Mấy năm gần đây, đội tuyển cầu lông Thái Lan cho thấy tiến bộ vượt bậc khi vào sâu các giải cầu lông thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với các đội tuyển mạnh Trung Quốc, Hàn Quốc…
Đội tuyển cầu lông nữ Thái Lan. Ảnh: BWF
Tại giải cầu lông vô địch châu Á - Sudirman Cup 2019, đội tuyển Thái Lan được xếp ở nhóm 1 - nhóm cạnh tranh vô địch. Đội tuyển xứ Chùa Vàng không mấy khó khăn vượt qua vòng đấu loại để vào đến bán kết, gặp nhà vô địch Sudirman Cup 2018 là đội tuyển Hàn Quốc. So tương quan lực lượng, đội tuyển Hàn Quốc có vẻ nhỉnh hơn, nhưng các tay vợt Thái Lan luôn có phong độ tốt khi thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia. Với chiến thuật hợp lý, đội tuyển Thái Lan có chiến thắng ấn tượng, biến đội tuyển Hàn Quốc thành cựu vô địch. Trận thắng ấn tượng nhất của Thái Lan là của nhà vô địch thế giới 2013 - Ratchanok Intanon trước tay vợt mạnh mới 17 tuổi của Hàn Quốc là Se Young An. “Sao mai Hàn Quốc” nổi lên như một hiện tượng của làng cầu lông khi cô thắng hàng loạt tên tuổi lớn để vô địch Masters đầu tiên trong sự nghiệp tại New Zealand Open 2019. Đặc biệt, ở Sudirman Cup 2019, cô cũng có màn lội ngược dòng không thể ấn tượng hơn để thắng đương kim số 1 thế giới Tai Tzu Ying, khi đội tuyển Hàn Quốc gặp Đài Loan.
Cũng ở cấp độ đội tuyển, các nữ VĐV Thái Lan từng làm nên lịch sử khi lần đầu tiên thắng đội nữ Trung Quốc tại bán kết Uber Cup năm 2018, để có mặt ở trận chung kết gặp đội tuyển nữ Nhật Bản. Dù chỉ đứng thứ Nhì khi thất bại trước đội tuyển Nhật Bản có 3 đôi nữ đang đứng đầu thế giới, 2 đơn nữ trong Top 3 thế giới, nhưng tuyển nữ Thái Lan đã lập được kỳ tích cho mình.
Mặc dù nhiều tuyển thủ Thái Lan không có được vị trí cao trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới, nhưng khi được khoác lên chiếc áo đội tuyển quốc gia, họ thể hiện phong độ đáng kinh ngạc. Chẳng hạn như Busanan Ongbamrungphan đã thắng áp đảo cựu vô địch Olympic người Trung Quốc với tỷ số đậm 21-11, 21-9, mặc dù vị trí của cô trên bảng xếp hạng thua đối thủ vài chục bậc. Tương tự, tay vợt Ratchanok Intanon dù bị rớt xuống đến thứ 8 trên bảng xếp hạng, nhưng hầu hết các trận đánh cho đội tuyển, cô đều giành thắng lợi. Các tay vợt nam, như: Khosit Phetpradab, Kantaphon Wangcharoen,… cũng thi đấu xuất thần.
Thành công của đội tuyển cầu lông Thái Lan là kết quả của sự đầu tư có chiều sâu và sự cộng đồng của xã hội. Không chỉ tài trợ cho đội tuyển quốc gia, khen thưởng cho vận động viên đạt thành tích cao, Tập đoàn SCG (Thái Lan) còn thành lập học viện cầu lông để đào tạo vận động viên. Tập đoàn đã phối hợp cùng Văn phòng Quản lý tài sản Hoàng gia Thái Lan nâng tầm Học viện Cầu lông SCG thành Trung tâm huấn luyện khoa học thể thao chuyên biệt cho cầu lông, đạt tiêu chuẩn hàng đầu châu Á ngay tại Thủ đô Bangkok. Học viện có 18 sân thảm Yonex đủ tiêu chuẩn tập luyện và thi đấu quốc tế, khán đài 1.200 chỗ ngồi, phòng tập thể lực với trang thiết bị hiện đại, khu nhà 50 phòng gồm các phòng chức năng và phòng nghỉ cho ban huấn luyện cùng đội ngũ chuyên gia khoa học thể thao và các vận động viên tập trung tập luyện.
Hằng năm, học viện tổ chức chiêu mộ học viên khắp cả nước để đưa về đào tạo miễn phí tại trung tâm. Không chỉ được tập luyện, các tay vợt còn được học phổ thông ở hai ngôi trường trung học nổi tiếng bậc nhất Thái Lan là Wat Suthiwararam và Si Suriyothai. Khi tay vợt nữ số 1 Thái Lan Intanon vô địch thế giới, SCG đã thưởng cho cô hơn 2 tỉ đồng và một suất học bổng kéo dài từ đại học đến hoàn thành tiến sĩ. Dù được trung tâm đầu tư đồng bộ, nhưng sau khi rời khỏi trung tâm, các vận động viên có quyền chọn thi đấu cho bất cứ câu lạc bộ nào. Đổi lại cho sự đầu tư trên, SCG vẫn là nhà tài trợ chính cho các tay vợt để phát triển thương hiệu.
H.T