20/10/2022 - 09:20

Ðóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) 

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, khó khăn hiện tại của ngành y tế. Dự thảo nhận được nhiều góp ý tâm huyết của các chuyên gia, những người hoạt động trong hệ thống y tế trên địa bàn thành phố.

Ðoàn y bác sĩ TP Cần Thơ khám, chữa bệnh miễn phí tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn.

Sau 11 năm đi vào thực tiễn, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) năm 2009 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực KBCB. Tuy nhiên, đến nay, một số nội dung của Luật KBCB vẫn chưa theo kịp xu hướng hội nhập quốc tế. Ðặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn trong KBCB, đào tạo người hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn mới trong KBCB... Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật KBCB (sửa đổi) là cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống và một số quy định cần chi tiết, cụ thể hơn. Ông Lê Phúc Hậu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Thới Lai, đề nghị: “Dự thảo Luật KBCB cần xem xét, bổ sung đối tượng được ưu tiên trong KBCB là người khuyết tật nói chung. Trong thực tế, những người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, chờ đợi, làm thủ tục... nên cần được ưu tiên hơn trong việc KBCB”.

Nhiều ý kiến đóng góp đề nghị Luật quy định chi tiết, đầy đủ về chế độ chính sách, thu nhập cho đội ngũ nhân viên y tế trong đơn vị công, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Ðối với Ðiều 30 của Dự thảo, có ý kiến đề nghị nghiên cứu về thời hạn của giấy phép hành nghề, có thể kéo dài hơn, vì thời hạn 5 năm chưa phù hợp, dễ gây quá tải. Tuy nhiên, theo BS CKII Lương Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thới Lai, đề nghị nên quy định như Dự thảo nhằm tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề của đội ngũ hành nghề KBCB.

Một trong những quy định được nhiều ý kiến đóng góp, là thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề KBCB. Một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề KBCB của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vì sẽ gây chồng chéo nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong công tác quản lý nhà nước về y tế. Bên cạnh đó, cần xem xét lại quy định về thời hạn đình chỉ hành nghề KBCB thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính vì các trường hợp bị đình chỉ hành nghề tại Ðiều 31 của Dự thảo không bao gồm các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính... BS CKII Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Trung ương Cần Thơ, đề nghị: "Cần có chính sách tiền lương hợp lý cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; nên nghiên cứu về hành vi bạo hành y tế; xác nhận nhân thân của bệnh nhân và cần phải có cơ chế bảo vệ người giúp đỡ bệnh nhân chuyển đến bệnh viện…".

Về vấn đề xã hội hóa trong hoạt động KBCB (Ðiều 106 của Dự thảo), nhiều ý kiến đồng tình với phương án quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động KBCB, gồm: đầu tư thành lập cơ sở KBCB tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở KBCB; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị… Các ý kiến cho rằng phương án này quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở KBCB, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết về các nội dung này.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề xuất Luật KBCB ban hành cần quan tâm hơn đến quyền quyết định KBCB của người bệnh; quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh. Ðồng thời quy định rõ, thống nhất về giá dịch vụ KBCB cho từng tuyến, trên cơ sở quy định của pháp luật, có thể quy định khung giá tùy theo vùng, miền. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về nghĩa vụ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về tôn trọng người thực hiện công tác KBCB...

Chia sẻ bài viết