Truyện ngắn: KAI HOÀNG
1.Ba tôi bỏ nhà đi theo một đoàn cải lương. Lúc đó tôi chỉ là một dấu chấm nhỏ trong bụng của má. Đến khi má sinh tôi chưa đầy tháng, ba tôi có trở về, nhìn nhìn đứa nhỏ rồi reo, thằng nhỏ giống tui dễ sợ. Ba dúi vào tay má vài tờ giấy bạc rồi lại biệt tăm. Má tôi giận đến mức đem mấy đồng bạc ra sau nhà ngồi đốt.
Khi tôi lên sáu, lần đầu tiên tôi bị trôi sông. Trưa nắng ngồi trên ghe phía sau nhà, dây buộc lỏng. Vậy là trôi. Tôi khóc dội một khúc sông. Hàng xóm nghe thấy chạy qua nhà gọi má. Má liền mượn ghe đuổi theo, buộc dây trên mõm đầu ghe tôi, kéo về nhà. Khi bước những dấu chân đầu tiên trên bậc thềm đã thấy má khóc trách, nhà có một người trôi chân chưa đủ sao còn đến phiên mày.
Tôi biết người trôi chân đó là ai.
Tôi chưa bao giờ giận ba. Cho đến khi tôi mười tám và đã nhận thức đủ đầy, tôi vẫn chưa bao giờ giận ba. Tôi chỉ gọi người đàn ông vài năm xuất hiện một lần đó là ba, tôi chưa bao giờ có cảm giác một người ba là phải như thế nào. Nó giống như một căn nhà rỗng, gió lùa vào cửa sổ rồi cũng chui lên trần nhà bay mất.
Má nói tôi cũng là một căn nhà rỗng, trống trơn. Đâu, con còn có má, tôi cười cười. Má thở dài.
Lần gần nhất ba tôi trở về và ở lì suốt một tháng. Ban ngày ba xách ghe chở tôi đi chài cá. Cái nắng chói lói khắc sâu thêm mấy vết chân chim của một người rày đây mai đó. Tôi chỉ chú mục vào đôi chân trần, ngó coi nó có gì khác với một đôi chân không trôi.
Ba hỏi tôi:
- Má mày dạo này sao?
- Vẫn khỏe.
- Có nhiều người để ý má mày không?
- Nhiều lắm.
Tôi muốn nói là má còn trẻ lắm, nên vẫn còn nhiều người mê. Nhưng lại thôi.
- Sao má mày không chịu người ta đi?
- Má nói ghét đàn ông lắm.
Ba tôi không biết hát cải lương. Ba chỉ đi theo dựng và dỡ rạp mỗi khi đoàn đặt chân tới một mảnh đất xa xôi nào đó. Tôi hỏi, ở đó có gì vui mà ba phải theo. Ba nói ba thương một người. Ai vậy? Một cô đào. Cái cô đào tên Hoài Thương có giọng ngọt như mía lùi mấy lần về đây hát phải không? Ba gật đầu.
Má biết điều đó. Dĩ nhiên là má tôi biết. Biết rõ là đằng khác. Má giận, nhưng lại thôi. Má tôi còn muốn níu kéo người đàn ông này lắm. Không níu kéo thì sao phải ở đây, làm sợi dây vô hình để nhắc nhớ rằng ba tôi vẫn còn một nơi chốn để trở về. Đôi khi tôi mường tượng sợi dây tình cảm của má vẫn còn bện chặt và dài, nhưng mà là dây lỏng, kéo được người về rồi lại để người trôi. Khắc khoải.
2.Đôi khi sự chờ đợi lại khiến người ta hao mòn. Má biết vậy nhưng không chịu từ bỏ. Tôi không hiểu tại sao người ta cứ thích tự mua dây buộc mình, cho đến khi thời gian khứa thêm hai dấu chân lên số tuổi và kéo tôi qua hai bậc thềm của nó, lần đầu tiên tôi thấy cảm nắng một người. Ba biết chuyện nên hay trêu chọc, thương người ta rồi chứ gì? Tôi cúi mặt ngại ngùng.
Người tôi thương không sinh ra ở xứ này. Cô cũng từ một đoàn tạp kỹ trôi lang thang khắp nơi và không chịu cảnh bó chân ở một nơi cố định. Khi cô nhìn tôi, một khúc sông êm đềm hiện ra chảy dọc theo cù lao, tôi thấy mình xốn xang đến ngạt thở. Buổi tối, tôi hay đứng trước mép đường nhìn cô cùng những người trong đoàn sinh hoạt. Rồi như phát hiện ra sự chú mục của tôi hướng về phía mình, cô quay sang phía tôi và cười. Lần khác tôi lại thấy cô đi giày cao gót trên đoạn đường đất, đường trơn khiến cô ngã dúi. Tôi lật đật đỡ cô đứng dậy với một chân bị trật khớp. Và không cần đợi cô đồng ý, tôi vội vã cõng cô suốt đoạn đường về, tưởng chừng như có một hạt mầm nào đó đang nở hoa trong lồng ngực.
Má tôi biết và bỏ ăn mấy ngày liền. Tôi biết thực ra má không ghét đàn ông, má chỉ ghét mấy cô đào trong đoàn hát vì họ đã cướp đi người má yêu thương nhất. Má nói nếu tôi cũng bỏ đi giống như ba tôi, má sẽ chọn nhảy xuống một khúc sông và chìm luôn dưới đó. Lần đầu tiên tôi đứng trước sự lựa chọn, giống như một nhánh sông đang trôi tự dưng bị buộc rẽ sang hai hướng, không biết mình phải trôi về đâu.
Nhưng thời gian không cho phép tôi lưỡng lự. Ngày cuối cùng trước khi rời bến, cô thì thầm vào tai tôi rằng có muốn đi theo cô không? Dĩ nhiên là tôi muốn, muốn điều đó hơn bất cứ điều gì trên thế gian này. Và hình ảnh má gieo mình giữa lòng sông với đôi chân buộc đá, nó ghim vào trong tâm trí tôi là cả một sự mất mát. Tôi thương cô nhưng lại không muốn mất đi người má đơn thân đã nuôi nấng mình suốt hai mươi năm với tình yêu ngược dòng dành cho một người chân trôi.
Cuối cùng tôi đành chọn làm người ở lại.
3.Lần này ba tôi không trôi chân nữa mà dọn về đây ở hẳn. Má mừng rơi nước mắt. Nhưng ba không chọn sống với má, mà sống với cô đào của hai mươi năm trước bỏ quê đi biệt xứ. Ba sửa sang lại ngôi nhà cũ mà nội để lại lúc mất và sống nốt nửa đời còn lại cùng với người thương. Má chạy ra phía sau nhà nhìn sông và khóc.
Đứng ở một phương diện nào đó của cảm xúc, ba đã can đảm để gạt bỏ đi mỏ neo tình cảm mà má đã thả xuống ngần ấy năm trời trong vô vọng. Nếu tôi cũng một lần can đảm đối diện với má và nói ra thành thật lòng mình, có lẽ tôi đã không để vuột mất sợi dây tình cảm mà cô đã đưa cho tôi lúc tôi mong mỏi nhất.
Ngày sau và những ngày sau nữa, tôi không còn tìm thấy má. Người ta nói má đã xuôi ghe về cuối dòng vào một đêm trăng sáng. Má chọn cách rời đi.
Đến lượt má tôi trở thành người trôi.