử dụng nước theo hệ thống tuần hoàn, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn thủy sản… nên có thể thâm nhập vào những thị trường khó tính.

Theo ông Tuấn, bí quyết thành công là nhờ sản xuất được tôm bố mẹ, tôm giống tốt, với thức ăn chất lượng cao với nguồn nguyên liệu đầu vào áp dụng công nghệ vật liệu NOVACQ và công nghệ cho ăn tự động, cùng với hệ thống lọc, xử lý nước và áp dụng công nghệ cao nhà kính của Israel đáp ứng yêu cầu kiểm soát tốt tiểu khí hậu trong nhà kính; kiểm soát sinh học, dịch hại nhà kính với khả năng thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu.

Mở rộng đến nông hộ

Năm 2001 Tập đoàn Việt - Úc được thành lập và hiện có các công ty ở Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu và 3 công ty đang xây dựng sắp đưa vào hoạt động ở Nghệ An, Bến Tre và Cà Mau. Tổng công suất của các công ty sản xuất tôm giống trong tập đoàn khoảng 40 tỉ con/năm. Hiện nay ở vùng nuôi tôm ven biển nước ta thị phần con giống của Việt - Úc chiếm khoảng 20-22%.

Bên cạnh hoạt động sản xuất cung ứng tôm giống, Việt - Úc đang đặt mục tiêu hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao trong chiến lược mở rộng vùng nuôi 1.000 ha. Công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính không chỉ dành riêng cho những doanh nghiệp hay chủ trang trại giàu tiềm lực vốn. "Tập đoàn Việt-Úc mong muốn có nhiều người nuôi tôm tham gia và đang triển khai một số chương trình đồng hành cùng một số người dân nuôi tôm. Những hộ dân nuôi nhỏ lẻ có thể dùng 2 ao, mỗi ao 100m2. Một ao để xử lý nước, một ao để nuôi, chi phí đầu tư ao nuôi, bạt, xử lý ô-xy… khoảng 60 triệu đồng. Mỗi đợt thả nuôi thu hoạch ước đạt khoảng 600 kg/100 m2, lợi nhuận có thể đạt 20-30 triệu đồng/vụ. Hiện Việt-Úc đang triển khai nuôi cho một số hộ chọn lọc ở Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh" - ông Tuấn nói.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, khẳng định: "Nuôi tôm chân trắng với kỹ thuật nuôi siêu thâm canh là hướng phát triển mới đang được một số nước trên thế giới nghiên cứu phát triển. Với những thành công ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực, chúng tôi tự tin chương trình này mang lại lợi thế cạnh tranh cho tôm Việt Nam trên thị trường thế giới".

Mới đây, trong chuyến công tác về thăm các vùng nuôi tôm ven biển ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, nhận định: Trong 6 tháng cuối năm rất kỳ vọng các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau phục hồi nuôi tôm đạt về số lượng, chất lượng. Tuy tình hình dịch bệnh còn khó khăn, nhưng qua gặp gỡ các doanh nhân, nông dân nuôi tôm. "Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tập trung vào hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi tôm phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Trong đó, mô hình nuôi tôm tiên tiến kết hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, giám sát tốt các khâu từ con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, môi trường nuôi… chặt chẽ, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, kỳ vọng ngành nuôi tôm sẽ thành công" - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lạc quan.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết