Cuối tháng 4 cũng là thời điểm nhiều thí sinh tìm đến các "lò" luyện thi đại học trên địa bàn TP Cần Thơ để dùi mài kinh sử. Bên cạnh những thí sinh ra sức học tập, ôn luyện để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi thì không ít thí sinh mượn cớ đi luyện thi để thỏa sức ăn chơi, tìm những thú vui mới
bất chấp kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần.
Trở lại Cần Thơ để đăng ký ôn thi đại học không bao lâu nhưng Đệ (quê ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã nhanh chóng "kết nối" lại với nhóm bạn "bất hảo", thường xuyên tụ tập ăn chơi đến 1-2 giờ sáng. Đây là năm thứ 3 Đệ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đệ cho biết, kỳ thi tuyển sinh năm nay, Đệ đăng ký thi vào ngành Luật, Trường Đại học Cần Thơ. Nhà trọ trên đường 3 Tháng 2 (quận Ninh Kiều) là nơi trú ngụ của "chiến hữu" và Đệ nhiều năm qua. Đa số bạn bè của Đệ cũng đã "rớt" đại học nhiều lần. Theo Đệ, thật ra chuyện luyện thi đại học chỉ là cái cớ để Đệ tụm năm tụm ba với nhóm bạn nhằm tránh sự kiểm soát của gia đình.
|
Trong khi đa số bạn trẻ dồn sức ôn thi đại học, thì không ít bạn trẻ còn ham chơi, sao nhãng việc học. Ảnh mang tính minh họa. |
Luyện thi đại học cũng là cách để Đệ vòi vĩnh tiền của cha mẹ khá hiệu quả. Chưa tính tiền học phí, hơn nửa tháng mà cậu đã được gia đình trợ cấp hơn 4 triệu đồng. Theo tâm sự của Đệ, "chỉ cần nói đóng tiền học phí, mua tài liệu hay học thêm, ăn uống... thì cha mẹ chẳng những chi tiền hào phóng mà còn nhắc khi nào hết tiền, gọi điện về nhà cho hay
". Do sống xa nhà, thiếu sự kiểm soát nên cha mẹ Đệ hầu như "tin cậy" hoàn toàn lời nói của con trai. Đệ học vào mỗi buổi sáng, nhưng thay vì thời gian rỗi rãi còn lại để tập trung ôn luyện, cậu lại tập tụ bạn bè hết nhậu nhẹt lại ca hát, hoặc kéo nhau về phòng trọ đánh bài thâu đêm. Mệt mỏi vì những cuộc vui triền miên nên Đệ ngày càng lười đến lớp. Vì vậy, chuyện đậu vào đại học với Đệ rất đỗi xa vời.
Khác với Đệ, ngay từ sau Tết Nguyên đán, Tân (quê ở Bạc Liêu) cũng được cha mẹ gửi đến nhà người chú ruột ở TP Cần Thơ để ôn thi. Mới vào cuộc vài hôm, Tân đã chán cảnh cả ngày "nhốt" mình trong nhà học bài. Viện cớ nhà chú quá ồn ào, chú lại khó tính, Tân nằn nặc xin cha mẹ cho chuyển ra ngoài sống và đăng ký học tại một trung tâm luyện thi gần đó. Tân chia sẻ: "Vào trung tâm luyện thi có không khí học tập hơn, thầy cô giảng dạy có trọng tâm, bám sát chương trình hơn". Tân khoe, vừa mới thuê một căn phòng ở chung với mấy người bạn và hứa sẽ mở tiệc khao mọi người. Ở nhà trọ, không người thân quản lý, nhắc nhở, Tâm mặc sức tung hoành. Thay vì ôn bài, luyện thi, Tân vẫn thư thả cùng bạn bè la cà đánh bi-da hoặc trầm mình ở các quán cà phê, Internet
Đáng trách hơn, trong khi cha mẹ phải trông giữ vuông tôm thuê cho người ta, dành dụm từng đồng để lo cho con đi học, thì Tân lại "đốt" tiền, "đốt" thời gian vào những trò vô bổ, sao nhãng việc học.
Giang (quê ở Hậu Giang) - đang là học sinh một trường trung cấp, cũng viện lý do lo ôn thi đại học cho bằng bạn bè để tiện xin tiền cha mẹ hàng tháng. Thế nhưng, mỗi khi cha mẹ gởi tiền, Giang lại chơi bời thâu đêm suốt sáng. Có đêm, Giang nhậu đến hơn 2 giờ đêm, thậm chí còn tụ tập đua xe, đánh nhau... Không đủ tiền chi tiêu, trong khi gia đình cũng đang khó khăn, Giang vay mượn tiền từ nhiều bạn bè khác nhau. Mới đây, vì đã khất nợ nhiều lần và bị đòi nợ liên tục nên Giang phải cầu cứu cha mẹ để giải quyết số nợ hơn 10 triệu đồng. Để có tiền trả nợ thay con, cha mẹ Giang phải vay mượn bà con xóm giềng, khiến cuộc sống gia đình càng thêm túng quẫn.
Cũng vì đua đòi mà Yến Nhi - quê ở An Giang đã viện đủ lý do để xin tiền cha mẹ tậu chiếc xe tay-ga để "lấy le" với bạn bè. Đăng ký luyện thi từ tháng 8 - 2012, đến cuối tháng 4 này sẽ kết thúc khóa học, thế nhưng để có thêm tiền chi tiêu, Nhi nói dối cha mẹ sẽ tiếp tục đăng ký ôn thi khóa cấp tốc. Và rồi Nhi dùng số tiền đó để đổi "dế" xịn hơn. Cũng từ khi có xe, có điện thoại xịn, cô nàng càng "siêng" la cà. Theo một người bạn của Nhi, chuyện Nhi nhởn nhơ ở các quán nhậu hay quán cà phê sau hơn 12 giờ khuya là chuyện thường xuyên. Bù cho những lúc chơi bời thâu đêm suốt sáng, Nhi chẳng lo ôn luyện mà ban ngày cứ ngủ li bì mới có thể lấy lại sức.
Dạo quanh một số quán cà phê, Internet, nhiều sĩ tử thi nhau kể những tụ điểm vui chơi mà mình vừa trải nghiệm, một số học viên nam thì ngồi rít thuốc lá, khoe nhau những chiếc điện thoại mới
Tại một số trung tâm luyện thi, dù đã quá giờ học, nhưng nhiều "cậu ấm cô chiêu" mới bước vào lớp, trên tay chỉ mang theo cuốn vở cuộn tròn và cây viết. Họ thường ngồi cuối lớp rồi rúc rích trêu ghẹo lẫn nhau.
Không riêng những bạn trẻ trên, một bộ phận thanh niên đã và đang đánh mất cơ hội học tập của bản thân vì mê mải chạy theo những cuộc vui khó cưỡng lại ở chốn đô thành. Đáng trách hơn, trong đó có không ít bạn trẻ đã viện đủ lý do móc túi cha mẹ, khiến nhiều bậc phụ huynh đau lòng và cuộc sống gia đình thêm khó khăn.
Bài, ảnh: DÂN AN